Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Ðề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8 - 10 tỷ USD, tức cao hơn khoảng 3 lần so với hiện nay.
Để những trái vải vẫn giữ được vị tươi ngon khi xuất khẩu sang Nhật Bản, một công ty xuất khẩu rau quả vẫn chấp nhận gửi hàng bằng máy bay, dù cước phí cao hơn gần 4 lần so với đường thủy. Bởi nếu vận chuyển lâu, quả vải có thể bị khô héo trước khi tới tay người tiêu dùng.
"Hiện tại, thời gian đi đường biển 20 - 30 ngày gây khó khăn cho công nghệ bảo quản. Trái vải, trái nhãn là ví dụ điển hình", bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, cho hay.
Hạn chế về công nghệ bảo quản nên 62% rau quả xuất khẩu là sang Trung Quốc. Trong khi tỷ lệ xuất khẩu sang các thị trường xa hơn như Mỹ, châu Âu vẫn còn khiêm tốn, ngay cả khi doanh nghiệp Việt đang có lợi thế được miễn thuế 0% từ hiệp định thương mại tự do EVFTA. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với bài toán bảo quản.
Tỷ lệ xuất khẩu rau quả sang các thị trường như Mỹ, châu Âu vẫn còn khiêm tốn. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Thừa nhận điểm yếu về công nghệ bảo quản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, 66% giá trị xuất khẩu là trái cây tươi, trái cây đã qua chế biến chỉ chiếm 24%.
Phần lớn doanh nghiệp sẽ rửa rau quả bằng nước lạnh để loại bỏ vi khuẩn và phun khí ozone để bảo quản. Còn tại các nước khác, như Malaysia hay Hàn Quốc, họ sử dụng công nghệ bảo quản hiện đại hơn, khử khuẩn trong kho lạnh, giúp tăng vòng đời sản phẩm lên 50%.
"Vấn đề kỹ thuật là vấn đề tiên quyết trong việc liệu chúng ta có giải quyết được bài toán thúc đẩy xuất khẩu rau quả trong cái thời gian tới hay không. Ở đây là chiến lược cho vấn đề đồng bộ từ khâu trồng trọt đến thu hái, sơ chế, bảo quản, tiếp theo là vận tải xuất khẩu", ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
Ngoài việc cải thiện kỹ thuật, chuyên gia cũng khuyến khích phương pháp canh tác nông nghiệp hữu cơ, đồng thời, kiểm soát lượng thuốc trừ sâu dư thừa, nhằm đáp ứng được các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, từ đó thúc đẩy xuất khẩu rau quả đến các thị trường khó tính.
VTV.vn - Đây là kết quả tích cực khi những tháng đầu năm của 2 năm trước, xuất khẩu rau quả đều sụt giảm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!