Vợ chồng bà Võ Thị Mỹ Hạnh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) chờ đợi ngân hàng hoàn trả số tiền đã nộp - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo nội dung vụ án, tháng 9-2019, vợ chồng bà Võ Thị Mỹ Hạnh và em gái cho bà Nguyễn Thị Trình vay 1,7 tỉ đồng để giải chấp căn nhà ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12 (TP.HCM) mà bà Trình đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Hai bên thỏa thuận sẽ ký hợp đồng vay tiền trước, sau đó bà Hạnh sẽ nộp tiền vào ngân hàng để giải chấp nhà.
Gian nan đòi tiền đã nộp vào ngân hàng
Ngày 12-9-2019, phía bà Hạnh cùng với bà Trình đến Sacombank chi nhánh quận 12 - phòng giao dịch Chợ Cầu để ký hợp đồng vay tiền và nộp tiền vào ngân hàng. Lúc này, bà Trình nói để quên CMND ở nhà nên chạy về lấy và bảo bà Hạnh nộp tiền vào trước.
Do tin tưởng, bà Hạnh đã nộp 1,7 tỉ đồng vào tài khoản của bà Trình để tất toán khoản vay cho bà Trình, rồi đợi bà Trình đến ký hợp đồng nhưng sau đó bà Trình không đến ký. Phía Sacombank cũng không giải quyết cho bà Hạnh lấy lại số tiền đã chuyển, nên bà khởi kiện yêu cầu tòa buộc bà Trình và ngân hàng phải liên đới trả cho bà 1,7 tỉ đồng và tiền lãi theo quy định.
Tháng 1-2020, TAND quận 12 xử sơ thẩm đã tuyên buộc bà Trình và Sacombank phải liên đới trả cho phía bà Hạnh 1,7 tỉ đồng và tiền lãi phát sinh. Không đồng ý, bà Trình và Sacombank kháng cáo.
Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm. Cụ thể, buộc Sacombank chuyển trả 1,7 tỉ đồng cho phía bà Hạnh, còn bà Trình có trách nhiệm hỗ trợ các thủ tục liên quan đến việc chuyển trả số tiền trên và tiền lãi phát sinh. Song đến nay các bên vẫn chưa thể thi hành bản án.
Ngân hàng không có tài khoản, tài sản thi hành?
Sau bản án phúc thẩm, Chi cục Thi hành án dân sự quận 12 đã ra quyết định thi hành án theo yêu cầu và nhiều lần ra thông báo thi hành án nhưng không ai thực hiện.
Trong thông báo ngày 27-1-2021, Chi cục Thi hành án dân sự quận 12 cho biết nếu ngân hàng không chuyển trả cho bà Hạnh 1,7 tỉ đồng và nộp án phí dân sự như bản án đã tuyên thì sẽ báo cáo với Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đề xuất họp liên ngành với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để đưa ra biện pháp buộc Sacombank thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Song đến nay đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án nhưng bà Trình và Sacombank không tự nguyện thi hành án.
Chi cục Thi hành án dân sự quận 12 đề nghị Sacombank cung cấp thông tin tài sản, tài khoản, điều kiện thi hành án khác để xử lý theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trong biên bản giải quyết việc thi hành án, đại diện Sacombank trình bày ngân hàng "không có tài sản, tài khoản, điều kiện thi hành án khác để cung cấp cho Chi cục Thi hành án dân sự quận 12".
Đồng thời, phía Sacombank cho rằng đối với khoản 1,7 tỉ đồng, ngân hàng đề nghị xử lý tài sản nhà đất tại phường Đông Hưng Thuận của bà Trình hiện đang thế chấp tại ngân hàng để trả cho bà Hạnh. Tuy nhiên, phía bà Trình không đồng ý. Bà Trình yêu cầu Sacombank trả 1,7 tỉ cho bà Hạnh, rồi bà Trình sẽ trả 1,7 tỉ cho ngân hàng ngay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sacombank cho biết theo bản án phúc thẩm, Sacombank và bà Trình có trách nhiệm liên đới trả lại số tiền 1,7 tỉ đồng cho phía bà Hạnh.
Tuy nhiên, trong các lần cơ quan thi hành án triệu tập Sacombank và bà Trình lên làm việc thì bà Trình vắng mặt nên chưa có ý kiến cụ thể về việc phối hợp thực hiện thi hành án. Do đó, ngân hàng chưa đủ cơ sở để thi hành án. Ngân hàng sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để nêu rõ những khó khăn và lý do liên quan đến việc chưa thi hành án.
Ngoài ra, liên quan đến số tiền 1,7 tỉ đồng nêu trên, Sacombank hiện đang giải quyết vụ án tranh chấp với bà Trình do bà này vi phạm nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng. Ngày 14-1, TAND quận 12 đã tuyên bà Trình phải thanh toán tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng bao gồm nợ gốc và lãi cho Sacombank.
Tranh chấp giữa Sacombank và bà Trình là một vụ việc khác
Theo luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM), việc Sacombank đưa ra lý do hiện đang giải quyết vụ án tranh chấp với bà Trình để trì hoãn việc trả tiền cho phía bà Hạnh là không hợp lý. Bởi chủ thể và bản chất đối tượng tranh chấp trong hai vụ việc là độc lập và khác nhau.
Ngay cả khi bà Trình phải thanh toán tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng cho Sacombank cũng không làm thay đổi trách nhiệm thanh toán số tiền 1,7 tỉ đồng của ngân hàng đối với bà Hạnh.
Tương tự, do bản án đã tuyên rõ Sacombank phải trả 1,7 tỉ cho phía bà Hạnh, nên khi bà Trình vắng mặt khi cơ quan thi hành án triệu tập thì ngân hàng có thể thông báo toàn bộ nội dung cho bà Trình và thi hành phần nghĩa vụ của mình.
Ngân hàng không có 1,7 tỉ là vô lý
Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), việc tòa buộc Sacombank phải liên đới với bà Trình trả lại tiền cho bà Hạnh là hoàn toàn đúng với bản chất vụ việc, đúng với quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật thi hành án dân sự, sau thời hạn tự nguyện thi hành mà Sacombank không thi hành thì Cơ quan Thi hành án dân sự quận 12 sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Cơ quan thi hành án sẽ áp dụng biện pháp xác minh tài sản của Sacombank để tiến hành cưỡng chế thi hành.
Vì Sacombank là một pháp nhân, nên việc xác minh sẽ dựa theo nguyên tắc xác minh tài sản mà Sacombank đang sở hữu (bao gồm nguồn tiền mặt, tài sản đăng ký quyền sở hữu...) để làm cơ sở cưỡng chế thi hành. Theo luật sư Phát, việc ngân hàng nói không có 1,7 tỉ để thi hành án là điều vô lý.
TTO - Liên quan vụ 'Dân thắng kiện, chủ tịch tỉnh đề nghị giám đốc thẩm hủy án phúc thẩm', luật sư cho rằng trường hợp này pháp luật quy định chủ tịch tỉnh phải nghiêm chỉnh thi hành bản án có hiệu lực pháp luật.
Xem thêm: mth.79821122260501202-neit-oc-gnohk-ion-gnah-nagn-gnod-it-7-1-ial-art-iod-neil-coub-aot/nv.ertiout