Phí thu từ sử dụng đường bộ không đủ để chi bảo trì
Bộ Tài chính vừa thông qua báo chí trả lời ý kiến thắc mắc của người dân về đề xuất thu phí đường bộ một số cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Theo đó, tai phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020, Bộ này đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm các đoạn TP.HCM- Trung Lương; La Sơn - Túy Loan (Huế); Nội Bài - Nhật Tân (Hà Nội) và 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công.
Như vậy là, nếu dự thảo nghị quyết này được thông qua, từ nay người dân đi cao tốc Nội bài - Nhật Tân để đến và rời sân bay quốc tế Nội Bài (cùng các cao tốc nói trên) sẽ phải nộp tiền phí sử dụng cao tốc.
Liên quan đến đề xuất này, có nhiều ý kiến người dân thắc mắc, hiện tại doanh nghiệp và người dân lưu hành xe đã phải nộp các khoản phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường đánh trên xăng dầu, liệu việc thu phí này có đảm bảo hài hòa lợi ích?
Thông tin tới báo chí chiều qua (4/5), bộ Tài chính viện dẫn Điểm 1.1 Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật Phí và lệ phí hiện hành và cho biết, Luật này đã quy định “Phí sử dụng đường bộ” (trong đó có đường cao tốc) là phí thuộc lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT).
Theo bộ tài chính, hiện nay, số thu từ phí sử dụng đường bộ (theo đầu phương tiện) rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu tối thiểu cho hoạt động bảo trì đường bộ, do đó dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng, ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân và gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
"Hàng năm, ngân sách Nhà nước còn phải cấp bổ sung từ 3.000 – 4.000 tỷ đồng cho công tác bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý. Vì vậy, cũng cần phải nghiên cứu để có các cơ chế phù hợp nhằm bổ sung nguồn thu để đáp ứng nhu cầu bảo trì đường bộ, phát triển hệ thống đường cao tốc", văn bản của bộ Tài chính nêu rõ.
Đồng thời, Bộ này cũng khẳng định, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm huy động, khơi thông nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng. Cụ thể là Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội; Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Căn cứ các quy định nêu trên, bộ Tài chính khẳng định, việc đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc để huy động nguồn lực của xã hội nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, toàn diện là cần thiết và có cơ sở pháp lý; qua đó, tạo thêm nguồn lực cho Nhà nước tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc theo mục tiêu đề ra, đảm bảo nguyên tắc bù đắp các chi phí cần thiết như trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng.
Đồng thời, Bộ này cũng cho hay, ngày 30/3/2021, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 67/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư; theo đó giao: Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đề xuất về cơ chế thu phí, hoàn thiện dự án luật Giao thông đường bộ (trong đó có nội dung về cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư), đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
Thực hiện chỉ đạo của nguyên Thủ tướng Chính phủ, bộ Tài chính đang nghiên cứu và phối hợp với bộ GTVT để đề xuất cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc vào dự thảo luật Giao thông đường bộ.
Nhà nước đầu tư cao tốc không nhằm kinh doanh thu lợi nhuận
Trước đó, 15/3, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Tại phiên họp này, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, nguyên Thủ tướng nhắc lại mục tiêu đến năm 2030 chúng ta có khoảng 5.000km đường cao tốc, do đó cần đầu tư xây dựng thêm 3.000km nữa.
Hình thức đầu tư có thể là hợp tác công – tư (PPP) hay từ ngân sách Nhà nước. Do đó, bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ GTVT có trách nhiệm sớm báo cáo Chính phủ về chiến lược đầu tư này. Việc xem xét xây dựng cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết, bảo đảm mức thu phù hợp, đồng thời đồng bộ với các dự án BOT liền kề và khuyến khích các dự án đầu tư hạ tầng đường bộ.
Nguyên Thủ tướng nêu rõ, Nhà nước đầu tư đường cao tốc không nhằm mục đích kinh doanh thu lợi nhuận nên việc thu phí chỉ nhằm bảo đảm bù đắp các chi phí cần thiết như trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng…
Tuy vậy, nguyên Thủ tướng cũng lưu ý bộ Tài chính cần cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, bởi trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn.
M. Minh