Tuy nhiên, thực tế cho thấy đăng ký cấp căn cước công dân gắn chip tại nơi tạm trú không hề dễ dàng, thậm chí lắm rắc rối.
Theo quy định, khi đến làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip, người tạm trú chỉ cần xuất trình sổ hộ khẩu bản chính và giấy CMND hoặc căn cước công dân mã vạch đã được cấp trước đó (nếu có), không bắt buộc phải có giấy tờ chứng minh nơi tạm trú.
Thế nhưng, mấy ngày qua nhiều bạn đọc phản ảnh tới Tuổi Trẻ cho hay khi đăng ký cấp căn cước công dân gắn chip lại được yêu cầu phải xuất trình đủ 4 loại giấy tờ là sổ hộ khẩu bản chính, giấy CMND/căn cước công dân mã vạch, sổ tạm trú và giấy khai sinh.
Chỉ riêng yêu cầu về sổ hộ khẩu bản chính đã khiến nhiều người "đổ mồ hôi". Trong khi người nhà ở quê cũng đang cần sổ hộ khẩu để làm căn cước công dân, không thể gửi tới gửi lui, nếu lỡ thất lạc là... lớn chuyện.
Không ít người xa quê quá lâu, đã bị xóa đăng ký thường trú tại quê nhà, muốn có sổ hộ khẩu phải về quê làm lại. Yêu cầu giấy khai sinh càng khó, vì đa số chỉ dùng khi đăng ký hộ khẩu, đăng ký học hành là xong, ít ai thủ sẵn ở nhà, chỉ khi cần mới đi trích lục.
Giờ muốn trích lục khai sinh lại phải về quê, có khác gì về quê làm căn cước công dân. Đó là chưa kể những trường hợp xuất trình được sổ hộ khẩu bản chính nhưng trong sổ hộ khẩu, giấy CMND không ghi ngày tháng sinh thì cũng bị từ chối tiếp nhận, cũng phải về quê "làm lại từ đầu"...
Trước khi Hà Nội và TP.HCM chính thức tiếp nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip cho người tạm trú, các tỉnh thành khác đã triển khai từ ngày 24-4. Tại hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương chiều 29-4, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho hay trong 3 ngày đầu cả nước tiếp nhận 2.778 hồ sơ căn cước công dân gắn chip của người tạm trú.
Con số khiêm tốn này phần nào cho thấy lượng người có nhu cầu cấp căn cước công dân tại nơi tạm trú rất lớn nhưng lượng người đáp ứng đủ hồ sơ theo yêu cầu nơi tiếp nhận không nhiều.
Thực tế theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, do không được hướng dẫn đầy đủ thông tin nên nhiều người tạm trú bị từ chối, và rất nhiều người đã chọn cách về quê để làm căn cư ớc công dândù tốn kém thời gian, tiền bạc.
Thời gian qua, ngành công an đã làm ngày làm đêm để đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân gắn chip và qua đó đã củng cố thêm những hình ảnh đẹp của người công an trong mắt nhân dân. Người dân nhận thức được lợi ích, tiện dụng của căn cước công dân gắn chip nên cũng không ngại đêm hôm xếp hàng để được làm thủ tục.
Để thuận tiện cho cả đôi bên, ngoài thủ tục chung, Bộ Công an cần có hướng dẫn chi tiết các tình huống mà người dân gặp phải dưới dạng cẩm nang hỏi - đáp phổ biến công khai trên cổng thông tin điện tử để người dân qua đó chuẩn bị hồ sơ và chọn đăng ký phù hợp (tại nơi thường trú hoặc nơi tạm trú).
Và hơn hết, cần thống nhất quy trình, thủ tục đồng bộ ở tất cả các địa phương, các tổ tiếp nhận đăng ký cấp căn cước công dân, tránh trường hợp yêu cầu người dân phải xuất trình những giấy tờ không cần thiết, đừng để người dân "đi tới lại đi về".
TTO - Theo hướng dẫn của Bộ Công an, chỉ cần mang theo 1 loại giấy tờ (CMND, CCCD, sổ hộ khẩu hoặc giấy khai sinh) là người tạm trú có thể làm CCCD gắn chip tại nơi đang ở, không cần quay về nơi có hộ khẩu. Nhưng thực tế không đơn giản.