Tại một cánh đồng trồng giống lúa ST25 - Ảnh: C.QUỐC
Đúng ra xây dựng thương hiệu là công việc của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu, lai tạo lúa thơm nên chưa quan tâm đến làm thương hiệu. Thú thật, tôi lo "đối đầu" với thị trường trong nước đã quá mệt mỏi rồi. Hết gạo giả, giống giả, giờ đến thị trường nước ngoài "nóng" lên.
Ông Hồ Quang Cua
Chính thức nộp đơn xin bảo hộ tại Mỹ
* Ông và doanh nghiệp của gia đình đang và sẽ làm gì để đăng ký thương hiệu gạo ST24, ST25? Ông có nhận được sự hỗ trợ nào chưa?
- Mệt thì có mệt, nhưng cũng phải xúc tiến. Tôi đã nhờ một công ty luật chuyên ngành ở Mỹ lo thủ tục, ủy nhiệm họ làm thay tôi. Ngày 4-5, họ chính thức nộp đơn đăng ký bảo hộ gạo ST25 tại Mỹ.
Doanh nghiệp của tôi kinh doanh mang tính gia đình, khả năng tài chính có hạn, hiểu biết luật lệ kinh doanh ở nước ngoài hạn chế... từ đó đã chậm trễ trong việc xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ gạo ST24, ST25 ở nước ngoài. Rất may, các thương vụ đã tích cực hỗ trợ kịp thời. Hành động chia sẻ, chung tay đó chúng tôi không thể quên.
Thương vụ Việt Nam tại Úc đã có nhiều động thái nhanh chóng, hiệu quả trong ứng xử với doanh nghiệp ở Úc đăng ký bảo hộ gạo ST24 và ST25. Thương vụ đã liên hệ với tôi bàn giải pháp phối hợp xử lý vụ việc. Tiếp theo là hành động của thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Những việc làm của thương vụ tại Úc đã làm ấm lòng chúng tôi.
* Còn các bộ, ngành trong nước đã có động thái gì hỗ trợ chưa, thưa ông?
- Đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Công thương... động viên tôi vì thể diện quốc gia, vì danh dự của Việt Nam mà hãy tích cực xúc tiến đăng ký thương hiệu cho gạo thơm ST24, ST25. Họ hỗ trợ về thông tin, thủ tục cho chúng tôi.
Mặt khác, hiện có rất nhiều công ty luật trong và ngoài nước mong muốn hỗ trợ miễn phí đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST24, ST25.
Tôi không thể đưa ra con số cụ thể nhưng cũng mong thành quả của mình được trả công xứng đáng.
Ông Hồ Quang Cua
Chỉ doanh nghiệp gia đình làm không nổi
* Cuối năm 2020, khi nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm trại sản xuất giống lúa của ông, ông có nhã ý nhượng quyền lại cho Nhà nước. Bây giờ ông còn có mong muốn này?
- Trước sau gì thì tôi vẫn mong muốn nhượng quyền giống lúa thơm ST25 cho Nhà nước. Cả đời tôi đã bỏ ra tâm huyết, sức lực để nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo được nên chỉ muốn nhượng quyền lại để cho Nhà nước quản lý phát triển cho tốt, chứ một mình doanh nghiệp gia đình tôi không làm nổi. Còn nếu nhượng quyền cho doanh nghiệp, dù có đưa ra giá cao thì tôi vẫn từ chối.
* Vì sao ông lại từ chối nhượng quyền giống lúa ST25 cho doanh nghiệp, dù có nhiều lợi ích?
- Nhiều công ty đã gặp tôi, đề nghị tôi nhượng quyền kinh doanh giống lúa ST24, ST25 từng phần hoặc toàn phần. Họ đưa ra giá khá hậu hĩnh, nhưng tôi từ chối. Doanh nghiệp lấy lợi nhuận làm đầu, họ có chiến lược kinh doanh riêng, có thể sẽ không vì lợi ích cộng đồng, nhất là hướng về nông dân. Điều này không có gì đau lòng bằng.
Còn khi Nhà nước quản lý giống, mọi việc sẽ thuận lợi. Hiện tôi đã nhượng quyền cho một số tỉnh như ở Long An, Kiên Giang và Sóc Trăng. Sự hợp tác rất thuận lợi, hiệu quả.
Gạo ST25 được đóng gói và bán tại DNTN Hồ Quang Trí, tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: H.T.DŨNG
Mong được trả công xứng đáng
* Nhưng nhiều ý kiến cho rằng phải là doanh nghiệp có tiềm lực chứ khi Nhà nước nhận nhượng quyền thì không có đủ kinh phí để triển khai, ông nghĩ sao?
- Đây là vấn đề rất tế nhị. Tôi không thể đưa ra con số cụ thể nhưng cũng mong thành quả của mình được trả công xứng đáng. Tôi được biết sắp tới Nhà nước sẽ dành kinh phí khá lớn đầu tư cho lĩnh vực giống cây trồng. Do vậy, chỉ cần trích ra một phần đã dư kinh phí để có bản quyền giống ST25.
* Sau khi nhượng quyền giống, ông sẽ về hưu, an nhàn bên con cháu hay sẽ tiếp tục nghiên cứu giống lúa?
- Không. Sau khi nhượng bản quyền giống lúa ST25, tôi vẫn sẽ góp sức nghiên cứu để cải tiến chất lượng hạt giống và sản xuất giống siêu nguyên chủng. Tôi làm công việc này chục năm nay, cây lúa đã ngấm vào máu, tôi không thể bỏ cây lúa nửa chừng. Tôi sẽ gắn bó với công việc nghiên cứu đến khi nào còn đủ sức khỏe.
Vì sao ông Cua chọn Tập đoàn PAN để ủy thác?
Ông Hồ Quang Cua đã thỏa thuận ủy thác Tập đoàn PAN đại diện đăng ký bảo hộ sở hữu thương hiệu gạo ST24 và ST25 ở cùng lúc nhiều thị trường lớn. "Chúng tôi nhận thấy Tập đoàn PAN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có hệ sinh thái liên kết khá hoàn chỉnh và hiệu quả", ông Cua nói.
Ông Cua chia sẻ: Việc hợp tác này vì cùng góp sức xây dựng và giữ vững thương hiệu Việt, yếu tố kinh tế không được quan tâm nhiều và không đáng nêu ra...
GS Võ Tòng Xuân: Phải chung tay hỗ trợ
Trước mắt, tại Mỹ và Úc, gạo ST24, ST25 chưa mất thị trường. Tuy nhiên, nếu có doanh nghiệp nào đó được cấp chứng nhận độc quyền thì khi bán phải thông qua họ, không thông qua sẽ bị kiện.
Anh Hồ Quang Cua đã thuê luật sư nhưng một mình anh ấy không thể bơi ra biển lớn, cần có sự chung tay hỗ trợ của Nhà nước và của chính quyền tỉnh Sóc Trăng. ST25 có xuất xứ ở Sóc Trăng, thương hiệu của địa phương, nên tôi mong tỉnh hỗ trợ, tài trợ một phần.
Châu Âu có mấy doanh nghiệp nhập gạo ST24. Họ đã phân phối ở nhiều nước châu Âu, khen ngon hơn giống Thái Lan. Nếu chúng ta chậm chân, không chừng một số doanh nghiệp ở Mỹ lấy quyền đăng ký bản quyền để bắt chẹt những doanh nghiệp này. Do vậy chúng ta phải nhanh tay hơn nữa.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm, cây trồng của chúng ta bị hớt tay trên. Qua vụ ST25 này, tôi đề nghị các nhà làm giống cây trái phải đăng ký bảo hộ, quyền sở hữu trí tuệ cây, con giống của mình, tránh bị làm giả. Nhà nước phải giúp một phần, để dân mình có giống tốt trồng, nước mình nổi tiếng hơn, nông dân mình giàu hơn.
K.TÂM - H.T.DŨNG
TTO - Ngoài thị trường Úc, ông Hồ Quang Cua cũng đã thuê luật sư, chính thức nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại Mỹ.