Khi bà Melinda French Gates hỏi chồng mình là tỷ phú Bill Gates rằng liệu mình có được cùng viết trong bức thư thường niên năm 2013 của Tổ chức từ thiện mang tên họ hay không, một cuộc tranh cãi đã bùng nổ.
Trong cuốn sách "The Moment of Lift" xuất bản năm 2019, Melinda đã tiết lộ cuộc cãi vã khi đó vô cùng nảy lửa.
"Bill nói rằng quy trình truyền thống cho bức thư thường niên đã được làm vô cùng tốt hàng năm nay và anh ấy không thấy có lý do gì để thay đổi", bà Melinda nhớ lại.
Bà Melinda Gates cùng người dẫn chương trình Oprah Winfrey
Cuối cùng, tỷ phú Bill Gates cũng đồng ý cho vợ viết một bản phụ lục về các biện pháp tránh thai còn bản thân mình vẫn chấp bút cho bức thư thường niên của quỹ Bill and Melinda Gates Foundation. Vào năm tiếp theo, bà Melinda được viết 1 trong 3 phần của tiến trình xóa đói giảm nghèo trong thư thường niên còn Bill Gates viết 2 phần còn lại.
Đến năm 2015, cả 2 đều gom sức ngang nhau cho bức thư thường niên của tổ chức.
"Anh ấy cần học được cách làm thế nào để đối xử công bằng với vợ, còn tôi thì phải biết cách đứng lên đòi sự công bằng cho bản thân", bà Melinda viết.
Vốn là người hay e thẹn và kín tiếng, bà Melinda đã phải hy sinh rất nhiều nhằm gìn giữ hôn nhân với nhà sáng lập Microsoft. Thế nhưng người phụ nữ này cũng ngoan cường đứng lên để đòi lại sự công bằng của một người vợ trong nhiều vấn đề. Thậm chí câu chuyện Bill Gates rửa bát cho vợ hay đưa con đi đến trường cũng đến từ những tranh cãi và sự "bùng nổ" của bà Melinda hơn là tính tự giác của người chồng.
Thế rồi hành trình đòi sự công bằng của Melinda bước sang một trang mới khi cặp vợ chồng này tuyên bố ly hôn, đồng thời nói trước tòa rằng cuộc hôn nhân này về cơ bản đã đổ vỡ hoàn toàn.
Bà Melinda Gates nay đã 56 tuổi cho biết mình vẫn sẽ điều hành quỹ Gates Foundation cùng chồng, thế nhưng người phụ nữ này cho biết sẽ hoạt động độc lập hơn là phải đứng dưới cái bóng quá lớn của nhà sáng lập Mircrosoft.
Tầm quan trọng dựa trên số tài sản được chia
Sau khi tốt nghiệp đại học Duke vào năm 1987, Melinda được IBM mời về làm. Tuy nhiên sau buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đã khuyên bà sang Microsoft để có cơ hội thăng tiến hơn. Thế rồi Melinda cũng giữ chức giám đốc marketing tại Mircrosoft rồi Tổng giám đốc sản phẩm.
Dẫu vậy Melinda đã quyết định rời công ty để tập trung chăm lo cho gia đình vào năm 1996. Thế nhưng không chịu ngồi nhà làm "bà nội trợ", Melinda tiếp tục cố gắng thoát khỏi cái bóng của chồng. Do bị ảnh hưởng mạnh từ sự nghèo đói trong chuyến thăm Châu Phi năm 1993, Melinda đã thuyết phục chồng thành lập nên quỹ Bill and Melinda Gates Foundation. Cho đến hiện nay, đây là quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới với ngân sách hơn 50 tỷ USD.
Trên thực tế từ năm 2015, Melinda đã tự khởi nghiệp với Pivotal Ventures, một quỹ đầu tư chuyên tập trung cho nữ giới và các vấn đề liên quan đến gia đình. Bản thân các cuốn sách và nhiều tuyên bố của bà cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao nữ quyền, đòi sự bình đẳng cho phái yếu.
Năm 2016, Melinda cùng chồng đã được Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama trao Huân chương tự do. Bản thân bà cũng nhiều lần được đưa vào danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Tuy nhiên, liệu quyền lực và sức ảnh hưởng của Melinda còn bao nhiêu lại phụ thuộc vào việc phân chia tải sản hậu ly hôn lên tới 130,5 tỷ USD.
Theo hãng tin Reuters, trường hợp của bà Melinda có nhiều điểm tương đồng với MacKenzie Scott, người vợ cũ của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos. Điều thú vị là cả 2 ông chồng tỷ phú này đều tuyên bố là thích rửa bát cho vợ, nhưng rồi cuối cũng vẫn phải đi đến ly hôn.
Năm 2019, bà MacKenzie ly hôn chồng nhưng được nhận 4% cổ phần trong Amazon, qua đó trở thành một trong những người phụ nữ giàu nhất thế giới. Tất nhiên số tiền này cũng khiến vị thế và quyền lực của MacKenzie lớn hơn bao giờ hết, những động thái quyên góp và làm từ thiện của bà trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, bà MacKenzie tuyên bố đã quyên góp 4,1 tỷ USD cho các ngân hàng thực phẩm cũng như những quỹ cứu trợ khẩn cấp.
Huyền Băng-Tổng hợp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị