Nhà thơ Cao Xuân Sơn (đứng) nhắc lại kỷ niệm và lời dạy của bậc đàn anh, bậc thầy Trần Hoài Dương - Ảnh: L.ĐIỀN
Miền văn chương xanh thẳm của Trần Hoài Dương từ lâu đã trở thành quen thuộc trong nhiều thế hệ bạn đọc.
Văn chương của ông sử dụng một trường ngôn ngữ trong sáng và thế giới nhân vật - từ đồng thoại đến thiếu nhi đến cả người lớn - cũng như không gian truyện đều được xây dựng trong trẻo, ngọt ngào, lấp lánh niềm vui đủ để người đến với trang văn cùng rung động theo tinh thần hướng thượng và hướng thiện.
Từ tác phẩm Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương (cũng là nơi gửi gắm quan niệm sáng tác của ông), nhà văn Nguyễn Quang Thiều tinh nhạy nhận ra "bốn yếu tố quan trọng nhất làm nên nhân tính được theo đuổi trong toàn bộ tác phẩm.
Đó là gia đình với người sống, người mất, là xã hội, là thiên nhiên và là văn hóa (thông qua những cuốn sách và những câu chuyện hành xử của con người). Những yếu tố quan trọng nhất ấy đã làm cho những đứa trẻ lớn lên trở thành người tử tế".
Chi tiết hơn, đồng nghiệp còn phát hiện Trần Hoài Dương không chỉ có văn chương nhẹ nhàng, mà với tài năng xây dựng nhân vật, "khi viết về ông Thơ, một nạn nhân của cải cách ruộng đất, ông chỉ dùng một chi tiết nhỏ nhưng lại dựng lên một bi kịch lớn của lịch sử" - nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận định trong tham luận gửi vào từ Hà Nội.
Nhà văn Trần Quốc Toàn - người thay mặt gia đình kết nối ý tưởng để tổ chức tọa đàm này - nhìn thấy một "cửa ra" khác của văn chương Trần Hoài Dương, đó là ông được dẫn vào sách giáo khoa rất nhiều.
Điều này được TS Bùi Thanh Truyền khẳng định: với tỉ lệ các bài văn trích vào sách giáo khoa, Trần Hoài Dương chỉ xếp sau Tô Hoài về văn xuôi.
Từ góc độ chuyên môn, TS Bùi Thanh Truyền lý giải sở dĩ những nhà soạn sách giáo khoa mỗi khi cần văn bản đưa vào các bài học lại nhớ đến Trần Hoài Dương là vì: văn ông giàu tính giáo dục, nghệ thuật miêu tả bậc thầy, và bản thân ông xem việc viết cho thiếu nhi như một thứ đạo của đời mình.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn - giám đốc chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM, từng có mối thâm giao với Trần Hoài Dương - kể lại đoạn đường gắn bó "từ tác phẩm đầu tay đến tác phẩm cuối cùng" của Trần Hoài Dương đều in ở Kim Đồng.
Và từ góc độ cá nhân, ông Cao Xuân Sơn tự nhận mình học được những điều quan trọng từ bậc đàn anh Trần Hoài Dương, không chỉ trong nghề chữ nghĩa, xuất bản, mà còn cả trong cuộc sống gia đình.
"Cho dù cuộc sống riêng có trắc trở, cay đắng, khắc nghiệt thế nào, viết cho các em vẫn phải viết bằng ngòi bút thanh sạch, hướng thiện, gieo hạt mầm nhân ái, niềm tin vào cái đẹp, cái thiện, cái tử tế của con người. Nhà văn phải tự thanh lọc mình trước khi ngồi vào bàn viết cho các em" - ông Cao Xuân Sơn đọc lại lời dạy của Trần Hoài Dương khiến ông tâm đắc mãi.
Buổi tọa đàm như chỉ mới bắt đầu cho việc tiếp tục hành trình mà Trần Hoài Dương vừa chuyển lại sau mười năm.
Những người viết trẻ như Trương Huỳnh Như Trân, Võ Thu Hương không chỉ tìm thấy ở Trần Hoài Dương một trời kỷ niệm do gắn bó với truyện của ông từ nhỏ, mà chính những cây bút này cũng đang khẳng định rằng mình chọn cách làm văn giống như ông, giữ tấm lòng với chữ nghĩa kiểu như ông.
Ra mắt website, làm sách tranh
Nhà thơ Cao Xuân Sơn cho biết hiện Kim Đồng đang thử bóc tách tác phẩm Trần Hoài Dương ra để làm thành sách tranh, đang thực hiện 4 tác phẩm sẽ phát hành trong năm nay: Bé Rơm, Những đóa hồng bạch dâng tặng Andersen, Chuyện vui về chú ếch cốm, Tiếng mùa xuân.
Dịp này, con trai nhà văn là nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh cũng đã cho ra mắt website www.tranhoaiduong.com.
Nhà văn Trầm Hương đã làm một tổng kết sơ bộ về những gì Trần Hoài Dương làm được: Xuất bản 24 tác phẩm gồm các tập truyện ngắn, đồng thoại, truyện dài, các sách tuyển chọn và giới thiệu tác phẩm; ngoài ra ông còn viết kịch bản phim hoạt hình và múa rối cho thiếu nhi, có 5 kịch bản được dựng thành phim.
Trong đó, có những tác phẩm đã đoạt các giải thưởng khác nhau: Miền xanh thẳm - giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001, Cuộc phiêu lưu của những con chữ; truyện ngắn Một thoáng heo may phương Nam; kịch bản phim hoạt hình Bé Rơm; kịch bản múa rối Huyền thoại Cửu Long giang.
TT - Chiều 16-3, NXB Hội Nhà Văn tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách Trần Hoài Dương - Con người và tác phẩm.
Xem thêm: mth.34704000170501202-iod-o-oad-uht-tom-uhn-ihn-ueiht-ohc-teiv-gnoud-iaoh-nart/nv.ertiout