Hà Nội cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn đang ở mức rất cao, trước đó lãnh đạo thành phố đã kiểm tra công tác phòng chống dịch ở sân bay Nội Bài, các bến xe - Ảnh: XUÂN THÀNH
Báo cáo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, lưu ý chùm ca bệnh COVID-19 ở Hà Nam và Vĩnh Phúc đều rất phức tạp.
Đề nghị yêu cầu nhà thuốc thấy người ho phải báo
Về chùm ca bệnh liên quan đến quán bar Sunny ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, ông Hạnh thông tin kết quả giải trình tự gen nguồn bệnh của các chuyên gia Trung Quốc do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thực hiện.
"Kết quả giải trình tự gen là B.1.617.2, là biến thể xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ. Còn giải trình tự gen liên quan đến ca bệnh ở Hà Nam là chủng từ Anh. Các thể này được các chuyên gia nhận định có tốc độ lây lan nhanh, từ khi tiếp xúc đến khi lây cho người khác từ 3-5 ngày" - ông Hạnh cho hay.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh cũng đề nghị khởi động lại biện pháp yêu cầu nhà thuốc khi thấy người ho, sốt đến mua thuốc phải báo ngay cho y tế xã, phường, đồng thời triển khai lấy mẫu ngẫu nhiên trong cộng đồng.
"Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp chống dịch, chúng tôi kêu gọi người dân không lơ là, chủ quan, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhưng cũng không hoang mang" - ông Hạnh nói.
Cũng tại cuộc họp, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội cho biết sẽ kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo, siết chặt việc cách ly, theo dõi sau cách ly trên địa bàn cả nước.
6 nguyên nhân khiến Hà Nội trở thành nơi có nguy cơ cao
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội hiện có nguy cơ ở mức rất cao, trong đó ban chỉ đạo chỉ rõ 6 lý do dẫn tới nguy cơ dịch bệnh rất cao ở Hà Nội.
Thứ nhất, Hà Nội đã ghi nhận 5 trường hợp mắc mới ngoài cộng đồng. Bên cạnh đó, 3 ca mắc tại quán bar Sunny tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có liên quan đến Hà Nội, lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc với nhiều người, vì vậy dự báo khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới.
Thứ hai, thời gian gần đây có một số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn ghi nhận dương tính COVID-19 làm lây lan dịch bệnh. Chính vì vậy, cần tăng cường quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng. Bên cạnh đó cần tăng cường quản lý các đối tượng đã hoàn thành cách ly tập trung trở về địa phương cư trú.
Thứ ba, tại Đà Nẵng đã ghi nhận ca mắc chưa rõ nguồn lây, như vậy mầm bệnh rất có thể đã tồn tại ngoài cộng đồng. Các đơn vị cần tăng cường giám sát, chủ động phát hiện các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các ca bệnh ngoài cộng đồng.
Thứ tư, tình hình dịch bệnh tại các nước có chung đường biên giới với Việt Nam ghi nhận số mắc tăng nhanh trong thời gian gần đây. Cần quản lý chặt chẽ các đối tượng nhập cảnh trái phép vào nội địa để tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, nhất là khi số người nhập cảnh trái phép gia tăng.
Thứ năm, sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, có số lượng lớn người từ các địa phương khác về Hà Nội, cùng với đó là một bộ phận người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.
Thứ sáu, TP Hà Nội có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất có số lượng lớn công nhân từ các địa phương khác tới làm việc, đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đặc biệt các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh có địa bàn tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc - nơi có chùm ca bệnh đang diễn biến phức tạp.
Từ các lý do được phân tích nêu trên, ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cảnh báo tại Hà Nội còn tiếp tục xuất hiện ca mắc trong cộng đồng trong thời gian tới. "Từ thực tế vừa qua cho thấy tình hình lây lan dịch bệnh rất cao ở những bữa ăn đông người, vì vậy cần hạn chế tối đa những bữa ăn đông người" - ông Hạnh khuyến cáo.
Hành khách ngồi cách ghế trên phương tiện vận tải
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị ngoài các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cần bổ sung phương án giãn cách hành khách trên phương tiện vận tải.
Cụ thể, bố trí hành khách ngồi cách nhau một ghế, sử dụng không quá 50% số ghế, không áp dụng với xe khách giường nằm nhưng phải đảm bảo đúng số lượng hành khách được phép chở, không vượt quá 30 người/xe kể cả lái xe, phụ xe, phục vụ trên xe.
TTO - Bệnh nhân COVID-19 mới nhất ở Hà Nội (N.T.N., ngụ Bắc Từ Liêm), bị lây bệnh sau khi bay cùng chuyến bay VN160 với 2 chuyên gia Trung Quốc, đã đến khá nhiều địa điểm trong hơn 4 ngày vừa qua.
Xem thêm: mth.22840828140501202-oac-tar-cum-o-gnad-91-divoc-hneb-hcid-oc-yugn-oab-hnac-ion-ah/nv.ertiout