Đài ABC (Úc) ngày 6-5 đưa tin công ty đóng tàu Austal, có trụ sở tại TP. Perth (Úc), đang tiến gần đến việc đảm bảo vị trí tuyến đầu chiến lược thông qua việc thuê một cảng biển của Philippines tại Vịnh Subic, vốn đóng vai trò là cửa ngõ hàng hải vào Biển Đông.
Trong một cuộc họp báo, ông Steven Robinson - đại sứ Úc tại Philippines - xác nhận công ty Austal đang chuẩn bị tiếp quản nhà máy đóng tàu Hanjin ở khu vực chiến lược tại Vịnh Subic.
Các tàu chiến của Úc và Mỹ vẫn thường xuyên ghé cảng ở Vịnh Subic. Ảnh: REUTERS
"Tôi hy vọng đạt được tiến bộ trong một hoặc hai tháng tới, khi các cuộc đàm phán hoàn tất. Điều này sẽ giúp Austal mở rộng hơn nữa ở Philippines" - ông Robinson nói.
"Điều này vẫn là bí mật thương mại. Do đó, tôi không thể đi quá sâu vào chi tiết, nhưng chúng ta hãy hy vọng rằng sẽ có kết quả tích cực, điều này sẽ giúp Austal mở rộng hơn nữa ở Philippines" – ông Robinson cho biết.
Bến cảng ở Vịnh Subic, từng được gọi là căn cứ hải quân Vịnh Subic, là nơi sinh sống của hàng nghìn thủy thủ Mỹ và gia đình của họ trước khi hải quân Mỹ rời đi hồi năm 1992.
Các tàu chiến của Úc và Mỹ vẫn thường xuyên ghé cảng, cũng như lính thủy đánh bộ Mỹ tập trận đổ bộ lên bãi biển gần đó ở tỉnh Zambales.
Hồi năm 2019, hai công ty Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm đến Vịnh Subic, nhưng với lợi thế về giá thầu, Austal từ lâu đã được coi là đối thủ nặng ký nhất.
Tầm quan trọng của Vịnh Subic trong những năm gần đây đã tăng lên trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quân sự ở Biển Đông, ABC đưa tin.
ABC dẫn lời ông Peter Jennings – chuyên gia tại Viện Chính sách Chiến lược Úc – hoan nghênh hành động của công ty Austal tham gia đấu thầu nhà máy đóng tàu Hanjin tại Vinh Subic.
Trao đổi với ABC, ông Jennings cho biết: "Khi chuyển đến Vịnh Subic, Austal sẽ không thúc đẩy bất kỳ chương trình nghị sự nào của chính phủ Úc, mà đơn giản chỉ là nhằm mục đích thúc đẩy lợi ích kinh doanh và kỹ thuật, cũng như vận hành cảng này một cách hiệu quả”.
Phía công ty Austal từ chối bình luận về vụ đấu thầu cảng biển này, song cho biết đang "liên tục đánh giá các cơ hội để mở rộng hoạt động hơn nữa nếu chúng phù hợp với chiến lược tăng trưởng của công ty".
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Austal sắp chấm dứt hoạt động liên danh với Trung Quốc trước lo ngại chiến lược ngày càng gia tăng.
Tuần trước, Austal thông báo đã bắt đầu đàm phán để bán 40% cổ phần của mình trong một liên danh được thành lập cách đây năm năm cùng một doanh nghiệp đóng tàu của Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang xấu đi.
Năm 2016, Austal thành lập Aulong Shipbuilding, liên danh với doanh nghiệp Jianglong Shipbuilding của Trung Quốc, để đóng các tàu chở khách thương mại và tàu phi quân sự cho thị trường Trung Quốc.
Hồi tháng 3, ABC đã tiết lộ vật liệu nhôm kém chất lượng mà Austal nhập khẩu từ Trung Quốc đã dẫn đến sự chậm trễ trong việc đóng các tàu tuần tra lớp Cape mới trị giá 350 triệu USD của Hải quân Hoàng gia Úc.
Trong cuộc điều trần trước Thượng viện sau đó, Hải quân Úc xác nhận vật liệu nhôm "không thể chấp nhận được" của Trung QUốc có xuất xứ từ TP. Vũ Hán hồi tháng 2-2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.
Theo ông John Rothwell - người sáng lập và chủ tịch của Austal, sản phẩm bị lỗi đã không được chứng nhận chính xác và nhà cung cấp Trung Quốc có thể đã cung cấp vật liệu kém chất lượng cho các dự án quốc phòng khác của Úc.