Xử lý nghiêm
Trước phản ánh của báo chí về tình trạng một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có biểu hiện "ép" khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, Bộ Tài chính cho biết: Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không quy định cụ thể hoặc giới hạn về các sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng.
Đồng thời, các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Do đó, để tránh hiện tượng một số tổ chức tín dụng có dấu hiệu “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là tổ chức tín dụng.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm với các tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên của tổ chức tín dụng tham gia bán bảo hiểm, có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời trường hợp có vi phạm.
Trước đây, trong văn bản số 7928 gửi đến các tổ chức tín dụng (TCTD), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu các TCTD cần phải rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống của TCTD; xử lý nghiêm những trường hợp “ép”, bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.
Cũng tại văn bản này, NHNN cũng yêu cầu các TCTD thực hiện chào bán, giải thích điều kiện, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm cũng như các hoạt động đại lý bảo hiểm khác cho các khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật nhằm giúp khách hàng hiểu đúng/đủ quyền và lợi ích hợp pháp, các điều kiện/điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm.
Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm đối với các cán bộ tín dụng và cán bộ tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm, trong đó, cần đặc biệt lưu ý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Dịch vụ phân phối sản phẩm bảo hiểm tại ngân hàng ngày càng nở rộ
"Con gà đẻ trứng vàng" cho nhà băng
Được biết, các nhân viên không ít nhà băng khi tư vấn khách hàng dù là gửi tiết kiệm, vay vốn kinh doanh, vay mua xe hay mở tài khoản đều chào mời mua thêm các sản phẩm bảo hiểm.
Ngoài vấn đề áp lực về chỉ tiêu thì nếu bán hợp đồng bảo hiểm thành công, nhân viên ngân hàng còn được hưởng chiết khấu phí bảo hiểm rất hấp dẫn. Điều này dẫn đến câu chuyện nhân viên của một số nhà băng nhiệt tình chèo kéo, thậm chí ép buộc khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm khi có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng.
Thậm chí, có ngân hàng còn đưa ra chính sách như: Nếu khách hàng đồng ý mua bảo hiểm thì lãi suất cho vay sẽ thấp hơn so với mức lãi suất mà khách hàng không mua bảo hiểm nhân thọ.
Số liệu mà các ngân hàng vừa công bố cho thấy doanh thu từ bán chéo các sản phẩm bảo hiểm tại nhiều nhà băng vẫn đang tăng nhanh.
Đơn cử như tại VPBank, doanh thu từ dịch vụ bán sản phẩm bảo hiểm đạt hơn 2.575 tỉ đồng trong năm 2020; thu nhập phí bảo hiểm của ngân hàng Eximbank trong năm ngoái cũng lên tới 112 tỉ đồng, tăng trưởng 23%, góp phần đưa mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ năm 2020 lên 20%, tăng cao nhất trong 4 năm gần đây.
Tương tự, dịch vụ phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cũng đóng góp hơn 41% nguồn thu của Ngân hàng VIB trong năm 2020 với trên 1.217 tỷ đồng, tăng 9,5% so với 2019.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, lãnh đạo Vietcombank chia sẻ về vai trò đóng góp của dịch vụ phân phối sản phẩm bảo hiếm đối với kết quả kinh doanh ngân hàng. Theo đó, trong quý 1/2021, Vietcombank đã vươn lên thứ 8 thị trường về hoạt động phân phối bảo hiểm với doanh thu ước đạt 390 tỷ đồng.