Nói về lý do muốn nhượng bản quyền gạo ngon ST25 cho Nhà nước, ông Hồ Quang Cua cho biết, vấn đề quản lý giống hiện nay rất phức tạp, tình trạng gạo giả, gạo nhái cũng xuất hiện nhiều. Chính vì vậy, khi Nhà nước quản lý giống, mọi việc sẽ thuận lợi hơn.
Sau khi gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ và mới đây là ở Úc, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới năm 2019 - bày tỏ mong muốn được nhượng bản quyền giống lúa thơm ST25 lại cho Nhà nước.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Hồ Quang Cua cho biết, đây là mong muốn từ lâu của ông, chứ không phải bây giờ nhen nhóm. Lý do ông đưa ra là vấn đề quản lý giống hiện nay rất phức tạp, tình trạng gạo giả, gạo nhái cũng xuất hiện nhiều, là vấn đề nhức nhối không chỉ với doanh nghiệp, nhà nghiên cứu. Chính vì vậy, khi Nhà nước quản lý giống, mọi việc sẽ thuận lợi hơn.
"Tôi đã bỏ ra tâm huyết, sức lực để nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo được nên chỉ muốn nhượng quyền lại để cho Nhà nước quản lý phát triển cho tốt, chứ một mình doanh nghiệp gia đình tôi không làm nổi", ông Hồ Quang Cua nói.
Còn về vấn đề đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường nước ngoài, ông Cua cho rằng: "Đúng là ở thị trường Mỹ, tôi đã thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ. Ở các thị trường khác, tôi nhờ Tập đoàn PAN đăng ký bảo hộ".
Quy trình nhượng bản quyền cho Nhà nước thế nào?
Về vấn đề nhượng quyền giống lúa thơm ST25 cho nhà nước, dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Minh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, về quyền đối với giống cây trồng thì có thể chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng, hoặc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng.
Trong đó chủ bằng bảo hộ giống cây trồng chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng đó cho bên nhận chuyển nhượng.
Bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.
Việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được thực hiện bằng hình thức ký hợp đồng hoặc bằng văn bản xác nhận. Việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng và phải làm thủ tục đăng ký.
"Như vậy về dân sự, người sở hữu quyền đối với giống cây trồng có thể chuyển giao cho một đơn vị sự nghiệp, tổ chức có chức năng nghiên cứu, ứng dụng giống cây trồng thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua hợp đồng", Luật sư Minh cho hay.
Ngoài ra trường hợp hiến, biếu, tặng, cho, chuyển giao khác thì theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản này sẽ được Nhà nước Việt Nam tiếp nhận và được chuyển thành tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
Theo quy định tại Điểm d, đ, Khoản 9 Điều 5, Nghị định số 29/2028/NĐ-CP thì có thể chuyển giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính hoặc đơn vị được Bộ Tài chính phân cấp; còn chuyển giao cho chính quyền địa phương, thì Sở Tài chính là đơn vị chỉ trì.
Xem thêm: odl.611609-coun-ahn-ohc-52ts-oag-neyuq-nab-gnouhn-noum-auc-gnauq-oh-gno-oas-iat/et-hnik/nv.gnodoal