Lớp học “Ngọc Tâm thủy tinh” dạy miễn phí cho các em nhỏ suốt 17 năm qua - Ảnh: HÀ THANH
"Không quan trọng mình sống bao lâu, quan trọng mình sống sâu và ý nghĩa như thế nào.
NGUYỄN THỊ NGỌC TÂM
Miệt mài suốt 17 năm qua, lớp học "5 không": không phấn, không bảng, không bục giảng, không học phí, không giáo án" đã giúp đỡ rất nhiều em nhỏ biết đọc, biết viết, theo kịp bài giảng trên lớp.
"Bác sĩ nói bệnh này khó lắm, chưa chắc qua được 30 tuổi. Nhưng 30 tuổi tôi đã vượt qua và năm nay bước sang tuổi 31 vẫn vui vẻ sống. Làm sao để những ngày sống trên đời là những ngày vui nhất, để khi mọi người nhắc lại về Ngọc Tâm "thủy tinh" sẽ là một cô bé vui vẻ, lạc quan, yêu đời".
Biết đọc, biết viết đến ước mơ làm cô giáo
Với tâm niệm ấy, suốt 17 năm qua, chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm, 31 tuổi, ở Nam Định đã mở lớp học miễn phí cho các em nhỏ cấp I, cấp II. Nay hễ đến đầu làng hỏi về lớp học, người làng Yên Quang (Ý Yên, Nam Định) sẵn sàng chỉ đường về đến tận cửa lớp.
Ngày mới sinh, một chân của Tâm bị quặt lên bụng, bác sĩ chẩn đoán chị mắc phải căn bệnh xương thủy tinh. Ngày ấy, gia đình chưa ai hình dung được căn bệnh này ra sao, chỉ biết Tâm bị gãy chân liên tục, chỉ cần ngồi hơi lệch tư thế một chút thôi cũng có thể gãy xương. Xương vỡ rồi lại lành, rồi lại bó bột.
"Có lẽ số lần gãy xương còn lớn hơn số tuổi của mình" - chị hóm hỉnh - "1, 2, 3, 4 còn đếm được chứ nhiều quá cũng không thể đếm hết được đâu".
Nhìn bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, Tâm khát khao được đi học nhưng hầu hết thời gian đều gắn chặt với bệnh viện, việc học đành gác lại. Đến năm 8 tuổi, Tâm mới chính thức bước vào lớp 1.
"Ông ngoại cho mình đi học, mong muốn cho cháu biết đọc, biết viết. Được đến lớp học, nhìn thấy cô giáo đứng trên bục giảng, mình ước ao sau này có thể làm cô giáo đứng trên bục giảng như vậy", chị nhớ lại khát khao ngày trước.
Nhưng một lần nữa việc học lại dở dang, học hết lớp 9 Tâm phải nghỉ học bởi đường đến trường gồ ghề, lại quá xa vượt sức khỏe của chị. "Nhưng không đến trường được không đồng nghĩa với dừng ước mơ", Tâm quả quyết.
Ngày trước ở lớp Tâm học khá giỏi, thường kèm thêm cho các bạn theo kịp bài vở. Nay nghỉ học nhưng phụ huynh tiếp tục nhờ chị hướng dẫn các em nhỏ trong làng.
Ban đầu chỉ 1 - 2 bạn, dần dần tiếng lành đồn xa, người làng Yên Quang tin tưởng đưa con cái đến nhà nhờ "cô Tâm", "chị Tâm" hướng dẫn, có thời điểm sĩ số lớp lên đến 29 - 30 em nhỏ từ 5 tuổi đến học sinh lớp 7, lớp 8.
Ở lớp học Ngọc Tâm "thủy tinh", cô giáo nhỏ xíu ngồi trên chiếc ghế gỗ con, xung quanh là những mái đầu trẻ chụm vào nhau, em làm toán, em làm văn, có em nhỏ tập đọc tập viết.
Lớp "đa độ tuổi, đa môn học", Tâm dí dỏm nói có khi đang chữa bài tập toán lớp này nhưng phải chuyển sang dạy văn là chuyện bình thường. Điều này đòi hỏi chị phải biết sắp xếp, phân chia các nhóm bạn nhỏ làm bài, học bài với nhau để tránh bị xao nhãng trong quá trình học.
"Có thể vì lớp học đặc biệt, thấy cô giáo cũng hơi khác với các cô giáo khác nên các bạn rất nghe lời. Trong quá trình dạy, ngoài những đợt thi học kỳ phải tập trung ôn luyện, mình cũng kết hợp giữa việc học và việc chơi, thông qua gắn kết các hoạt động để các em thấy thoải mái hơn", Tâm bộc bạch.
Hạnh phúc đến từ điều giản đơn
Rất nhiều em nhỏ đã trưởng thành từ lớp học này, nhưng Tâm nhớ nhất là trường hợp dạy cho một em nhỏ gặp vấn đề về trí tuệ. Một lần tình cờ xem tivi lắng nghe được câu chuyện của cô Tâm "thủy tinh", người mẹ đã đem con đến lớp xin cô giáo hướng dẫn.
Ngày mới vào lớp đứa trẻ ấy không nhận biết được mặt chữ, chị phải thiết kế riêng từng chữ cái cho em tập nhận biết dần dần. Chỉ sau 1 năm học theo phương pháp này, em đã học thuộc hết bảng chữ cái trong khi trước đây không thể nhớ, không thể thuộc.
Chị bộc bạch: "Mỗi một buổi học đều để lại cho mình những ấn tượng khác nhau. Niềm vui của mình khi kèm cho các bạn nhỏ đơn giản lắm, như hôm nay các con khoe học được bài, kể những câu chuyện ở trường lớp rất đỗi thân thương".
Suốt 1 năm theo học ở lớp, em Phạm Khánh Linh, học sinh lớp 3, chia sẻ: "Con thấy cô Tâm dạy giỏi, cô rất lương thiện, cho chúng con vừa chơi vừa học. Con muốn chúc cô Tâm mạnh khỏe, sớm hết bệnh".
Với căn bệnh xương thủy tinh, một năm suốt 365 ngày đều phải nhờ đến thuốc, Tâm dí dỏm nói "lục phủ ngũ tạng nay hỏng hết rồi".
Sở hữu cân nặng "bền vững" 15kg, trước kia có thể nằm thẳng nhưng nhiều năm gần đây cột sống đưa hẳn về một bên, lại mắc thêm căn bệnh viêm phế quản mãn tính nên chị không nằm xuống được. Mỗi ngày chị chỉ có thể nằm úp mặt xuống gối để ngủ những lúc khỏe, còn hầu hết ngủ trong tư thế ngồi.
Nay thì ở lớp các bạn nhỏ đã quen với việc cô giáo tiêm thuốc, còn lấy thuốc cho cô giáo uống. Có những hôm ốm nặng bác sĩ đến tận nhà vừa tiêm xuống xong là thấy chị tiếp tục giảng dạy. "Khi nào mình còn có thể nói được, các học sinh còn yêu mến, cần đến cô Tâm thì mình sẽ tiếp tục kèm cho các bạn học sinh" - chị Tâm quả quyết.
Năm 2020, với nỗ lực đóng góp cho cộng đồng, Nguyễn Thị Ngọc Tâm được vinh danh là một trong 10 gương mặt nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia.
"Nếu con phải ra đi, xin mẹ đừng khóc"
Ở ngoài cửa lớp, chốc chốc bà Nguyễn Thanh Sự (60 tuổi, mẹ của Tâm) đứng bên cửa sổ ngó nghiêng để hỗ trợ con gái khi cần kíp. Bà từng là cán bộ văn thư của một trường cao đẳng nhưng xin nghỉ việc từ lúc sinh con gái.
Suốt 31 năm qua, người mẹ ấy luôn dõi ánh mắt về phía con gái, khéo léo tay bồng tay bế hỗ trợ con di chuyển, đồng hành với con từ đó đến nay.
"Bây giờ thì nhiều kinh nghiệm bởi nhiều cú sốc lắm rồi", ánh mắt người mẹ vẫn dõi về hướng con gái. Bà thừa nhận nếu nói không vất vả thì không đúng, bởi con gái bà vẫn như đứa trẻ cần mẹ chăm bẵm nhưng "như nước lũ dâng lên, buộc phải nghĩ cách dâng theo nước lũ".
Bà giãi bày chưa bao giờ làm sinh nhật cho con gái bởi với căn bệnh này đã định sẵn dấu mốc "thượng thọ 30". Nhưng thấy con gái không quản bệnh tật mà vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn làm việc có ích cho đời, bà ủng hộ mọi quyết định của con.
"Tâm từng nói với tôi: "Cuộc đời đã định sẵn cho con, nếu con có phải ra đi xin mẹ đừng khóc. Tôi nghĩ điều gì đến sẽ đến, đau nhiều, vết đau chai sạn rồi. Tôi xác định bệnh của con có thể ra đi bất cứ lúc nào, chỉ cần nhìn thấy con sống vui là mẹ mãn nguyện", bà Sự tâm niệm.
TTO - Suốt 16 năm qua, cô gái xương thủy tinh Ngọc Tâm không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua nghịch cảnh, đồng thời mở lớp dạy học miễn phí cho các em học sinh.
Xem thêm: mth.28761129080501202-hnit-yuht-mat-oc/nv.ertiout