GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế sáng 6/5 cho biết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là "thành trì" rất quan trọng của ngành Y tế đối với toàn bộ phía Bắc. Bệnh viện là nơi tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân Covid-19, đặc biệt những ca bệnh nặng.
Hơn một năm qua, bệnh viện đã điều trị hơn 1.000 ca bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong, nhiều ca nặng đã được cứu sống thành công.
"Đấy là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực của tất cả cán bộ. Chúng tôi đánh giá rất cao tập thể y bác sĩ, những người đã quên mình hơn 1,5 năm qua trong trận chiến hết sức cam go này", Bộ trưởng Long nói.
Tính đến 6h sáng nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ghi nhận 22 ca mắc Covid-19. Bộ trưởng cho biết, theo đánh giá của Giám đốc bệnh viện, dịch bệnh có thể lây giữa các khoa trong bệnh viện và cũng có thể lây từ người nhà bệnh nhân. Hiện, Bộ Y tế đã giao các các cơ quan chức năng đánh giá nguồn lây.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời báo chí sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 sáng 6/5 tại Bệnh viện Bạch Mai
Bộ đã yêu cầu cách ly y tế toàn bộ bệnh viện, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", sàng lọc tất cả cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Bệnh viện chỉ tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 nặng, để đảm bảo điều trị hiệu quả.
"Chúng tôi cũng yêu cầu bệnh viện gửi danh sách người đến khám, chữa bệnh từ 15/4 đến nay về các địa phương để thực hiện truy vết, sàng lọc, cách ly, xét nghiệm theo các yêu cầu.
Việc này chúng ta đã có kinh nghiệm. Bệnh viện Bạch Mai là một ví dụ trước đây. Chúng tôi tin rằng các địa phương khẩn trương tiến hành truy vết tìm ra những người có yếu tố tiếp xúc, có liên quan và có thể trở thành nguồn truyền nhiễm để cách ly, xử lý kịp thời theo quy định", Bộ trưởng nói.
Trong sáng 6/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng tất cả lãnh đạo của Bộ Y tế, các Vụ, Cục đã tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca
Bộ trưởng nêu ra 5 bài học kể từ khi phát hiện đợt dịch mới này.
Thứ nhất, môi trường cách ly, quản lý cách ly, lây nhiễm trong môi trường cách ly là một trong những bài học cần phải đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai quyết liệt hơn.
Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, coi đây là một trong những điểm yếu, lỗ hổng trong vấn đề quản lý. Bộ Y tế cũng đã đánh giá, tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến trường hợp nhiễm bệnh sau 14 ngày cách ly tập trung.
Sau khi trao đổi với các cơ quan, chuyên gia, Bộ Y tế đã quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày.
Thứ hai, khâu bàn giao người hết thời hạn cách ly giữa cơ sở cách ly với các địa phương nơi người hết cách ly cư trú còn nhiều hạn chế. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt vấn đề này.
Thứ ba, phải tiếp tục giám sát và theo dõi sức khoẻ người cách ly thêm 7 ngày sau khi cách ly tập trung.
Thứ tư, nâng tần suất xét nghiệm (có thể lên 4-5 lần) trong quá trình cách ly để đảm bảo an toàn tối đa, phòng lây nhiễm.
Thứ năm, lây nhiễm trong bệnh viện cũng đã xảy ra tại một số bệnh viện. Bộ trưởng Long nhấn mạnh, bệnh viện có thể là nơi phát hiện ra các trường hợp lây nhiễm, do đó khả năng lây nhiễm và nguy cơ rất cao.
Bộ Y tế cũng đã yêu cầu tất cả các bệnh viện phải khám sàng lọc kỹ lưỡng, liên tục đối với nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao, triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo không có lây nhiễm trong các bệnh viện.
MINH NHÂN
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ