Hải cảnh Trung Quốc tiếp cận và ngăn cản một tàu đánh cá Philippines trên Biển Đông. Chính quyền Manila tuyên bố sẽ tăng cường các chuyến tuần tra bảo vệ ngư dân nước này - Ảnh chụp từ clip
NTF-WPS thuộc Chính phủ Philippines, là lực lượng đã phát hiện hàng trăm tàu Trung Quốc tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi cuối tháng 3. Hôm 27-4, Trung Quốc đã đơn phương áp lệnh cấm đánh bắt cá tại các vùng biển xung quanh nước này, bao gồm một phần Biển Đông.
"Ngư dân Philippines cứ ra khơi và đánh bắt cá trong vùng biển của Philippines", NTF-WPS nhấn mạnh trong thông cáo tối 4-5, khẳng định lệnh cấm của Trung Quốc không có hiệu lực với ngư dân Philippines.
Theo NTF-WPS, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines trên Biển Đông. Lực lượng này tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc diễn tập hàng hải và tuần tra trên Biển Đông, bất chấp các lệnh cấm và hành vi gây sức ép từ Bắc Kinh.
Tuyên bố phản đối được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiết lộ ông đã đề nghị Trung Quốc để yên ổn cho ngư dân Philippines "đánh bắt kiếm cơm".
Quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đang chứng kiến giai đoạn căng thẳng hiếm hoi kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền năm 2016.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Philippines đã liên tục gửi công hàm phản đối sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc ở một số thực thể thuộc Trường Sa.
Gần đây nhất, hôm 27-4, NTF-WPS cho biết đã phát hiện một nhóm tàu "dân quân biển" Trung Quốc ở bãi cạn Sa Bin cách đảo Palawan khoảng 130 hải lý. Lực lượng tuần duyên Philippines đã phát loa xua đuổi, tuyên bố các tàu Trung Quốc "xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines", theo truyền thông địa phương.
Bất chấp sự phản đối của các nước, chính quyền Bắc Kinh áp lệnh cấm đánh bắt cá thường niên từ năm 1999 đến nay với lý do bảo vệ và tái tạo nguồn hải sản.
Lệnh cấm đánh bắt hải sản năm nay kéo dài từ ngày 1-5 đến hết ngày 16-9. Giới quan sát đặc biệt chú ý lệnh cấm năm 2021 do Trung Quốc vừa thông qua luật hải cảnh mới.
Luật này cho phép hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí đối với các cá nhân, tàu bè bị Bắc Kinh xem là xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán. Cùng với các tàu dân quân biển ngụy trang tàu cá, tàu hải cảnh Trung Quốc là công cụ được Bắc Kinh sử dụng để đe dọa các nước và thúc đẩy yêu sách hàng hải vô lý.
Hôm 29-4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Bắc Kinh.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, ông Đoàn Khắc Việt, khẳng định các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định liên quan của UNCLOS 1982. Theo ông Khắc Việt, những biện pháp này không được làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của các quốc gia liên quan khác.
"Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương của Trung Quốc. Quy chế này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc", đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam nêu rõ quan điểm.
TTO - Quân đội Philippines đang lên kế hoạch biến đảo Thị Tứ ở Biển Đông thành trung tâm hậu cần quân sự để rút ngắn thời gian phản ứng trước các sự cố trong khu vực.