Tuần qua, giá đồng vừa lập kỷ lục cao nhất mọi thời đại. Giá đã tăng gấp đôi trong năm vừa qua và đà tăng giá điên cuồng đó vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Lần gần nhất giá đồng lập kỷ lục là năm 2011, ở gần đỉnh của siêu chu kỳ trên thị trường hàng hoá được thổi bùng lên bởi hiện tượng kinh tế Trung Quốc trỗi dậy và xuất hiện nhu cầu khổng lồ về nguyên vật liệu thô.
Lần này, nhà đầu tư đặt cược vào vị trí quan trọng bậc nhất của đồng trong xu hướng thế giới dịch chuyển sang sử dụng năng lượng xanh. Hôm qua giá đồng tương lai tăng lên mức 10.440 USD/tấn.
Tiềm năng của đồng
Trong lịch sử nhân loại, đồng đóng vai trò quan trọng trong nhiều bước tiến vĩ đại nhất: từ hệ thống tiền tệ nguyên thuỷ cho đến hệ thống ống nước hiện đại, từ những phát minh như xe lửa, máy bay và ô tô cho đến những thiết bị và mạng lưới phục vụ thời đại internet.
Thứ kim loại màu nâu đỏ hầu như không bị cạnh tranh vị trí chất dẫn điện và dẫn nhiệt. Đồng cũng bền và dễ xử lý. Ngày nay, nó được sử dụng trong mọi ngõ ngách của các ngành công nghiệp nặng, xây dựng và sản xuất. Đồng được coi là chỉ báo tin cậy cho nhiều xu hướng của kinh tế toàn cầu.
Thị trường đồng là một trong những thị trường phản ứng đầu tiên khi Covid-19 xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán. Từ tháng 1 đến tháng 3 năm ngoái giá đã giảm hơn 25%. Sau đó khi Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp chưa từng có tiền lệ để kiểm soát dịch bệnh trong nước và bắt đầu thu được kết quả, giá đã nhanh chóng phục hồi.
Tuy nhiên Trung Quốc không phải là nguyên nhân duy nhất đẩy đồng tăng giá. Dù nước này chiếm một nửa lượng đồng tiêu thụ trên toàn thế giới và là nguyên nhân chính, thực ra nhu cầu của thị trường Trung Quốc đã giảm nhẹ trong năm 2021. Dẫu vậy giá vẫn tăng.
Tại sao đồng tăng giá ở thời điểm hiện tại?
Một phần là nhờ những dấu hiệu phục hồi của các nền kinh tế công nghiệp lớn. Sản lượng công nghiệp của Mỹ, Đức và Nhật Bản đều đang tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên các nhà đầu tư đổ xô đầu tư vào đồng vì đặt cược rằng các nỗ lực cắt giảm khí thải carbon trên toàn cầu sẽ dẫn đến thế giới cần đến rất nhiều đồng, khiến nguồn cung bị thiếu hụt. Mất nhiều thời gian để tìm ra mỏ mới, vì nguồn tài nguyên là hữu hạn và chi phí khai thác cũng tăng lên.
Xe điện sử dụng lượng đồng cao gấp 4 lần so với xe truyền thống, và các trạm sạc bên đường cần rất nhiều đồng. Để truyền tải điện từ những trang trại điện gió ngoài khơi vào mạng lưới quốc gia tốn rất nhiều đồng.
Các chính phủ trên toàn thế giới đã thông báo nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng rất táo bạo, trong đó có nhiều dự án xây dựng và năng lượng sạch.
Những thứ làm từ đồng sẽ trở nên đắt đỏ?
Tất nhiên. Vài tháng gần đây, nhiều nhà sản xuất lớn đã tăng giá điều hoà và tủ lạnh. Họ cảnh báo giá sẽ còn tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, chỉ có một lượng nhỏ hàng hoá tiêu dùng sử dụng đồng, và vì thế không giống như các loại thực phẩm hay giá xăng dầu, dù đồng tăng giá gấp đôi trong năm vừa qua nhưng gần như người tiêu dùng không bị ảnh hưởng. Tương tự, các chính phủ không quá lo lắng nếu chỉ đồng tăng giá.
Nhưng với nhiều loại nguyên vật liệu thô khác đang đồng loạt tăng giá, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy câu chuyện sẽ khác.
Điều này có ý nghĩa gì với nền kinh tế?
Nhiều người lo ngại mọi thứ đều tăng giá sẽ buộc các NHTW phải hành động để ngăn chặn lạm phát vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Ở chiều ngược lại, đà hồi phục kinh tế đã thúc đẩy thị trường hàng hoá trong thời gian vừa qua có thể dần nguội lạnh vì các doanh nghiệp phải chịu lãi suất cao hơn, lợi nhuận biên mỏng đi và nhu cầu từ người tiêu dùng giảm sút. Câu hỏi chủ chốt dành cho các nhà quản lý chính sách tại Cục dự trữ liên bang (Fed) và cả các trader trên phố Wall là đà tăng giá chỉ là tạm thời hay sẽ kéo dài.
Bong bóng sẽ xì hơi?
Trong trường hợp của đồng, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu ngắn hạn đang bắt đầu hạ nhiệt, đặc biệt là ở Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích và trader nhận định giá sẽ không được điều chỉnh bởi những yếu tố cơ bản ở thời điểm hiện tại.
Các nhà hoạch định chính sách cho rằng đà tăng giá sẽ sớm kết thúc, vì người tiêu dung sẽ tập trung chi tiêu cho dịch vụ và các trải nghiệm khi nền kinh tế mở cửa trở lại, làm giảm nhu cầu về các hàng hoá sử dụng nhiều nguyên vật liệu thô như xây ngôi nhà thứ 2 hay đồ điện, điện tử.
Tuy nhiên đối với đồng thì không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu ở thời điểm hiện tại. Đó là dự đoán về nhu cầu đồng cho các cơ sở hạ tầng phục vụ xe điện và năng lượng xanh. Khi dự đoán này trở thành hiện thực, nhu cầu đồng ở những thị trường như Đức và Mỹ sẽ rất khác.
Giá đồng có thể tăng cao đến đâu?
Trafigura Group, công ty giao dịch đồng lớn nhất thế giới, và Goldman Sachs đều dự báo giá có thể chạm mốc 15.000 USD trong vài năm tới. Bank of America đưa ra con số 20.000 USD nếu nguồn cung có vấn đề.
Bản thân thị trường đồng cũng đang đứng trước bước ngoặt lớn. Trafigura dự báo tăng trưởng nhu cầu ở Trung Quốc sẽ sớm bị các thị trường khác vượt qua trong thập kỷ tới. Điều đó có thể tạo ra 1 siêu chu kỳ mới trên thị trường đồng, đẩy giá tang cao trong nhiều năm.
Tham khảo Bloomberg
Xem thêm: nhc.52503808180501202-tov-gnat-gnod-aig-gnout-neih-am-iaig/nv.fefac