Hãng tin AP đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc gặp ngày 6-5 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với Kiev trong bối cảnh căng thẳng Ukraine-Nga đang gia tăng.
Trong chuyến thăm một ngày đến Ukraine, ông Blinken đã nhắc lại cam kết của Mỹ đối với “chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập” của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực của Ukraine nhằm giải quyết nạn tham nhũng và thực hiện cải cách.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AP
“Ukraine đang phải đối mặt hai thách thức: sự gây hấn từ bên ngoài, đến từ Nga, và thực tế là sự gây hấn từ bên trong, đến từ nạn tham nhũng, khi giới đầu sỏ và những cá nhân khác đang đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của người dân Ukraine” - ông Blinken nói trong cuộc họp báo sau cuộc họp với ông Zelenskiy.
Việc ông Blinken thực hiện chuyến thăm Ukraine sớm trong nhiệm kỳ, trước khi thăm Nga, đã báo hiệu rằng Ukraine là một ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Theo AP, Ukraine được cho là rất mong đợi chuyến thăm của ông Blinken, với kỳ vọng về sự tăng cường viện trợ quân sự, cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ về việc Ukraine trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trước đó, trên trang Twitter hôm 3-5, ông Zelenskiy đã tuyên bố rõ rằng ông muốn có hành động quan trọng - “một tín hiệu rõ ràng về triển vọng châu Âu và Euro-Đại Tây Dương”, đề cập nguyện vọng gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine.
Ông Blinken hôm 6-5 cho biết đã thảo luận với ông Zelenskyy về "triển vọng Euro-Đại Tây Dương" của Ukraine, đồng thời khẳng định rằng Mỹ đang "tích cực xem xét" việc tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine, song không đề cập chi tiết.
Ông Zelenskiy cũng cho biết sự hỗ trợ về mặt quân sự và tài chính từ Mỹ "đang tăng lên", song không nói rõ chi tiết.
Ông Blinken và ông Zelenskiy đều lưu ý rằng trong bối cảnh Nga đã rút một số lực lượng quân số khỏi biên giới với Ukraine, song một số lượng lớn binh sĩ và khí tài vẫn còn ở đó. Ông Blinken cho biết Washington đang theo dõi tình hình "rất, rất chặt chẽ", vì "Nga có khả năng, trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, đưa ra hành động gây hấn nếu họ muốn".
“Tôi có thể nói với ngài, thưa ngài Tổng thống, rằng chúng tôi luôn đồng hành cùng ngài” – ông Blinken nói.
Hôm 6-5, tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho biết liên minh này “cần phải cảnh giác và theo dõi chặt chẽ các diễn biến” trong và xung quanh Ukraine.
“Chúng tôi đã thấy quân số Nga giảm một phần nhưng vẫn còn hàng chục nghìn người, và chúng tôi cũng thấy rằng Nga đã cất giữ rất nhiều vũ khí, trang thiết bị chuẩn bị sẵn, và họ cũng đang áp đặt các hạn chế ở Biển Đen” – ông Stoltenberg nói thêm.
Ukraine đã chứng kiến sự gia tăng các hành động thù địch ở miền đông trong những tháng gần đây. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng leo thang khi Moscow tập trung quân đội và tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn gần biên giới Ukraine.