Các bị cáo trong phiên tòa chiều 5-5 - Ảnh: GIANG LONG
Chiều 5-5, phiên tòa xét xử đại án Nhật Cường chuyển sang phần xét hỏi. Hầu hết các bị cáo thừa nhận hành vi đồng phạm giúp sức cho Bùi Quang Huy vận hành đường dây buôn lậu, vận chuyển hơn 255.000 điện thoại, máy nghe nhạc... từ nước ngoài qua đường biển, đường hàng không về Việt Nam tiêu thụ.
255.000 sản phẩm tuồn vào Việt Nam như thế nào?
Trả lời thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Trần Ngọc Ánh - phó tổng giám đốc Nhật Cường - cho biết bắt đầu làm việc ở đây từ năm 2002, giai đoạn công ty mới thành lập. Ban đầu công ty chủ yếu kinh doanh phụ kiện điện thoại, về sau mở rộng thị trường, thành lập nhiều cửa hàng bán lẻ điện thoại di động.
"Nguồn hàng của công ty nhập ở đâu?", chủ tòa hỏi. Bị cáo Ánh cho biết công ty chủ yếu mua hàng của các hãng lớn trong nước, ngoài ra còn mua hàng từ nước ngoài.
Từ trước tháng 7-2015, ông Bùi Quang Huy phụ trách mua hàng. Sau đó, do mở thêm các công ty phần mềm, ông Huy giao bị cáo Ánh chịu trách nhiệm mua hàng của các chủ hàng ở nước ngoài.
"Việc mua hàng có cả hóa đơn hoặc thuê các đơn vị vận chuyển, trốn khai báo hải quan để không phải đóng thuế. Bị cáo được giao mua hàng hóa không có giấy tờ", bị cáo Ánh khai.
Bị cáo Trần Ngọc Ánh - phó tổng giám đốc Nhật Cường - Ảnh: GIANG LONG
Phó tổng giám đốc Nhật Cường thừa nhận con số 255.000 sản phẩm lậu mà cơ quan điều tra trích xuất từ hệ thống dữ liệu điện tử của công ty là chính xác.
Từ sự chỉ đạo của Bùi Quang Huy, bị cáo Ánh cùng dàn lãnh đạo, nhân viên công ty thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép hàng trăm ngàn thiết bị di động trị giá 2.900 tỉ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hong Kong, Trung Quốc…
Sau khi mua hàng, các bị cáo không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch, mà thuê một số đường dây vận chuyển, tiếp nhận hàng của nhà cung cấp tại Hong Kong, Trung Quốc, tổ chức vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam.
Đáng chú ý, với thủ đoạn lập khống hồ sơ hải quan, hàng chục ngàn chiếc điện thoại đã được đường dây buôn lậu này vận chuyển trót lọt qua sân bay Nội Bài.
"Bị cáo trực tiếp trao đổi với 12 nhà cung cấp nước ngoài, hầu hết giao dịch được thực hiện trong các nhóm chat với nhà cung cấp do anh Huy lập ra. Mỗi nhà cung cấp anh Huy lập 1 nhóm chat qua các ứng dụng Wapsap và Wechat - bị cáo Ánh khai và nói - Khi đã đứng đây không có gì che giấu, muốn khai báo thành khẩn ngay từ khi bị bắt".
Chuyển hơn 2.500 tỉ đồng thông qua 2 tiệm vàng
Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc tại tòa - Ảnh: GIANG LONG
Làm việc tại cơ quan điều tra, chủ hai tiệm vàng Lộc Phát và Thuận Phát ở Hà Nội đều phủ nhận làm "cò" trung gian để chuyển tiền giúp Công ty Nhật Cường ra nước ngoài cho các chủ hàng.
Tuy nhiên, trong phần xét hỏi chiều nay, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, giám đốc tài chính của Nhật Cường, thừa nhận mình là người trực tiếp thanh toán tiền cho các chủ hàng nước ngoài thông qua trung gian là hai tiệm vàng. Việc chuyển tiền này được thực hiện trong thời gian dài, với số tiền lên đến hơn 2.500 tỉ đồng.
"Cụ thể trung gian là tiệm vàng ở Hàng Dầu và tiệm vàng ở Hà Trung. Việc chuyển tiền thông qua nhiều tài khoản cá nhân do bên tiệm vàng cung cấp, bị cáo không nhớ cụ thể. Riêng tiệm vàng tại phố Hàng Dầu có khoảng 14 tài khoản do 8 cá nhân đứng tên", bị cáo Ngọc khai.
Chủ tọa công bố tài liệu điều tra, khi trích xuất dữ liệu điện tử từ hệ thống của Nhật Cường, cơ quan tố tụng xác định tổng giám đốc Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thông qua hai tiệm vàng tại Hà Nội là Lộc Phát (ở phố Hà Trung) và Thuận Phát (ở phố Hàng Dầu, do Bùi Thanh Phượng điều hành) để chuyển tiền hàng, tiền cước vận chuyển hàng lậu cho các chủ hàng ở nước ngoài.
Trong đó tiệm vàng Lộc Phát đã chuyển hơn 1.700 tỉ đồng, tiệm vàng Thuận Phát chuyển gần 800 tỉ đồng.
Bị cáo Ngọc xác nhận con số trên là đúng. "Anh Huy chỉ đạo và qua đầu mối là bị cáo thanh toán hết. Toàn bộ dữ liệu trích xuất số tiền thông qua hai trung gian tiệm vàng chuyển ra nước ngoài là chính xác. Ngoài ra, bị cáo có chuyển tiền qua các tài khoản do chủ hàng cung cấp cho bộ phận kinh doanh. Bị cáo trực tiếp và chỉ đạo thủ quỹ bên dưới thanh toán theo thông tin mà anh Huy tổng giám đốc đưa cho", bị cáo Ngọc phân trần.
Theo kết luận điều tra, ông chủ và nhân viên của Nhật Cường thông qua trung gian thanh toán là các tiệm vàng ở phố Hà Trung, phố Hàng Dầu, để những nơi này quy đổi ngoại tệ và chuyển vào tài khoản nước ngoài do các chủ hàng yêu cầu.
Nguyễn Bảo Ngọc chịu trách nhiệm ghi chép, hạch toán đầy đủ việc chi tiền cho các chủ hàng nước ngoài trên hệ thống phần mềm điện tử của công ty.
Từ tháng 7-2015 đến tháng 12-2018, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã mua hơn 34.000 sản phẩm của nhà cung cấp có tên Mike USA, tổng trị giá hơn 564 tỉ đồng.
Với thương vụ mua bán này, các bị can đã chuyển hơn 534 tỉ đồng cho các tiệm vàng để chuyển vào tài khoản nước ngoài của chủ hàng.
Cụ thể, ông chủ Nhật Cường đã chuyển 321 tỉ đồng qua tiệm vàng ở Hà Trung, trong đó chuyển hơn 176 tỉ tiền mặt và chuyển hơn 144 tỉ vào tài khoản của 10 cá nhân là nhân viên của tiệm vàng.
Còn lại, số tiền hơn 213 tỉ đồng thương vụ mua bán trên được các bị can chuyển qua một tiệm vàng khác ở phố Hàng Dầu để chuyển cho chủ hàng nước ngoài.
Còn lại hơn 7 tỉ đồng cơ quan điều tra chưa xác định được chuyển vào tài khoản nào cho nhà cung cấp, trong đó chỉ xác định gần 4 tỉ được nộp vào một ngân hàng lớn có vốn của Nhà nước, nhưng không xác định được số tài khoản và thông tin cá nhân.
Trong thương vụ với nhà cung cấp có tên "Công ty miền Tây", trong thời gian 5 năm, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã mua hơn 84.000 sản phẩm trị giá 427 tỉ đồng.
Các bị cáo đã đưa cho tiệm vàng ở Hà Trung và Hàng Dầu 208 tỉ để chuyển vào tài khoản nước ngoài của nhà cung cấp.
Tiếp đó, Bùi Quang Huy và đồng phạm thực hiện giao dịch mua hàng ngàn sản phẩm với một người tên Quý sinh sống tại Mỹ. Các bị can cũng chuyển hơn 400 tỉ đồng cho các tiệm vàng để chuyển vào tài khoản nước ngoài của chủ hàng Quý.
Cũng với thủ đoạn tương tự, trong thời gian dài, Bùi Quang Huy và đồng phạm mua hàng ngàn sản phẩm từ các chủ hàng ở Mỹ, Hong Kong, Canada...
TTO - Viện kiểm sát xác định Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, có vai trò tổ chức, chủ mưu, điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu, tiêu thụ hơn 255.000 sản phẩm, thu lợi bất chính 221 tỉ đồng.