Mới đây, tại triển lãm sinh vật cảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2021 diễn ra TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), gốc cây sanh với tên gọi "Tự hào Việt Nam" thu hút sự chú ý với giới chơi cây cảnh nghệ thuật và khách tham quan bởi sự độc đáo của nó.
Cây có chu vi bộ rễ 10m, cao 3,7m và dài 6m; với sự phân bố hệ thống quần thể cây, tạo tổng thể ba chiều hình tam giác lớn. Tâm dáng của bệ cây, hình thành mọc nghiêng từ một thân chính rồi chia tách tạo nên sự hoàn hảo.
Chủ nhân của cây sanh là ông Nguyễn Ánh Dương (52 tuổi, ngụ thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk). Để sở hữu được cây sanh đẹp độc đáo này, ông Dương đã mất nhiều năm thuyết phục người chủ cũ cây sanh mới chịu nhượng lại.
Dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân, cây sanh đồ sộ ngoài tự nhiên sau nhiều năm chăm sóc, uốn tỉa đã có dáng thế đẹp.
Nhiều người chơi cây cảnh lần đầu nhìn thấy cây đều khen ngợi vẻ đẹp "hiếm có khó tìm". Theo nhiều người đây là lần đầu tiên họ thấy cây sanh lớn tuổi như vậy.
Chia sẻ với báo Dân Trí, ông Dương cho biết, cây sanh có nhiều nét độc đáo như: Bệ ôm đá, thân cây nổi u bướu rất đẹp, các tán cây hài hòa, cân đối và hợp lý. "Cây bắt đầu từ nền tảng bệ nu nơi tập hợp các chi thể giữ chặt nhau, khởi nguyên từ một mầm sinh bé nhỏ và trải qua thời gian cả trăm năm với sức sống mãnh liệt mới được như hiện tại".
Tại triển lãm đã có rất nhiều người hỏi mua và ngỏ ý muốn sở hữu cây sanh nhưng ông Dương đều từ chối vì ông trót xem cây như người bạn "tri kỷ" của mình muốn chăm sóc cây lâu dài hơn.
Dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân, cây sanh đồ sộ ngoài tự nhiên trở nên mượt mà với dáng, thế mang ý nghĩa sâu sắc.
Cây sanh với tên gọi "Tự hào Việt Nam" có bố cục gần, xa, mảng khối đóng, mở, hình thành hệ thống chi thể kỳ diệu, hài hòa hợp lý.
Thân tán xòe rộng, đối xứng đẹp mắt; bộ gốc, rễ của cây nổi hẳn lên mặt đất và ôm chặt vào những hòn đá. Cây phân nhiều cành nhánh xum xuê, phát triển mạnh mẽ, cành và thân cây sinh ra những sóng gờ hoặc các khối u bướu đẹp mắt như một tác phẩm nghệ thuật bền vững với thời gian.
Khi mang cây đi triển lãm trưng bày, chủ nhân phải thuê người trông coi cây cẩn thận. Mục đích của ông Dương là mong muốn mọi người đều được chiêm ngưỡng tuyệt tác của tự nhiên chứ không phải phô trương nhằm "thổi giá" để bày bán cây.
Trước đó, cũng có canh sanh ở hội chợ triển lãm cây cảnh được khách tham quan trả giá cao nhưng chủ nhân cũng không gật đầu chuyển nhượng.
Theo báo Dân Việt, cây sanh cổ có tên “Cửu long tọa sơn” được đặt trong một bể mang nét đặc trưng vùng Quan họ Bắc Ninh thu hút nhiều người trong giới chơi cây cảnh chiêm ngưỡng. Đã có người trả 3 tỷ đồng nhưng chủ nhân không muốn bán, chỉ muốn giữ để chơi.
Cây sanh “Cửu long tọa sơn” lôi cuốn bởi hình thế bố cục, tạo hình công phu nhưng nhìn rất tự nhiên, không giống bất cứ một cây sanh nào ở Việt Nam nên ngắm mãi không chán.
Trúc Chi (t/h)