- Nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam: Giữa ngã ba đường
- Thiên tai, dịch bệnh tác động lên xã hội Việt Nam như thế nào?
Cam kết và chịu đựng
“Hôm nay tôi là tổng thống. Nhưng ngày mai, tôi sẽ chỉ là một cái cọc đầy dòi. Và rồi biến mất”, một người đàn ông đứng tuổi, đậm người, có mái tóc màu xám nói trước ống kính máy quay. Đó là bộ phim tài liệu “Human” (Con người) của huyền thoại Yann Arthur-Bertrand. Và người đang nói, là Jose Mujica, Tổng thống Uruguay.
Jose Mujica được mệnh danh là tổng thống nghèo nhất thế giới. Ông sống trong một căn nhà cũ, với khu vườn tự chăm sóc, đi làm bằng một chiếc xe hơi cũ. Ông đi xếp hàng khám ở bệnh viện như bao người dân. Nhà cách mạng quyên góp 90% lương của mình cho từ thiện. Và Uruguay cũng không “nghèo” tới mức không thể phục vụ Jose như bất kỳ tổng thống nào khác. GDP đầu người của họ đứng thứ 49 trên thế giới (gấp hơn 5 lần Việt Nam, đứng thứ 121).
Jose Mujica được mệnh danh là Tổng thống nghèo nhất thế giới. Ảnh: L.G |
“Tôi gặp nhiều vấn đề sức khỏe, nhiều chấn thương, trong suốt những năm tháng ngồi tù”, Jose nói tiếp, “Đấy là định mệnh dành cho những người muốn thay đổi thế giới. Nhưng rồi tôi vẫn ở đây. Và trên tất cả, tôi yêu cuộc sống này”. Trong suốt sự nghiệp với vô số đóng góp cho các cải cách xã hội tại Uruguay, rất nhiều nhà báo đã tới và hỏi Jose Mujica - người đàn ông “nghèo” trong căn nhà cũ - về quan điểm sống của ông. Và Jose đã nhiều lần nhấn mạnh mình phụng sự cho điều gì: cho tình yêu cuộc sống.
Điều này nghe có vẻ hơi khó hiểu, thậm chí là sáo rỗng. Nhưng, Mujica biến nó thành chính sách. Đơn cử, đáng ra phải mua chuyên cơ tổng thống thì người “yêu cuộc sống” này lại dùng tiền đó để mua một chiếc trực thăng cứu hộ đắt tiền để có thể cứu trợ những vùng xa xôi của Uruguay. Ông lên án chủ nghĩa tiêu dùng và nói, nếu bạn không tìm thấy hạnh phúc từ bên trong, mà phải gửi gắm hạnh phúc cho ngoại cảnh, cho hàng hóa bạn mua thì “anh sẽ chẳng đi đến đâu cả”. Tất nhiên, việc có biệt phủ và đoàn xe hộ tống không nằm trong giá trị “yêu cuộc sống” của ông.
Tổng thống Uurguay cam kết với tình yêu cuộc sống và tình yêu con người. Rõ rồi. Bây giờ, chúng ta quay lại với những câu chuyện ở Việt Nam.
Về mặt lý thuyết, xã hội ta là một xã hội đề cao các cam kết. Người lao động đi làm một thời gian thì buộc phải “có hợp đồng dài hạn”. Đội ngũ làm việc trong khu vực công cũng phần lớn phải “có biên chế” - thậm chí trong quan niệm của nhiều người thì việc khu vực công mà chỉ có “hợp đồng ngắn hạn” (ví dụ giáo viên hay bác sĩ) chắc chắn là một sai phạm nghiêm trọng. Trong hoạch định chính sách, các kế hoạch được đề ra trước 5 hoặc 10 năm, viết thành một văn bản có tính hệ thống và công bố với nhân dân.
Trong đời sống cá nhân, chúng ta cũng là một cộng đồng đề cao các cam kết. Hôn nhân là bất khả xâm phạm ở khía cạnh văn hóa. Đôi lúc cực đoan: đến gần đây thôi, việc chị em nuôi con một mình (single-mom) vẫn còn những ý kiến dèm pha và việc hai người yêu nhau sống cùng nhau vẫn được gọi là “sống thử” (ý nói rằng dù thời điểm đó các anh có yêu nhau đến mấy đó cũng chỉ là chuyện tạm bợ?).
Nhưng, sự đề cao các cam kết đến mức tuyệt đối hóa thực chất lại tạo ra sự chịu đựng. Giống như trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, hôn nhân là một cam kết bất khả xâm phạm, đến mức người đàn ông có thể đánh vợ quần quật nhưng quan niệm về hôn nhân khiến cho người phụ nữ sẽ phải giữ cái gọi là “hôn nhân” đó bằng mọi giá. Chủ yếu là bằng sự chịu đựng. Bạn có thể bắt gặp mặt trái của cam kết được tuyệt đối hóa này ở bất kỳ đâu, nơi những ông chồng sặc mùi rượu nằm trên võng ngáy o o và người vợ khóc thút thít ngoài hiên nhà. Chị sẽ khóc một lúc, rồi quệt nước mắt, sờ lên vết sưng trên mặt mình, rồi đứng dậy đi cào lúa tiếp.
Cam kết có thể tạo ra sự chịu đựng. Thậm chí, chính hệ thống cũng phải chịu đựng một lực lượng các công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và việc làm thế nào để tinh giản biên chế, hay nói đúng hơn là đuổi những người vô dụng này đi là một vấn đề nan giải. Tất nhiên là người dân cũng phải chịu đựng những người này ngay cả khi họ không làm việc. Họ có “biên chế” kia mà. Nếu cán bộ hành chính ở địa phương mà “đi ăn sáng” đến 9h30 bắt người dân ngồi chờ hoặc ngày nào cũng “đi họp” đến tận 16h30 (nghĩa là hết giờ làm việc) và hỏng việc của dân thì cách duy nhất người ta có thể làm là... chịu đựng.
Hãy quay lại với lời của Jose Mujica. Vấn đề của những cam kết, không thể hiện ở những khế ước trên giấy tờ - thứ đã biến Jose thành tổng thống của một nước cộng hòa - mà là ở việc anh thực sự đang theo đuổi thứ gì.
Nếu người chồng trong căn nhà ở miền sông nước kia, không cam kết với “hôn nhân” mà cam kết với tình yêu, anh ta sẽ trân trọng hơn cảm giác của người vợ. Anh ta sẽ nghĩ về việc làm thế nào để tạo ra từng khoảnh khắc yên vui trong căn nhà, chứ không phải tin rằng mình có sống bừa thế nào thì rồi cuộc hôn nhân cũng ở đó.
Nếu người viên chức ở địa phương kia, không cam kết với “biên chế”, với “tổ chức”, mà cam kết với cuộc sống của những người dân, anh ta sẽ có mặt ở cơ quan lúc 8h và hẳn làm việc rất nghiêm túc.
Nếu người lãnh đạo không cam kết với “nhiệm kỳ”, “nhiệm vụ”, “nghị quyết” mà cam kết với di sản của mình - việc mình được nhớ đến trong lòng nhân dân thế nào - chắc những quyết sách sẽ được cân nhắc cẩn thận hơn.
Vì đằng nào thì sau này chúng ta cũng trở thành “những cái cọc đầy dòi”.
Nhưng, làm thế nào để tư duy được như Jose Mujica - cam kết với một khái niệm siêu hình là “tình yêu cuộc sống”. Cam kết với tờ giấy đăng ký kết hôn hoặc cái hợp đồng lao động thì vẫn dễ hơn chứ. Đúng là điều đó rất khó.
Và đó là điều cần được dạy từ bé. Chúng ta cần tự hỏi rằng mình đã có một nền văn hóa, và hẹp hơn, là một nền giáo dục dạy về các cảm giác bên trong của con người chưa, dạy về tình yêu, về hạnh phúc khi làm người khác hạnh phúc. Hay là chúng ta vẫn đang chuyên chú dạy nhau về các khế ước, các cam kết mang tính thiết chế. Môn Giáo dục công dân thì dạy nhiều về pháp luật (bản thân “công dân” cũng là một cam kết mang tính thiết chế). Môn Văn học thì dạy nhiều về lịch sử văn học (kiểu vai trò nhà văn này trong lịch sử là gì), thay vì dạy người ta cách cảm nhận cuộc sống.
Có phải là chính ta đang dạy trẻ con những cam kết mà sau này tạo ra sự chịu đựng?
Đức Hoàng
Đua nhau phá vỡ?
Giữa tháng 4 vừa rồi, cuối cùng thì đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được bàn giao cho thành phố Hà Nội để dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 5, sau một thập niên thi công. Bắt đầu từ tháng 10-2011 đến nay, có ngót chục lần tiến độ xây dựng dự án này bị trễ hẹn. Vốn đội lên 200%, cả chục ngàn tỷ. Báo chí, Quốc hội nhắc liên tục. Người dân bức xúc. Rất ầm ĩ ban đầu, rồi sau thành bình thường. Mấy chuyện kiểu này có vẻ chúng ta cũng quen rồi và cuối cùng thì tàu vẫn chạy ...
Bạn nhìn đèn xanh và nhấn ga đi tiếp, vì tin rằng những người lưu thông ở giao cắt ngã tư sẽ dừng lại khi đèn đỏ. Bạn lấy tiền trả cho người bán hàng, cả hai chấp nhận giao dịch này vì tin vào hiệu lực của tờ tiền do Ngân hàng Nhà nước in ra. Bạn chuyển khoản bằng ứng dụng điện thoại, tức là tin vào uy tín của ngân hàng. Bạn đến gặp bác sĩ, tức là tin vào chuyên môn của họ trong việc giải quyết các vấn đề về sức khỏe, dù cơ thể là của bạn. Xã hội hiện đại về cơ bản vận hành lành mạnh và trơn tru dựa trên sự tin tưởng này. Tôi không thể vặn vẹo ông bác sĩ quá nhiều, vì đơn giản y học không phải chuyên môn của tôi. Hay, nếu cứ nơm nớp lo rằng giao thông thời nay người ta không biết dừng đèn đỏ nữa hoặc lên máy bay mà cứ lo phi công lái kiểu gì thì tôi cứ ở nhà cho an toàn.
Nhưng, đôi lúc chúng ta vẫn gặp trục trặc, khi đưa ra quyết định cần đến niềm tin. Bạn tôi muốn mở một cửa hàng ăn uống, đáng ra có thể tự làm được thủ tục với chút kiên trì thì cô lại tin đưa tiền cho cò vì nghĩ rằng “không có tiền thì ai làm nhanh cho mình”. Cuối cùng thì quy trình vẫn thế, cô vẫn phải chờ và chỉ có cò được lợi. Cái được củng cố trong lòng cô lúc này chỉ là sự thất vọng gấp đôi.
Vào những năm 1980, khu tàu điện ngầm ở New York (Mỹ) rất hỗn loạn, tỷ lệ tội phạm cao làm dân chúng sợ đi tàu. Sở Giao thông - Vận tải New York thay một giám đốc vận hành mới và việc đầu tiên người này làm không phải là dẹp tội phạm. Ông cho sửa lại các ô cửa sổ vỡ, quét vôi lại những bức tường bị bôi bẩn, tiểu bậy. Tóm lại là làm mọi thứ trông sạch sẽ và trật tự hơn. Vài năm sau, tình hình bắt đầu cải thiện.
Đến thập niên 90, tỷ lệ tội phạm ở khu vực đó đã giảm 75% so với 10 năm trước và tàu điện ngầm trở thành phương tiện không thể thiếu của thành phố. Hiệu ứng tâm lý nổi tiếng được rút ra từ sự việc này được đặt tên “cửa sổ vỡ”. Lý thuyết này rất đơn giản: nếu ai đó nhìn thấy những ô cửa sổ vỡ mà chẳng ai thèm quan tâm thì khả năng cao là sẽ có thêm nhiều ô cửa sổ lân cận bị đập vỡ, cho đến khi chỗ này thành một nơi tệ hại đến nỗi chỉ kẻ du thủ du thực ghé vào. Hay, một cột điện có thể thành nơi tập kết rác thải chỉ vì có người đã vứt ở đó túi rác đầu tiên và không ai dọn nó đi.
Nghĩ về hơn một thập niên chậm tiến độ của đường sắt Cát Linh - Hà Đông và những câu chuyện kiểu đường ống nước sông Đà vỡ hơn 30 lần, hay mới đây là vụ đóng bảo hiểm 120 triệu, lúc tất toán hợp đồng chỉ nhận được hơn 36 triệu, tôi rất hoang mang. Tất nhiên là chúng có thể chẳng liên quan nhân quả gì với nhau cả. Nhưng, chính tôi đã đi qua những cung đường mà đường ray ấy cứ lơ lửng, nhìn nó như một cái cửa sổ vỡ, ban đầu còn bức xúc và rồi cũng đến lúc không còn cảm giác quan tâm nữa. Có thể những người khác cũng đã nghĩ như thế, mỗi khi cần giữ một lời hứa và trong một câu chuyện khác, họ lại trở thành người phá vỡ cam kết.
Phạm An
“Tôi là ai?”
Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện của riêng cá nhân tôi và phóng chiếu nó tới những cá thể khác có tương đồng ngoài xã hội, để nhìn nhận về cái gọi là cam kết. Hơn 15 năm trước, tôi vẫn ở nhà thuê và vì nhu cầu công việc, rất cần lắp đặt một đường truyền dẫn truyền hình để xem bóng đá quốc tế phục vụ việc viết bài bình luận sau trận đấu. Quá ngán ngẩm cảnh mỗi đêm cứ phải ngồi đồng ngoài quán cafe để chờ xem một trận đấu nào đó mà trước khi chọn lựa quán phải đảm bảo chắc chắn ông chủ quán sẽ mở đúng trận mình cần thay vì một trận nào khác, tôi quyết định đăng ký thuê bao dù hồi ấy để đăng ký phải làm khá nhiều thủ tục lằng nhằng.
Ảnh: L.G |
Trong các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, tôi chọn một đơn vị vì những lời hứa hẹn của họ về hệ thống các giải đấu, các nội dung, các kênh... Sự hài lòng là có nhưng không được lâu dài. Sau một thời gian, hệ thống truyền hình này không mua được bản quyền bóng đá nữa. Lúc ấy, tôi nhận được gì từ họ so với những cam kết ban đầu. Chỉ là một sự thờ ơ đúng kiểu “chúng tôi vô can”. Tôi chuyển sang thuê bao một hệ thống khác, với lời hứa chắc như đinh đóng cột rằng họ “sở hữu bản quyền 7 giải đấu hàng đầu châu Âu cùng cam kết sóng sạch, không quảng cáo”. Đến bây giờ, hệ thống ấy chỉ còn lại đúng 2 giải đấu và quảng cáo thì nhan nhản. Cách họ rút khỏi các cam kết do chính họ tạo ra thực sự vô cùng thản nhiên. Và, điều đáng nói, họ vẫn là đơn vị thu tiền thuê bao truyền hình cao nhất Việt Nam từ bấy tới nay.
Ví dụ kể trên chỉ là một minh họa nhỏ bé trong vô vàn các minh họa mà chúng ta có thể trải qua về sự vi phạm cam kết trong xã hội Việt Nam hôm nay. Nếu chỉ nói về các vi phạm cam kết kiểu này, e rằng thêm một bài viết nữa cũng chưa hết. Bởi thế, tôi muốn đi vào ngõ ngách hơn một chút để chúng ta cùng mổ xẻ cội nguồn từ đâu mà các vi phạm cam kết xã hội lại nhiều như vậy. Theo tôi, nó nằm ở chính vai trò cá nhân từng con người. Nếu phải đặt cho chính mình một câu hỏi “Tôi là ai?”, chúng ta sẽ tự nhận thức được mình sắm vai nào trong xã hội và tự chúng ta sẽ có một cam kết cá nhân với chính bản thân mình khi đảm nhận vai trò đó. Khi cái cam kết cá nhân tự thân ấy bị phá vỡ, ta sẵn sàng phá vỡ những cam kết khác một cách thản nhiên như thể mình vô can.
Cách đây chưa lâu, khi chuyển về nhà mới, tôi cần làm một số thủ tục giấy tờ tại địa phương. Năm lần bảy lượt lên cơ quan công quyền, đều chỉ nhận được những lời hẹn. Đi đường thẳng không xong, vì quá sốt ruột, tôi buộc phải làm cái việc mình không muốn làm. Nhờ một người anh chơi thân, vốn dĩ là cán bộ cao cấp ở cấp quận của chính địa phương tôi sống. Một cuộc điện thoại của ông anh ấy thôi, đúng 15 phút sau, một cán bộ cấp phường đến bấm chuông, rất lễ phép giúp tôi làm mọi thủ tục. Và anh ta nhắn một câu mà tôi điếng người “Cơ bản là xong rồi anh ạ. Nhưng, cho nó đúng, đỡ mang tiếng, lát anh mang lên tiếp dân nộp thay vì em nộp thay cho anh. Và, anh nhớ lấy bằng được giấy hẹn để người ta khỏi cãi sau này. Rồi mọi thứ em sẽ làm hết cho anh. Có giấy rồi, em mang xuống nhà gửi anh”.
Một cán bộ chính quyền, nằm trong bộ máy, nói rất thẳng với mình về một cái “lỗi cá nhân của một hệ thống” trong chính bộ máy ấy. Nghe nó mỉa mai làm sao. Nếu tôi không có mối quan hệ, có lẽ tới giờ tôi chưa chắc đã xong việc. Và, nếu một người dân thấp cổ bé họng đến cửa công để xin một thủ tục nào đó, liệu anh/chị ấy có dám nằng nặc đòi cái giấy hẹn hay không, nhất là khi người nhận hồ sơ kiên quyết không cung cấp giấy hẹn theo yêu cầu?
Cái giấy hẹn nó chính là một sự cam kết. Đó là một cam kết nằm trong quyền nghiễm nhiên công dân được thụ hưởng. Nhưng, nếu người cán bộ không cung cấp cam kết ấy, nó không chỉ có nghĩa là anh ta/chị ta vi phạm cam kết với dân mà còn vi phạm chính cam kết của bản thân mình trong tư cách một viên chức hành chính.
Một bác sĩ trước khi vào nghề phải lập thệ Hippocrates. Ở đây, ai là “quan tòa” phán xử cho sự trung thành với lời thệ ấy? Không ai cả. Chỉ có một thứ được gọi là lương tri mà thôi. Chính cái gọi là lương tri ấy sẽ luôn mách bảo người bác sĩ rằng “ngươi có một cam kết với nghề bác sĩ mà mình đã lựa chọn. Nếu không thể tuân thủ, ngươi đừng coi mình là bác sĩ nữa”.
Mỗi nghề đều có một thứ tương tự lời thề Hippocrates kia. Người ta vẫn gọi nó là quy tắc hành xử trong nghề (codes of conduct). Cái nghề nó không định danh một cá nhân nhưng nó định vị cá nhân ấy trong xã hội. Khi khoác tấm áo nghề lên, chắc chắn ta phải thực hiện đúng các tiêu chuẩn cơ bản của nghề. Nói nôm na, nếu cuộc đời như một vở kịch, số mệnh phân cho mỗi chúng ta một vai diễn mà ta phải cam kết tròn vai. Nhưng, cái khác hơn nữa là không chỉ mình số mệnh quyết định áp đặt cho ta một vai diễn mà chính chúng ta đã xung phong đảm nhận vai diễn ấy.
Từ rất lâu rồi, trong đời sống có một câu nói thông tục mà có lẽ nó bắt nguồn từ chính những thực trạng con người, thực trạng cán bộ. Đó là câu “nửa hồng quân, nửa thổ phỉ”. Thực sự, câu nói ấy bộc lộ hết bản chất của những cá nhân không đứng đúng vai trò, vị trí của mình khi hành xử và đã vi phạm chính cái cam kết cá nhân tự thân của mình khi đảm lãnh một cương vị nào đó. Đến bây giờ, đau đớn hơn, trong dân gian bắt đầu sử dụng những danh từ để mô tả các lực lượng xã hội.
Thứ nhất, họ dùng từ “xã hội đen”, một từ quá quen thuộc không cần giải thích. Thứ hai, họ dùng từ “xã hội đỏ”, để ám chỉ những cán bộ trong bộ máy biến chất. Hãy thử nghĩ, một cán bộ lạm dụng chiếc thẻ đảng và vị thế quyền lực của mình để cấu kết như mafia, người dân gọi anh ta là “xã hội đỏ” cũng không sai. Nó là một tương phản nhưng đồng dạng của “xã hội đen”. Nó cho thấy anh ta dù lập thệ (ví dụ như tuyên thệ dưới lá cờ đảng), một lời thệ xác định vai trò của mình trong xã hội, nhiệm vụ mình cần làm, đối tượng mình phụng sự, biên độ hành xử mình được phép... nhưng khi cần anh ta thực hiện điều đó thì anh ta lại có các hành vi chẳng khác gì giới mafia cả. Vậy thì anh ta coi cái cam kết tự mình thiết lập với chính bản thân mình có giá trị tới đâu? Và cuối cùng, từ thứ ba là “xã hội vàng”, để ám chỉ một lực lượng tăng lữ nhưng không hành động đúng như tăng lữ mà có nhiều hoạt động không khác gì giới “đen”, giới “đỏ” hoặc thậm chí như giới đầu cơ trục lợi với đủ đầy những “tham, sân, si” chẳng khác gì bất kỳ ai trên đời.
Có thể có nhiều người sẽ nói về câu chuyện chọn sai nghề. Đúng là có rất nhiều người đã chọn sai nghề nhưng thực sự, chuyện sai-đúng này chỉ liên quan đến vấn đề năng lực - chuyên môn - ham mê mà thôi. Cái đáng nói là khi chọn một nghề rồi, dù sai hay đúng, ta vẫn phải có một cam kết tự thân với cái nghề của mình. Không thể vin vào một lý do cá nhân rất chủ quan mà biện minh cho chuyện tự mình phá bỏ cam kết cá nhân ấy để rồi dẫn tới vô vàn những cam kết khác trong xã hội bị chà đạp một cách không thương tiếc.
“Tôi là ai?”. Đó là một câu hỏi rất lớn mà mỗi cá thể phải đặt ra cho mình. Ông chủ tịch phường nếu luôn trả lời chính mình rằng “Tôi là chủ tịch phường ABC...” một cách nghiêm túc, ông ta sẽ xác lập ngay một cam kết với chính mình về hành vi cho tương xứng với cương vị ấy. Tương tự, “Tôi là một nhà tu hành”, “Tôi là một ký giả”, “Tôi là một thẩm phán”, “Tôi là một thương nhân” v.v và v.v... cũng phải là câu trả lời cho chính bản thân mình của mỗi người trong chúng ta chứ không chỉ là một câu giới thiệu chức danh cho khách quan đơn thuần.
Tự nhắc mình là ai trong xã hội này có nghĩa là ta bắt đầu với một cam kết riêng, chính mình thực thi, chính mình giám sát, chính mình phán xét mà không cần đến bất kỳ một lực lượng nào bên ngoài. Có đạt được cái cam kết ấy và tuân thủ nó, ta mới bắt đầu hình thành được thói quen tuân thủ các cam kết xã hội khác, một xã hội luôn tồn tại với những khế ước rất rõ ràng với các định biên hành vi, ứng xử, hành động, trách nhiệm và tất nhiên, cả quyền lợi.
Hà Quang Minh
Đức Hoàng - Phạm An - Hà Quang MinhXem thêm: /447836-yan-moh-maN-teiV-ioh-ax-gnort-tek-maC/ed-neyuhC/nv.moc.dnac.tcgtna