Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra việc chuẩn bị bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 3, thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - Ảnh: CTV
Ngày 5-5, ông Vương Đình Huệ - chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia - đã kiểm tra việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại khu vực bỏ phiếu số 3, thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang).
Làm việc với lãnh đạo tỉnh, Ủy ban bầu cử tỉnh Hà Giang, ông Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng khi nhân sự giới thiệu ứng cử ĐBQH và ứng cử đại biểu HĐND các cấp của tỉnh Hà Giang đều đạt được tín nhiệm, đồng thuận, nhất trí cao. Các cơ cấu về nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số... đều vượt mong muốn và mục tiêu của trung ương.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý Hà Giang là vùng biên mậu, số lượng cư dân qua lại biên giới Việt Nam - Trung Quốc rất nhiều.
Vì thế, tỉnh cần rà danh sách cử tri thật kỹ lưỡng để bảo đảm quyền bầu cử của công dân. Ông Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền mạnh mẽ hơn.
Hội đồng bầu cử quốc gia đã thống nhất với Bộ Thông tin và truyền thông bắt đầu từ ngày 14-5 sẽ có truyền thông về bầu cử qua điện thoại.
Theo đó, tất cả các cuộc gọi, tin nhắn có câu nhắc "cử tri sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp". Từ ngày 20-5 trở đi sẽ có câu nhắc toàn dân tham gia bầu cử.
TP.HCM: ứng cử viên ĐBQH bắt đầu tiếp xúc cử tri
Ngày 5-5, các ứng cử viên ĐBQH TP.HCM đơn vị bầu cử số 7 (quận Phú Nhuận và quận Gò Vấp) đã có buổi tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo quy định.
Đơn vị bầu cử số 7 có 5 ứng cử viên, gồm: ông Nguyễn Minh Hoàng (chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM), bà Phạm Khánh Phong Lan (trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM), chị Phan Thị Thanh Phương (bí thư Thành đoàn TP.HCM), ông Nguyễn Hồng Sơn (phó chủ tịch trung ương Hội Khuyến học Việt Nam) và bà Nguyễn Thị Yến (ni sư Thích Nữ Tín Liên, ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN, ủy viên thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo VN TP.HCM).
Là ứng cử viên trẻ nhất (sinh năm 1984), chị Phan Thị Thanh Phương cho biết lần đầu tiên ứng cử ĐBQH nên đây là trải nghiệm tốt để lắng nghe suy nghĩ, nguyện vọng của bà con cử tri, nhất là các cử tri trẻ.
"Dù có được bầu làm ĐBQH hay không, với tôi đây vẫn là cơ hội quý để học hỏi nhiều bài học thú vị. Tôi luôn cầu thị lắng nghe, để nếu trúng cử làm đại biểu sẽ chuyển ý kiến của bà con đến nghị trường" - chị Thanh Phương nói.
Ba ứng viên nữ gồm bà Phạm Khánh Phong Lan, ni sư Thích Nữ Tín Liên và chị Phan Thị Thanh Phương đều dành sự quan tâm đến giới nữ và trẻ em, thực hiện bình đẳng giới, để phụ nữ có được cơ hội phát triển đồng đều, trẻ em được chăm sóc tốt nhất có thể.
Trong khi đó, ứng cử viên Nguyễn Hồng Sơn cho biết dù công tác tại Hà Nội nhưng ông sẽ bố trí thời gian đủ theo quy định và bằng nhiều cách, qua nhiều kênh để giao tiếp với cử tri nếu được tín nhiệm bầu làm ĐBQH.
"Dù ai trúng cử, chúng tôi cũng mong mỗi đại biểu phải dành ít nhất 1/3 thời gian tham gia hoạt động Quốc hội, kịp thời lắng nghe và truyền đạt ý kiến cử tri đến nghị trường. Mong mỗi vị khi trúng cử hãy thực hiện đúng lời hứa với cử tri" - cử tri Huỳnh Tấn Quang (phường 3, quận Gò Vấp) phát biểu.
Dự kiến hôm nay (6-5), các ứng cử viên tại tổ bầu cử số 4, 9 của TP.HCM sẽ tiếp xúc cử tri.
TTO - Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến khó lường, quy mô các buổi tiếp xúc cử tri phải giảm để phòng dịch, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị cần áp dụng hình thức trực tuyến để cử tri theo dõi các nội dung tiếp xúc của ứng cử viên.
Xem thêm: mth.49605848060501202-uc-uab-id-irt-uc-cahn-iaoht-neid-auq-nit-nahn-es/nv.ertiout