- Nhân viên Công ty Nhật Cường “tuồn” hàng về Việt Nam như thế nào?
- Hai “cánh tay” của Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường tố ông chủ
Trước khi chuyển sang tranh luận, HĐXX TAND TP Hà Nội đề nghị đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà nêu quan điểm giải quyết vụ án và mức án đối với các bị cáo.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong vụ án này, bị cáo Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường (đang bỏ trốn và bị truy nã) trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động của Công ty Nhật Cường. Quá trình kinh doanh, để thực hiện hành vi buôn lậu điện thoại di động và các sản phẩm hàng hóa khác từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ, Huy đã thành lập Công ty Nhật Cường Quảng Châu (đặt tại Quảng Châu, Trung Quốc) và thuê bị cáo Trần Tất Khoa làm Giám đốc để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa từ Hong Kong về Quảng Châu (Trung Quốc), sau đó đưa về Việt Nam không qua các thủ tục nhập khẩu hàng hóa, khai báo hải quan.
Các bị cáo nghe đề nghị mức án. |
Trong thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 5/2019, Huy đã trực tiếp và chỉ đạo các nhân viên Công ty Nhật Cường thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép tổng số 2.502 đơn hàng với hơn 255.000 sản phẩm có tổng trị giá thanh toán hơn 2.927 tỷ đồng. Sau đó, Huy đã trực tiếp liên hệ, thỏa thuận thuê các đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Huy, từ năm 2014, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường) và bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) đã thực hiện ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường trên hai hệ thống sổ sách kế toán tại phần mềm ERP và phần mềm MISA nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng.
“Đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, có sự câu kết giữa các bị cáo trong việc thực hiện hành vi phạm tội, trong đó Bùi Quang Huy là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu tại Công ty Nhật Cường”, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh.
Đại diện Viện Kiểm sát luận tội các bị cáo. |
Viện Kiểm sát đánh giá, trong số các bị cáo, bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) có vai trò tích cực nhất, chỉ sau Bùi Quang Huy. Ánh trực tiếp cùng Huy thực hiện hành vi buôn lậu hơn 255.000 sản phẩm với tổng trị giá hơn 2.927 tỷ đồng. Ánh được Huy giao nhiệm vụ phụ trách toàn bộ hoạt động kinh doanh và theo dõi, quản lý hàng hóa mua vào bán ra. Ánh biết rõ Công ty Nhật Cường nhập lậu các mặt hàng điện thoại di động và các sản phẩm hàng hóa khác từ Hong Kong, Singapore... về Việt Nam để bán ra thị trường thu lời bất chính.
Đối với các bị cáo khác trong vụ án, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá, các bị cáo đã tham gia thực hành, giúp sức thực hiện tội phạm, trực tiếp thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, giúp sức cho Bùi Quang Huy thực hiện hành vi buôn lậu. Sau khi phân tích, đánh giá vai trò của từng bị cáo cũng như xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX áp dụng hình phạt đối với các bị cáo như sau:
1. Nguyễn Bảo Ngọc (SN 1980, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) từ 9-10 năm tù về tội “Buôn lậu”; từ 5-6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt chung đối với hai tội danh từ 14-16 năm tù.
2. Nguyễn Thị Bích Hằng (SN 1972, Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) từ 4-5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Trần Ngọc Ánh. |
Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc. |
Đối với 12 bị cáo bị truy tố về tội “Buôn lậu”:
1. Trần Ngọc Ánh (SN 1974, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) từ 15-16 năm tù.
2. Đỗ Quốc Huy (SN 1983, Giám đốc bán hàng Công ty Nhật Cường) từ 13-14 năm tù.
3. Nguyễn Bảo Trung (SN 1988, trú tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) từ 12-13 năm tù.
4. Phạm Văn Hiệp (sinh năm 1970, trú tại phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) từ 12-13 năm tù. Tổng hợp với bản án 3 năm tù trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Hiệp từ 15-16 năm tù.
5. Nông Văn Lư (SN 1985, nhân viên Công ty Nhật Cường) từ 9-10 năm tù.
6. Hoàng Văn Phong (SN 1990, Trưởng ngành hàng Apple Công ty Nhật Cường) từ 7-8 năm tù.
7. Bùi Quốc Việt (SN 1970, nhân viên Công ty Nhật Cường) từ 7-8 năm tù.
8. Đỗ Văn Dũng (SN 1973, trú tại xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng) từ 7-8 năm tù.
9. Ngô Tuấn Sửu (SN 1976, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn) từ 7-8 năm tù.
10. Lê Hoài Phương (SN 1987, nhân viên Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc) từ 7-8 năm tù.
11. Trần Tất Khoa (SN 1981, Giám đốc Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc) từ 7-8 năm tù.
12. Ngô Đức Tùng (SN 1991, trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) từ 3-4 năm tù.
Ngoài đề nghị hình phạt tù, đại diện Viện Kiểm sát còn đề nghị HĐXX tịch thu sung công quỹ Nhà nước các vật chứng là hàng hóa nhập lậu, điện thoại di động, máy vi tính là phương tiện các bị cáo sử dụng liên lạc để thực hiện hành vi buôn lậu. Đề nghị HĐXX tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án đối với khoản tiền hơn 774 tỷ đồng và hàng hóa có hóa đơn chứng từ thu giữ của Công ty Nhật Cường trong quá trình khám xét; tiếp tục phong tỏa 7 tài khoản có số dư hơn 8,5 tỷ đồng của bị can Đoàn Mạnh Phong (hiện đang bỏ trốn) tại các ngân hàng, khi nào bắt được bị can Phong sẽ giải quyết sau.