Các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang đánh giá tiến triển trong quá trình đàm phán về việc từ bỏ bằng sáng chế các loại vaccine ngừa COVID-19, hãng tin AFP cho hay.
Cuộc đàm phán trong bảy tháng qua do Ấn Độ và Nam Phi đề xuất nhằm tạo điều kiện nâng cao sản lượng, đáp ứng nhu cầu cấp bách toàn cầu. Để được thông qua, quyết định phải nhận được sự đồng thuận của toàn bộ 164 thành viên WTO.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã kêu gọi các nước thống nhất từ bỏ ít nhất một bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 và nhấn mạnh việc phân phối công bằng các công cụ chống dịch - bao gồm vaccine - là "vấn đề đạo đức và kinh tế của thời đại".
Một người Mỹ được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: AFP
"Chính sách vaccine là chính sách kinh tế bởi vì sự phục hồi kinh tế toàn cầu không thể duy trì trừ khi chúng ta tìm ra cách để tiếp cận vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán một cách công bằng" - bà Okonjo-Iweala nói hôm 5-5.
Người phát ngôn WTO Keith Rockwell cho biết đã có các cuộc thảo luận "mang tính xây dựng" và Ấn Độ cùng Nam Phi đã tỏ ý muốn "sửa đổi đề xuất" để đưa ra các "thỏa hiệp" nhằm thúc đẩy cuộc đàm phán của WTO.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng các đơn vị phát triển vaccine ngừa COVID-19 nên cho phép các công ty khác cùng sản xuất các loại vaccine đã được cấp phép, theo hãng tin Reuters.
Cùng ngày 5-5, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết "Tổng Thư ký (Guterres) thường xuyên kêu gọi chuyển giao công nghệ, chia sẻ kỹ thuật và tự nguyện cấp giấy phép hoặc chia sẻ giấy phép" sản xuất vaccine ngừa COVID-19.
Mỹ cũng đã công khai ủng hộ việc tất cả các nước cùng từ bỏ quyền bảo hộ bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 và tuyên bố Washington sẽ đàm phán vấn đề này trong khuôn khổ WTO.
Ngày 5-5, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Washington coi quyền sở hữu trí tuệ là quan trọng nhưng "ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ đối với vaccine ngừa COVID-19".
"Đây là một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và những trường hợp đặc biệt trong đại dịch COVID-19 cần phải có những biện pháp đặc biệt" - bà Tai nói thêm.
Dù tuyên bố Mỹ sẽ tham gia đàm phán tại WTO, bà Tai cảnh báo rằng quá trình đàm phán "sẽ mất thời gian do bản chất dựa trên đồng thuận của thể chế này và mức độ phức tạp của các vấn đề liên quan".
Trong khi đó, nhiều nhóm phản đối, nhất là các hãng dược và quốc gia nơi các công ty này đăng ký, cho rằng bằng sở hữu trí tuệ không phải rào cản chính đối với việc mở rộng quy mô sản xuất vaccine.
Tháng trước, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cũng kêu gọi đơn giản hóa thủ tục cấp quyền sở hữu trí tuệ cho các loại vaccine ngừa COVID-19 thông qua việc "tự nguyện và chủ động cấp phép" sản xuất. Tuy nhiên, UNICEF cũng cảnh bảo rằng việc này cũng không làm tăng sản lượng vaccine nếu không có sự hợp tác giữa các nước.
Tính tới 7 giờ 30 phút sáng 6-5, thế giới đã phát hiện hơn 155,8 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 3,25 người đã không qua khỏi, theo chuyên trang thống kê worldometers.info.
Theo hãng tin Bloomberg, 1,21 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được phân phối trên toàn cầu, nhiều nhất là tại Trung Quốc (23,4%) và Mỹ (20,5%). Trong khi đó, nhiều nước nghèo gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 và dường như không thể sớm hoàn thành mục tiêu tiêm chủng trên diện rộng.