Một pha tuýt còi đến từ "trọng tài COVID-19", khi nhiều nền kinh tế và doanh nghiệp tưởng như đã sắp chiến thắng dịch bệnh, làn sóng lây nhiễm mới ập đến, cùng với biến thể nguy hiểm, cản trở mọi kế hoạch phục hồi.
Sau nhiều tháng yên bình, cộng với niềm tin khi có vaccine, không ngạc nhiên khi các nền kinh tế cho rằng đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tuy nhiên thực tế cho thấy, sự cẩn trọng khi đối phó với đại dịch mới là chiến lược tốt nhất đôi khi vẫn bị lãng quên.
90 hãng hàng không lên kế hoạch ra đời giữa đại dịch
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc ngành du lịch, bán lẻ, giải trí, dịch vụ, vốn là xương sống của rất nhiều nền kinh tế, đã bắt đầu bị ảnh hưởng trước tiên và lại đứng trước nguy cơ đóng cửa lâu dài, nhưng không phải ai cũng chịu khoanh tay chịu trói bởi dịch bệnh. Những kế hoạch phát triển lâu dài ngay giữa đại dịch vẫn được đưa ra, ví dụ như ngành hàng không.
Các tiếp viên của Avelo Airlines trên chuyến bay huấn luyện. (Ảnh: The Wall Street Journal)
Theo dữ liệu của hãng cho thuê máy bay Avolon, có trụ sở ở Dublin, Ireland, hơn 90 hãng bay mới sẽ gia nhập thị trường hàng không toàn cầu trong năm 2021, dù đại dịch COVID-19 vẫn đang kìm hãm nhu cầu đi lại.
Hầu hết các hãng hàng không trên đều hy vọng có thể tận dụng cơn khủng hoảng của ngành hàng không hiện nay để thuê và mua máy bay với mức giá rẻ, thâu tóm chỗ đậu máy bay tại các sân bay, tuyển dụng đội ngũ nhân sự bị sa thải.
Còn tại Singapore, nhiều khách sạn mới cũng đang chuẩn bị được khai trương trong năm nay, dù thị trường du lịch đang ế ẩm. Các doanh nghiệp tin tưởng rằng, đây là thời điểm tốt nhất để mở cửa khách sạn và sẵn sàng đón khách khi nhu cầu gia tăng trở lại sau 3 - 4 tháng tới.
Dù vậy, không phải ai cũng dám liều như vậy bởi tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu tới 70% vaccine toàn cầu, đe dọa tới việc phân phối vaccine.
New York (Mỹ) mở cửa trở lại các dịch vụ, hàng quán từ 19/5
Mới đây, chính quyền New York đã quyết định bắt đầu mở cửa trở lại các dịch vụ, hàng quán và tàu điện ngầm, sau 1 năm giãn cách phong tỏa, bắt đầu từ 19/5 này.
Theo đó, ngày 19/5, New York sẽ gỡ bỏ các hạn chế về số lượng đối với các dịch vụ và đến 1/7 sẽ mở lại tất cả các hoạt động.
Họ có những lý do để tự tin: Thứ nhất là số ca nhiễm mới đang giảm mạnh, từ hơn 4.000 ca/ngày cuối tháng 3, xuống hơn 1.000 ca hiện nay; Thứ hai là số lượng người tiêm vaccine đang tăng dần gần tới mốc mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng, đã có hơn một nửa người trưởng thành của thành phố này tiêm ít nhất 1 liều. Dự tính, với tốc độ hiện nay, tới 19/5 sẽ là hơn 60% và tới 1/7 là hơn 80%.
Tuy nhiên, mức độ rủi ro khi mở cửa cũng đã được chính quyền New York tính đến. Rủi ro nhất là có thể vì lý do nào đó, tốc độ tiêm bị chậm lại, không đạt được mục tiêu đề ra. Rủi ro thứ hai là có thể các biến thể mới sẽ làm giảm tác dụng của vaccine, tăng số ca nhiễm.
Để đề phòng, các dịch vụ dù được bỏ hạn chế về lượng người nhưng khi tham gia, người dân vẫn phải đeo khẩu trang, có vách ngăn. Một số dịch vụ yêu cầu người tham dự phải có chứng chỉ vaccine hoặc phiếu xét nghiệm gần nhất. Điều đáng chú ý, có sự thay đổi lớn về quan điểm với khẩu trang của người dân New York.
New York (Mỹ) quyết định bắt đầu mở cửa trở lại các dịch vụ, hàng quán sau 1 năm giãn cách phong tỏa, bắt đầu từ 19/5 .(Ảnh: The New York Times)
Dù được CDC khuyến cáo "đã tiêm đủ vaccine thì không cần đeo khẩu trang khi ra ngoài", nhưng theo ghi nhận hầu hết mọi người vẫn đeo. Nhiều người nói, họ thấy an toàn hơn khi có khẩu trang, dù đã tiêm vaccine.
Để thúc đẩy việc tiêm vaccine, thành phố này đã cho lắp nhiều tấm bảng khẳng định vaccine là khoa học và an toàn. Những chiếc xe bus vaccine được điều tới từng ngõ ngách của thành phố để phục vụ những người gặp khó khi đặt lịch tiêm. Đáng chú ý, khách du lịch tới New York hiện có thể được tiêm miễn phí.
Còn tại châu Âu, số ca lây nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục tăng bất chấp các nỗ lực phòng dịch và 3, 4 tháng triển khai tiêm chủng. Phải quản lý khủng hoảng này như thế nào? Nếu coi virus như một sự kiện đặc biệt, hy vọng, chờ đợi sẽ đến lúc nó chấm dứt hoàn toàn, thì nền kinh tế lại bị bóp nghẹt.
Bỉ chuyển quản lý khủng hoảng sang quản lý rủi ro
Tại vương quốc Bỉ, một nhóm các nhà dịch tễ học đã đề xuất từ bỏ chiến lược quản lý khủng hoảng để chuyển sang áp dụng chiến lược quản lý rủi ro, nhằm vực dậy các ngành dịch vụ đang tê liệt vì phong tỏa chống dịch.
Hơn nửa năm nay, các quán ăn ở Bỉ không được cho khách ngồi lại, kể cả quán có chỗ ngồi bên ngoài, hoặc có sân vườn phía sau. Tình hình hiện nay vẫn là phong tỏa thì dịch lắng xuống, nhưng cứ hễ cho mở lại thì dịch lại tăng. Không biết tới khi nào mới hết cảnh này, sự kiên nhẫn giảm dần. Các doanh nghiệp không muốn cứ nay được mở, mai không biết chừng lại phải đóng, luôn trong cảnh bấp bênh.
Hơn nửa năm nay, các quán ăn ở Bỉ không được cho khách ngồi lại. (Ảnh minh họa: Reuters)
"Chúng tôi được phép mở cửa trở lại từ tháng 6/2020, sau 3 tháng phong tỏa. Thế nhưng đến tháng 10, tất cả các nhà hàng lại phải đóng cửa. Từ ngày 8/5 tới đây, nhà hàng nào có không gian bên ngoài sẽ được kê bàn cho khách ngồi ăn ngoài trời, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết chính xác sẽ phải theo những điều kiện nào và khoảng giờ nào trong ngày thì các quán mới được đón khách", ông Huibrecht Berends, Chủ nhà hàng BUN Bar & Restaurant, chia sẻ.
Tại trung tâm thành phố Anvers, đa số các quán chọn cách đóng cửa từ tháng 10/2020. Không chỉ hàng ăn và quán cà phê, mọi ngành dịch vụ tiếp xúc khách hàng cự ly gần, cắt tóc, sửa móng, phòng tập, khách sạn, nhà hát, bảo tàng… đều phải đóng cửa.
Một ý tưởng mới được nêu lên ở Bỉ, nếu COVID-19 không bao giờ kết thúc, biến chủng nọ nối tiếp biến chủng kia, thì liệu có nên thỉnh thoảng lại phải quyết ngành nào phải đóng cửa, ngành nào được mở, hay cơ sở nào đảm bảo an toàn phòng dịch thì cho mở, bất kể cung cấp dịch vụ gì.
"Lấy ví dụ tiêu chuẩn phòng cháy. Không một cửa hàng ở Bỉ được phép mở cửa, nếu lính cứu hỏa chưa đến thanh sát và xác nhận rằng cửa hàng ấy đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn, tức là việc đánh giá rủi ro và kiểm tra định kỳ một địa điểm cụ thể không phải là điều gì đó mới mẻ. Vậy chỉ cần áp dụng cách làm tương tự đối với an toàn dịch tễ là được", ông Marius Gilbert, chuyên gia dịch tễ, Đại học Tổng hợp Brussel, cho hay.
Ý tưởng mới có thể giúp ngành dịch vụ hồi sinh, bất kể dịch bệnh lên xuống ra sao. Mỗi cửa hàng sẽ phải đầu tư thêm cho hệ thống thông gió, lọc gió, ngăn cách, tẩy trùng, theo một bộ tiêu chuẩn nào đó, và sẽ được cấp chứng nhận "An toàn COVID-19", mở cửa kinh doanh. Ý tưởng thay quản lý khủng hoảng bằng quản lý rủi ro đang dần dần trở thành hiện thực. Vương quốc Bỉ đang tiến hành thử nghiệm mô hình tại nhiều địa điểm khác nhau.
Mỗi quốc gia đều đang có những chiến lược riêng của mình để có thể vượt qua đại dịch một cách ít ảnh hưởng tới nền kinh tế nhất. Các chính phủ vẫn luôn cố gắng đi bằng cả 2 chân, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, vừa tránh tối đa tổn thương kinh tế. Tuy nhiên, cái giá phải trả nếu như chúng ta bất cẩn là quá đắt, và những tấm gương không ở đâu xa, mà ở ngay các quốc gia châu Á.
VTV.vn - Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) vừa công bố các biện pháp cơ cấu lại các khoản vay, qua đó giúp các ngân hàng giảm thiểu nguy cơ gia tăng nợ xấu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!