Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) cho hay, vừa hoàn tất dự thảo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đồng thời cũng đang hoàn tất, lấy ý kiến dự thảo tờ trình để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua bản chiến lược này.
Kéo giảm nhiều chỉ tiêu đáng chú ý
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 6.5 cho hay, toàn bộ dự thảo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo chiến lược) và dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ đang được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các bộ, ngành, tổ chức và cá nhân trước khi hoàn thiện trình lên Chính phủ.
Qua 8 năm triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 9.2012, nhận thức của người dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trong số này, một số mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chính của Chiến lược thời kỳ 2011-2020 đạt được kết quả khả quan như: Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỉ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỉ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; dư nợ tín dụng xanh đạt gần 238.000 tỉ đồng năm 2018 (tăng 235% so với năm 2015).
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Bộ KHĐT, chiến lược 2011-2020 vẫn còn tồn tại một số hạn chế, rõ nhất là chưa có sự phân biệt rõ ràng về khái niệm, mục tiêu, nhiệm vụ giữa chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với các chiến lược khác có liên quan.
Một số giải pháp trong chiến lược 2011-2020 còn chưa xác định được trọng tâm ưu tiên nên gặp khó khăn trong triển khai, theo dõi, giám sát và đánh giá. Do đó, cần xây dựng chiến lược cho giai đoạn mới để thay thế Chiến lược 2011-2020 đã hết hiệu lực, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn trước.
Nâng tỉ trọng kinh tế số lên 30-50%
Từ thực tế trên, trong dự thảo Chiến lược 2021-2030, cơ quan soạn thảo Bộ KHĐT đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu có cập nhật những yếu tố ảnh hưởng mới, đảm bảo tính đồng bộ và tương hỗ với các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính.
Nhiều mục tiêu đáng chú ý gồm: Đến năm 2030, giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP từ 10-15% so với năm 2014; tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP đến năm 2030 giảm từ 1,0 - 1,5%/năm; tỉ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20%.
Đáng chú ý, bên cạnh việc bổ sung nhiều quan điểm, mục tiêu, nội dung mới so với chiến lược giai đoạn trước như khoa học công nghệ và chuyển đổi số, dự thảo chiến lược đặt mục tiêu nâng tỉ trọng kinh tế số trong GDP cả nước tăng từ 30% vào năm 2030 lên 50% đến năm 2050.
Tỉ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao trong tổng xuất khẩu đạt vào năm 2050 cũng sẽ đạt trên 80%.
Với mục tiêu này, dự thảo chiến lược đưa ra hàng loạt giải pháp về khoa học công nghệ và chuyển đổi số như đẩy mạnh số hóa hệ thống dữ liệu, ứng dụng các hệ thống thông tin số trong quản lý thực hiện, giám sát, đánh giá nhằm thúc đẩy hoạt động xanh hóa các ngành kinh tế và tiêu dùng bền vững; Xây dựng Chính phủ số dựa trên phát triển công nghệ thông tin, hạ tầng số và chuyển đổi số để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công. Đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; xây dựng công dân số, đảm bảo công bằng trong tiếp cận các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ số.
Việc cập nhật các mục tiêu và chỉ tiêu tỉ trọng kinh tế số trong GDP xuất hiện trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được đánh giá là sự cập nhật kịp thời và phản ánh các xu thế cũng như bối cảnh trong nước và quốc tế mới.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Văn Trung, bối cảnh thế giới cho thấy tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu với nhiều sáng kiến và cam kết quốc tế, như các mục tiêu phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính.
Đồng thời những tiến bộ của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua cũng làm xuất hiện những xu thế mới như việc tăng đầu tư vào hoạt động sản xuất xanh và sản phẩm công nghệ cao, chính phủ số, đô thị thông minh.
Đặc biệt, trước nhu cầu phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng “phục hồi xanh” đang được nhiều quốc gia thúc đẩy trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Văn Trung cho rằng việc xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 là cần thiết, vừa nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2012-2020 vừa cập nhật và phản ánh xu thế và bối cảnh trong nước và quốc tế mới, như Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Xem thêm: odl.327609-pdg-gnort-it-05-meihc-es-os-et-hnik/et-hnik/nv.gnodoal