Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 1,9% và đóng cửa ở 13.633,5 điểm, đánh dấu phiên tiêu cực nhất kể từ tháng 3 trở lại đây.
Apple – công ty niêm yết lớn nhất nước Mỹ - chứng kiến cổ phiếu sụt 3,5%, tương đương khoảng 120 tỷ USD vốn hóa bị thổi bay. Cổ phiếu Alphabet – công ty mẹ của Google – cũng giảm 1,6%, Facebook mất 1,3%. Các cổ phiếu sản xuất chip cũng không tránh khỏi đà bán tháo của thị trường, Nvidia và Intel đóng cửa trong sắc đỏ lần lượt 3,3% và 0,6%.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,7% còn 4.165 điểm. Ở đáy của phiên, chỉ số này mất tới 1,5%.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa trong sắc xanh, tăng gần 20 điểm lên 34.133 điểm nhờ sự hỗ trợ tích cực của cổ phiếu hóa chất Dow Inc và hãng sản xuất máy móc công nghiệp Caterpillar.
Trong phiên, có lúc chỉ số bluechip này mất hơn 300 điểm. Các cổ phiếu công nghệ như Apple, Salesforce.com và Microsoft tác động tiêu cực nhất tới Dow Jones.
Tổng khối lượng giao dịch ở các sàn chứng khoán Mỹ phiên vừa qua là 12,21 tỷ đơn vị, cao nhất trong hơn một tháng trở lại đây. Theo Reuters, các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và dồn tiền sang các cổ phiếu có tính phòng thủ hơn trong bối cảnh có nhiều lo ngại về báo cáo việc làm sắp tới và nguy cơ lãi suất tăng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 4/5 phát biểu tại một sự kiện do tờ The Atlantic tổ chức: "Tuy các gói chi tiêu chính phủ mới khá nhỏ so với quy mô của nền kinh tế nhưng lãi suất có thể phải tăng một mức nhất định để đảm bảo rằng nền kinh tế không bị quá nóng".
Theo Reuters, sau bình luận của bà Yellen về sự cần thiết của việc tăng lãi suất, các cổ phiếu công nghệ càng bị bán tháo mạnh hơn. Thông thường khi lãi suất tăng lên, các doanh nghiệp phụ thuộc vào vay nợ nhiều để tài trợ tăng trưởng lương lai như nhóm công nghệ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đã nhiều lần khẳng định sẽ để cho lạm phát lên cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% rồi mới tính đến chuyện nâng lãi suất. Dù vậy, xu hướng giá cả gần đây vẫn khiến nhiều người lo ngại.
Trong đại hội cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway tổ chức ngày 1/5, Chủ tịch Warren Buffett cho biết ông nhận thấy "lạm phát rất cao" và giá cả đang tăng ở khắp nơi, các nhà cung cấp nâng giá khi bán cho công ty của ông và Berkshire lại nâng giá khi bán cho khách hàng.
Huyền thoại đầu tư 90 tuổi này còn than phiền về việc giá thép tăng lên từng ngày, làm ảnh hưởng đến mảng thi công xây dựng của Berkshire.
Các doanh nghiệp khác như nhà sản xuất chất tẩy rửa Clorox đã cho biết trong buổi công bố kết quả kinh doanh quý I rằng giá nguyên vật liệu đang tăng và sẽ đến lúc công ty cũng phải nâng giá bán cho người tiêu dùng. Giá của rất nhiều loại hàng hóa từ gỗ, thép, đồng, palladium đều tăng nhanh trong những tháng gần đây.
Ông Randy Frederick – Phó Giám đốc phụ trách giao dịch và phái sinh tại ngân hàng đầu tư Charles Schwab ở Austin, Texas nhận định: "Khi thị trường có các nhịp dừng hoặc giảm điểm, nhà đầu tư đa phần đều rút khỏi các cổ phiếu tăng trưởng như nhóm công nghệ và chuyển tiền vào các cổ phiếu phòng thủ hơn".
Các nhóm cổ phiếu vật liệu và tài chính của chỉ số S&P 500 tăng lần lượt 1% và 0,7% trong phiên 4/5 khi nhà đầu tư luân chuyển vốn sang các ngành thuận chu kỳ.
Sau phiên giảm điểm 4/5, chỉ số S&P 500 hiện vẫn cao hơn 10% so với đầu năm trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh vượt xa kỳ vọng.
CNBC dẫn lời ông Art Hogan – Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán National Securities nhận xét: "Chúng ta đã trải qua 2-3 tuần với rất nhiều tin tốt nhưng thị trường hầu như không phản ứng. Các nhà đầu tư cảm thấy bất an khi ở trên đỉnh lịch sử. Từ đầu năm đến nay S&P 500 đã lập đỉnh mới 25 lần".
Xem thêm: mth.60014706050501202-taus-ial-ev-iagn-ol-auig-oaht-nab-ib-ym-ehgn-gnoc-ueihp-oc/nv.zibmanteiv