Đài CNN ngày 6-5 đưa tin Nepal đang có nguy cơ trở thành một “Ấn Độ thứ hai” khi số ca nhiễm COVID-19 đang tăng nhanh, trong khi các bệnh viện đang rơi vào tình trạng quá tải. Hiện chính phủ nước này đang kêu gọi sự giúp đỡ từ các quốc gia khác.
Đường đi của dịch giống ở Ấn Độ
Một tháng trước, quốc gia 31 triệu dân này chỉ ghi nhận khoảng 100 ca mắc mới mỗi ngày. Bây giờ, con số này đã tăng lên hơn 8.600 người.
Theo số liệu mà Bộ Y tế Nepal ghi nhận được, mỗi ngày cứ 100.000 người thì sẽ có khoảng 20 trường hợp nhiễm, con số được báo cáo tương tự như ở Ấn Độ vào hai tuần trước, cảnh báo về một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.
"Những gì đang xảy ra ở Ấn Độ lúc này là một hình ảnh kinh hoàng về tương lai của Nepal nếu chúng ta không thể ngăn chặn đợt dịch mới nhất đang cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn" - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nepal - ông Netra Prasad Timsina tuyên bố.
Sự lây lan nhanh chóng của làn sóng dịch mới ở Nepal đã làm dấy lên lo ngại rằng quốc gia này đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng tàn khốc không kém gì Ấn Độ, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn.
Đông đúc người dân Nepal tham gia một sự kiện tôn giáo ở Bhaktapur, Nepal vào ngày 10-4. Ảnh: CNN
Nepal có hệ thống y tế “mỏng manh” hơn, với số bác sĩ ít và tỉ lệ tiêm chủng cũng thấp hơn nhiều so với Ấn Độ. Tỉ lệ xét nghiệm cũng cho thấy nước này không đủ khả năng phát hiện được toàn bộ số ca nhiễm mới.
Ngoài ra, sự tự mãn của người dân Nepal cùng hành động chậm chạp của chính phủ, như vẫn để cho các sự kiện đông người, bao gồm lễ hội, đám cưới, đã tạo điều kiện cho sự lan nhanh của dịch bệnh.
“Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn từng ngày và nó có thể vượt quá tầm kiểm soát trong tương lai” - phát ngôn viên Bộ Y tế Nepal, Bác sĩ Samir Adhiakri nhận định.
Mặc dù Nepal đã thắt chặt biên giới và tiến hành phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng dịch nặng nề nhất, bao gồm cả thủ đô, một số người vẫn lo ngại rằng các biện pháp trên sẽ không đủ để ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Biên giới giáp với Ấn Độ
Một số người cho rằng nguyên đằng sau sự tăng vọt ca nhiễm ở Nepal là do làn sóng dịch thứ hai đang hoành hành ở Ấn Độ đã tràn sang Nepal, quốc gia có đường biên giới dài và rộng giáp với Nepal.
Các cửa hàng bắt đầu đóng cửa trong ngày đầu tiên có lệnh phong tỏa ở thủ đô Kathmandu, Nepal, ngày 29-4. Ảnh: CNN
Theo CNN, người Nepal từ Ấn Độ về nước không cần xuất trình hộ chiếu hoặc thẻ căn cước để nhập cảnh. Trong khi đó số lượng người Nepal làm việc ở Ấn Độ và ngược lại là khá đông, chính vì vậy lưu lượng đi qua lại biên giới là rất cao.
Bên cạnh đó, theo ông Adhikari, trong những tuần vừa qua, một số người Ấn Độ đã chạy khỏi đất nước sang Nepal hoặc tìm cách trốn sang nước thứ ba, với hy vọng được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe do Ấn Độ quá tải.
“Rất khó để ngăn chặn mọi hoạt động di chuyển giữa hai nước” - phát ngôn viên Bộ Y tế Nepal cho hay.
Những ngày gần đây, Nepal đã thắt chặt các quy tắc nhập cảnh của mình. Theo Ngoại trưởng Nepal Pradeep Kumar Gyawali, công dân Nepal hiện chỉ có thể đi qua Ấn Độ tại 13 trong số 35 điểm giao biên giới.
Thủ tướng Nepal - ông Khadga Prasad Sharma Oli tại một buổi sự kiện ở Kathmandu, Nepal vào ngày 24-4. Ảnh: CNN
Đối với những người từ Ấn Độ trở về Nepal sẽ được xét nghiệm ngay tại biên giới. Bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm âm tính đều có thể về nhà, nhưng các trường hợp dương tính sẽ được đưa đến các cơ sở cách ly hoặc bệnh viện.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Sameer Mani Dixit, nhà khoa học nghiên cứu y tế cộng đồng tại Nepal, các biện pháp trên được áp dụng quá muộn vì dịch bệnh đã lây lan bên trong quốc gia này.
Những cuộc tụ tập đông đúc
Cuộc khủng hoảng đại dịch tại Nepal bắt đầu nhen nhóm từ đầu tháng 4, khi đa phần người dân nước này không chỉ tham gia vào các lễ hội trong nước mà còn tham gia lễ hội ở nước láng giềng Ấn Độ.
Hàng nghìn người Nepal đã tập trung tại các thành phố để kỷ niệm những lễ hội tôn giáo lớn, bất chấp lệnh của chính quyền yêu cầu họ không được làm như vậy. Một số người còn thể hiện quan điểm của mình khi cầm những tấm biển với nội dung: "Lễ hội của chúng ta còn quan trọng hơn cả mạng sống của chúng ta”.
Chỉ trong ngày 24-4, số ca nhiễm COVID-19 tại Nepal bắt đầu tăng mạnh, với hơn 2.400 ca trong một ngày. Năm ngày sau đó, con số này đã tăng gấp đôi lên hơn 8.400 ca. Đến lúc này, chính phủ mới áp lệnh phong tỏa kéo dài hai tuần ở thủ đô.
Trong khi đó, Bộ Y tế Nepal thừa nhận các bệnh viện đều đã quá tải, do số ca nhiễm mới tăng lên ngoài tầm kiểm soát của hệ thống y tế, việc đảm bảo đủ giường bệnh cho các bệnh nhân trở nên vô cùng khó khăn.
Thân nhân của một người chết vì COVID-19 tại một lò hỏa táng ở Kathmandu, Nepal, vào ngày 30-4. Ảnh: CNN
Việc chính phủ không có hành động dứt khoát đã khiến người dân Nepal tức giận. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù không thể ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai, song chính phủ đã có thể đã làm nhiều hơn để kiểm soát nó.
Nhà phân tích chính trị Surendra Labh cho rằng việc cho phép tổ chức các lễ hội là không phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh, thêm rằng các sự kiện tập trung đông người khác như đám cưới cũng khiến dịch bệnh dễ dàng lây lan hơn.
Chuyên gia sức khỏe Suresh Panthee, một trong những người sáng lập Viện Nghiên cứu và Nghiên cứu Bền vững ở Nepal, cho biết chính quyền nước này đã trở nên chủ quan sau khi tránh được sự thảm khốc trong đợt dịch đầu tiên.
Hệ thống y tế “mỏng manh”
Nepal là một trong những nước nghèo nhất thế giới và điều này đã được phản ánh ngay trong chính hệ thống y tế của nước này.
Theo kế hoạch ứng phó COVID-19 của chính phủ Nepal từ tháng 5-2020, nước này chỉ có 1.595 Đơn vị điều trị tích cực (ICU) và 480 máy thở cho khoảng 30 triệu dân.
Nhân viên lò hỏa táng ở Nepal mặc trang phục bảo hộ di chuyển thi thể nạn nhân chết vì COVID-19 đi hỏa táng ở Kathmandu, Nepal, vào ngày 3-5. Ảnh: CNN
Nepal cũng gặp phải tình trạng thiếu các y bác sĩ, chỉ với 0,7 bác sĩ trên 100.000 dân, trong khi con số này ở Ấn Độ là 0,9. Các nhân viên y tế đã nghỉ việc được gọi trở lại làm việc để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng,trong khi quân đội cũng phải đề nghị các nhân viên y tế nghỉ hưu sẵn sàng trở lại ngay khi được gọi.
Tính đến ngày 1-5, 22 trên 77 quận ở Nepal đều rơi vào tình trạng thiếu giường bệnh.
Bác sỹ Paras Shrestha thuộc khoa hồi sức COVID-19 tại một bệnh viện ở TP Nepalgunj cho biết bệnh viện của ông bị quá tải và ông đã khuyến cáo các bệnh nhân có triệu chứng vừa phải nên tự cách ly tại nhà.
Bộ Y tế Nepal tiết lộ tuần trước, chính quyền nước này đã đặt mua 20.000 bình oxy y tế từ nước ngoài, trong bối cảnh nhu cầu oxy y tế đã tăng gấp ba lần.
Ngày 4-5, quân đội Nepal cũng đã bắt đầu mở rộng các cơ sở y tế ở khu vực biên giới với Ấn Độ để tiếp nhận số lượng lớn công nhân Nepal làm việc ở Ấn Độ trở về nước.
Tuy nhiên, các thách thức vẫn còn rất nhiều.
Tại Nepal, tỉ lệ dương tính trong số các mẫu xét nghiệm cao gấp đôi Ấn Độ, điều này cho thấy có thể còn một số lượng lớn các ca bệnh chưa được phát hiện.
Ngoài ra, Nepal có tỉ lệ tiêm chủng vaccine rất thấp. Tính đến cuối tháng 4, mới chỉ có 7,2% dân số nước này được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, thấp hơn so với mức 10% ở Ấn Độ.
“Tôi có thể nói rằng chính phủ đang cố gắng hết sức. Nhưng hệ thống y tế của chúng tôi rất mỏng manh và thiếu thốn" - ông Adhiakri nói.
Người dân Nepal tại một bến xe buýt đông đúc để mua vé trở về làng của họ một ngày trước khi thủ đô Kathmandu đóng cửa vào ngày 28-4. Ảnh: CNN
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Khoảng thời gian vài tuần tới sẽ rất quan trọng đối với chính quyền Nepal trong việc kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh.
Hôm 29-4, nước này đã áp lệnh phong tỏa hai tuần ở thủ đô Kathmandu, nhưng trước khi có hiệu lực, rất nhiều lao động ở Ấn Độ đã trở về nước.
“Nhóm người cao tuổi chiếm phần lớn dân số ở Nepal và việc hệ thống y tế bị hạn chế đã làm dấy lên nỗi lo ngại rằng những người di cư có thể đã lây lan dịch bệnh đến các vùng sâu vùng xa” - phát ngôn viên Bộ Y tế Nepal nhận định.
“Trong vòng vài tuần tiếp theo, tình hình sẽ trở nên xấu đi. Nhưng chúng tôi đang nỗ lực hết sức” - ông Adhikari nói thêm.
Chính phủ Nepal đã áp đặt một số biện pháp nhằm hạn chế mức độ lây nhiễm, cụ thể từ ngày 6-5, Nepal cho dừng tất cả các chuyến bay quốc tế. Quy định hạn chế tụ tập đông người cũng được thực tại 46 trong số 77 quận.
Người dân Nepal xếp hàng chờ để được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Alka ở Lalitpur, Nepal vào ngày 22-4. Ảnh: CNN
Bác sĩ Shrestha tại Nepalgunj hy vọng số ca mắc sẽ giảm xuống một khi người dân tuân thủ quy định và kiên nhẫn, CNN cho hay.
“Chỉ một lệnh phong tỏa thôi vẫn chưa đủ. Chính phủ cần xét nghiệm tất cả các trường hợp tiếp xúc gần, cách ly các ca dương tính, kiểm soát biên giới tốt hơn, và chuẩn bị các nguồn lực y tế khác, trong đó có oxy y tế” - bà Shrestha chia sẻ.
Việc phong tỏa thủ đô cũng khiến nhiều người dân gặp khốn đốn. Bà Gita Kuchikar (45 tuổi), làm công việc dọn dẹp và là mẹ của ba đứa trẻ, đã mất việc sau khi thành phố phong tỏa và đang lo lắng về việc học hành của con cái bà.
“Tôi cảm thấy sợ hãi vì ở Nepal, các ca bệnh đang gia tăng như ở Ấn Độ. Tôi không biết chính phủ của chúng tôi sẽ xử lý tình huống này như thế nào” - bà Kuchikar nói.
Nhiều lễ hội lớn ở Nepal đang đến gần. Mặc dù các nhà tổ chức cho biết họ sẽ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và bắt buộc người tham gia đeo khẩu trang, song Bộ Y tế Nepal dự đoán người dân có thể không tuân theo.
"Một số lễ hội cũng sắp diễn ra trong thời kỳ cấm đoán này, nhưng chính phủ không thể nói trước được bất cứ điều gì" - một quan chức chính phủ Nepal nhận định, nói thêm rằng tình hình hiện đang nằm trong tay người dân Nepal.
"Chúng tôi đã quá mệt mỏi với việc phải kêu gọi mọi người tuân theo các biện pháp bảo vệ sức khỏe rồi" - quan chức này chia sẻ.