‘Kỳ lân’ ở Ấn Độ tăng nhanh giữa đại dịch Covid-19
Lê Linh
(KTSG Online) - Làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới đang đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế Ấn Độ nhưng cũng thúc đẩy cuộc chuyển đổi số, giúp nhiều công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ ở nước này trở thành startup 'kỳ lân' (Unicorn - doanh nghiệp được định giá từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên) nhanh hơn dự kiến.
Nhân viên giao thức ăn của Zomato. Ảnh: Gadgets |
15 startup trở thành kỳ lân xuất hiện chỉ trong một năm
Theo dữ liệu của CB Insights và Nikkei Asia, trong năm qua, có 15 startup ở Ấn Độ huy động vốn dựa trên mức định giá từ 1 tỉ đô la trở lên lần đầu tiên, với 10 trong số đó trở thành startup kỳ lân trong năm 2021, một đà tăng chưa có tiền lệ. Trong cùng thời gian, Trung Quốc cũng có thêm 15 startup kỳ lân nhưng chỉ có 2 trong số đó xuất hiện trong năm nay.
Thế hệ startup kỳ lân mới của Ấn Độ, chủ yếu kinh doanh trực tuyến thuần túy, đang được hưởng lợi nhờ làn sóng người tiêu dùng và doanh nghiệp đổ xô sử dụng dịch vụ của họ trong thời kỳ dịch bệnh. Giới đầu tư đang thẩm định liệu các startup có thể duy trì xung lực tăng trưởng khi Ấn Độ chìm trong làn sóng Covid-19 thứ nhì với số ca nhiễm mới hàng ngày vượt 300.000 kể từ ngày 21-4. |
Mới đây, startup giao đồ ăn Zomato của Ấn Độ đã nộp hồ sơ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở các sàn giao dịch chứng khoán Ấn Độ với mục tiêu huy động 82,5 tỉ rupee (1,1 tỉ đô la Mỹ) dựa trên mức định giá 5,4 tỉ đô la. Nếu thương vụ IPO của Zomato thành công, điều này sẽ mở đường cho các startup kỳ lân khác của Ấn Độ nối gót trở thành công ty đại chúng.
“Mọi doanh nghiệp buộc phải tìm cách kinh doanh trực tuyến. Rất nhiều nhà bán lẻ nhỏ truyền thống, vốn trước đây bán hàng qua các kênh trực tiếp, đã chuyển lên thị trường trực tuyến. Chúng tôi cũng chứng kiến rất nhiều cá nhân và người làm việc tự do bắt đầu bán hàng trên các nền tảng như WhatsApp, Facebook và Instagram” Harshil Mathur, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành startup công nghệ tài chính (fintech) Razorpay, có trụ sở ở Bengaluru, bang Karnataka, nói.
Mathur tiết lộ giá trị giao dịch trên Razorpay, nơi xử lý thanh toán cho các dịch vụ trực tuyến như ứng dụng giao đồ ăn, tăng vọt lên mức 35-40 tỉ đô la/năm so với mức 12 tỉ đô la/năm vào cách đây 1 năm.
Trong vòng gọi vốn gần đây với sự góp mặt của các nhà đầu tư tên tuổi bao gồm Sequoia Capital và Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC), Razorpay được định giá 3 tỉ đô la, tăng gấp ba so với mức định giá 1 tỉ đô la hồi tháng 10 năm ngoái.
Các startup khác ở Ấn Độ đã trở thành kỳ lân trong thời gian gần đây gồm Chargebee, chuyên bán phần mềm giúp doanh nghiệp quản lý dịch vụ thành viên thuê bao; Meesho, nền tảng thị trường trực tuyến dành cho những chủ doanh nghiệp cá nhân (người tự doanh) muốn bán hàng hóa trên mạng xã hội; Cred, một ứng dụng tặng điểm thưởng cho chủ thẻ tín dụng trả nợ đúng hạn.
Có 15 startup kỳ lân xuất hiện ở Ấn Độ trong năm qua. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc
Ấn Độ đứng sau Trung Quốc về quy mô nền kinh tế số nhưng đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Giới đầu tư cho rằng điều này là nhờ tốc độ phổ cập smartphone (điện thoại thông minh) nhanh chóng cũng như các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số hóa của chính phủ, chẳng hạn như việc ra mắt Giao diện thanh toán thống nhất (UPI) vào năm 2016, một hệ thống thanh toán cho phép người dùng chuyển tiền ngay lập tức giữa các ngân hàng.
Hiện nay, UPI đang thống trị thị trường thanh toán trực tuyến ở Ấn Độ với giá trị giao dịch vượt 5.000 tỉ rupee (66,7 tỉ đô la) trong tháng 3, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, theo Công ty thanh toán quốc gia Ấn Độ (NPCI), đơn vị vận hành UPI.
Theo CB Insights, Trung Quốc vẫn thống trị danh sách kỳ lân tổng thể ở châu Á với 138 startup kỳ lân, gấp hơn 4 lần con số startup kỳ lân ở Ấn Độ. Một số kỳ lân lớn nhất của Trung Quốc cũng có quy mô lớn hơn nhiều, chẳng hạn như Bytedance, công ty sở hữu Tiktok, được định giá đến 140 tỉ đô la. Kỳ lân lớn nhất Ấn Độ, One97 Communications, chủ sở hữu của ứng dụng thanh toán di động Paytm, có mức định giá 16 tỉ đô la.
Song sự gia tăng nhanh chóng của số lượng startup kỳ lân ở Ấn Độ báo hiệu sự thay đổi khẩu vị của giới nhà đầu tư.
Ryu Muramatsu, đối tác sáng lập của GMO VenturePartners, một nhà đầu tư sớm của Razorpay và các công ty khởi nghiệp fintech Đông Nam Á, cho biết: “Chúng tôi đang xem xét phân bổ thêm vốn cho Ấn Độ trong tương lai. Có thể có sự điều chỉnh về mức định giá trong ngắn hạn. Nhưng so với trước đây, các startup ở Ấn Độ có các yếu tố cơ bản mạnh mẽ hơn".
Chargebee, có các văn phòng đặt tại TP. Chennai của Ấn Độ cũng như TP. San Francisco (Mỹ), cho biết phần lớn trong số 3.500 khách hàng của công ty này đến từ Mỹ và châu Âu. Sau khi huy động được 125 triệu đô la với mức định giá 1,4 tỉ đô la, Chargebee lên kế hoạch mở rộng sự hiện diện sang các thị trường châu Á như Nhật Bản và Đông Nam Á.
Thương vụ IPO của Zomato sẽ là một chỉ dấu quan trọng cho thấy liệu cơn bùng nổ công nghệ ở Ấn Độ có thể duy trì xung lực hay không.Nếu không có hồ sơ theo dõi về các thương vụ IPO trị giá hàng tỉ đô la ở Ấn Độ, những nhà đầu tư hoài nghi có thể cho rằng triển vọng chốt lời cho các khoản đầu tư sớm ở các startup là không chắc chắn.
Một điểm gây cản trở đối các startup công nghệ Ấn Độ muốn tiến hành IPO là là một quy định chung yêu cầu các công ty phải có lãi trong 3 năm trước khi có thể bán cổ phần cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhưng các công ty thua lỗ vẫn có thể IPO với điều kiện họ phải phân bổ ít nhất 75% lượng cổ phần chào bán lần đầu cho các nhà đầu tư tổ chức có năng lực.
Đó cũng là con đường mà Zomato chọn để tiến hành IPO vì công ty này đã lỗ 23,6 tỉ rupee (318 triệu USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 vừa qua. Nếu Zomato IPO thành công, giới đầu tư sẽ tự tin hơn khi rót tiền mua cổ phần của các startup đang thua lỗ của Ấn Độ.
Các nhà đầu tư và công ty Trung Quốc có thể mất mát nhiều nhất nếu cơn bùng nổ công nghệ của Ấn Độ tiếp tục duy trì. Từng nằm trong số nhà đầu tư tích cực nhất ở Ấn Độ, các công ty của Trung Quốc như Ant Group, cổ đông lớn thứ hai của Zomato, hầu như buộc phải đứng ngoài cuộc chơi do một quy định mới yêu cầu các công ty từ các nước láng giềng của Ấn Độ gồm Trung Quốc phải được sự chấp thuận của chính phủ Ấn Độ trước khi đầu tư vào các công ty ở thị trường đông dân thứ hai thế giới. Vậy nên, dẫn đầu làn sóng gọi vốn mới nhất của các startup Ấn Độ là các nhà đầu tư đến từ Mỹ như Tiger Global Management và Sequoia Capital. Với nguồn lực tài chính ngày càng dồi dào, các startup công nghệ Ấn Độ sẽ gia tăng cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc. Những công ty công nghệ Trung Quốc hoạt động ở Ấn Độ cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm của New Delhi đối với hơn 200 ứng dụng của Trung Quốc vào năm ngoái sau một cuộc đụng độ biên giới Ấn-Trung. |
Theo Nikkei Asian Review
Xem thêm: lmth.91-divoc-hcid-iad-auig-hnahn-gnat-od-na-o-nal-yk/800613/nv.semitnogiaseht.www