Bộ Tài chính yêu cầu xử lý tình trạng ép mua bảo hiểm khi vay vốn
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) - Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm với các tổ chức tín dụng, nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên của tổ chức tín dụng tham gia bán bảo hiểm, có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời trường hợp có vi phạm.
Ảnh minh họa: TTXVN. |
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, cơ quan này vừa có phản hồi các vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó có nội dung một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có biểu hiện ép khách mua bảo hiểm khi vay vốn.
Theo cơ quan quản lý các doanh nghiệp bảo hiểm, việc tham gia bảo hiểm là dựa trên tinh thần tự nguyện. Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, không quy định cụ thể hoặc giới hạn về sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng.
Các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thoả thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với ngân hàng.
Do đó, việc quản lý, giám sát đối với nhân viên ngân hàng trực tiếp bán bảo hiểm bảo đảm tuân thủ các quy định theo hợp đồng đại lý bảo hiểm, thuộc thẩm quyền của ngân hàng.
“Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là tổ chức tín dụng. Việc này giúp kênh phân phối này vừa mang lại hiệu quả cao, vừa an toàn và không ảnh hưởng tới quyền lợi người mua bảo hiểm”, theo văn bản Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, trước đó bộ đã có công văn số 14097 ngày 17-11-2020, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí về tình trạng trên. Nội dung công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm.
Vào thời điểm cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước, cơ quản quản lý các tổ chức tín dụng cũng đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt nhấn mạnh nội dung không được "ép" người đi vay mua bảo hiểm.
Chia sẻ bên lề hội thảo với KTSG Online trước đó, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam khẳng định các doanh nghiệp bảo hiểm và cả Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam không khuyến khích việc nhân viên ngân hàng mời chào, thậm chí ép khách hàng vay vốn phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua.
"Chúng tôi rất khó xử trong câu chuyện này vì đây không phải chủ trương của ngành bảo hiểm. Dù vậy, khi công ty bảo hiểm và ngân hàng ký hợp đồng độc quyền khai thác bảo hiểm sẽ có những ràng buộc về chỉ tiêu. Các ngân hàng giao lại chỉ tiêu cho nhân viên và có thể xảy ra chuyện ép hoặc mời khách hàng mua. Thực ra đây là “con dao hai lưỡi” bởi có thể ảnh hưởng uy tín thương hiệu của cả ngân hàng và công ty bảo hiểm", ông Dũng bình luận.
Hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng đang bùng nổ trong thời gian qua. Tỷ trọng phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) đã chiếm tới xấp xỉ gần 40% doanh thu bán bảo hiểm mới, tăng lên hơn gấp đôi trong ba năm qua.
Xem thêm: lmth.nov-yav-ihk-meih-oab-aum-pe-gnart-hnit-yl-ux-uac-uey-hnihc-iat-ob/760613/nv.semitnogiaseht.www