Sáng 5-5, UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học định hướng phát triển kinh tế xã hội TP giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành trung ương, các tỉnh thành phía Nam và chuyên gia các lĩnh vực.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TTBC
Cần đột phá về hạ tầng giao thông, mô hình quản lý
Góp ý tại hội thảo, TS Trần Du Lịch cho rằng trong 10-15 năm nữa, TP.HCM sẽ là một trong những thành phố hiện đại, phát triển nhanh và năng động nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương.
TP.HCM cũng sẽ vươn lên trở thành một trung tâm đa chức năng, trong đó nổi bật là một trung tâm tài chính của khu vực và vươn tầm quốc tế. Nơi đây cũng sẽ là một siêu đô thị đa trung tâm với điểm nhấn là TP Thủ Đức và đô thị mới dọc sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, để phát triển TP cần vượt qua những rào cản về tâm lý và thể chế để hình thành được tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế. Phải làm thế nào để TP trở thành điểm đến thu hút các doanh nghiệp toàn cầu, là điểm ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Đây vừa là cơ hội cũng chính là thách thức đối với TP.
Chính vì thế, theo ông Lịch, trong những năm tới cần ưu tiên những chính sách và giải pháp mang tính đột phá về hạ tầng giao thông kết nối Vùng. Trong đó cần đẩy nhanh tiến độ các dự án như cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, mở rộng 8 làn xe cao tốc TP.HCM - Trung Lương…
Cùng đó, đẩy nhanh xây dựng các đường vành đai kết nối Vùng, ít nhất phải khép kín các đường vành đai 2 và 3 trong năm năm tới. Xây dựng cầu Cát Lái nối TP.HCM với Nhơn Trạch sẽ mang tính đột phá để mở rộng không gian Vùng, tạo điều kiện phát triển TP Thủ Đức.
TS Trần Du Lịch góp ý tại hội thảo. Ảnh: TTBC
Bên cạnh đột phá về hạ tầng giao thông, ông Lịch cũng cho rằng cần đột phá mô hình quản lý đô thị phù hợp để phát huy cao nhất thế mạnh về vị trí và vai trò của TP.HCM. Cùng với đó là đặt TP Thủ Đức đúng vị trí vai trò động lực phát triển của TP.HCM trong 10 năm tới.
Trong đó, ngay trong năm nay cần tiến hành song song 3 nội dung. Thứ nhất, cần quy hoạch lại tổng thể TP Thủ Đức trên diện tích 211 km2 theo hướng hiện đại, phù hợp với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, sáng tạo để làm cơ sở xây dựng hệ thống giao thông công cộng kết nối và hướng mở ra cả Vùng đô thị TP.HCM.
Thứ hai là tổ chức sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp TP Thủ Đức đến cấp phường theo hệ thống dọc thông suốt và tinh thông nghiệp vụ, đưa tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu. “Đây là vấn đề khó nhất vì liên quan đến con người cụ thể, nhưng nếu không vượt qua được thách thức này sẽ không thay đổi được chất lượng công vụ và thực hiện được nhiệm vụ đặt ra đối với TP này” – ông Lịch nói.
Thứ ba là xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền đô thị Thủ Đức nhằm phát huy tính năng động sáng tạo của địa phương và giảm bớt công việc của của các sở ngành TP.HCM, theo nguyên tắc: việc gì chính quyền TP Thủ Đức có thể làm tốt thì phân cấp, phân quyền cho Thủ Đức làm, các sở ngành của TP.HCM chỉ kiểm tra thanh tra công vụ, không làm thay.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cho biết giai đoạn 2016-2019, GRDP của TP tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% thu ngân sách cả nước.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc tại hội thảo. Ảnh: TTBC
Theo ông, với những điểm sáng trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế… GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD.
Đến năm 2030 sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.