Đài CNN ngày 8-5 đưa tin mảnh vỡ quả tên lửa lớn của Trung Quốc được dự kiến sẽ rơi trở lại bầu khí quyển vào ngày 9-5, gây ra một làn sóng lo ngại về việc các mảnh vỡ này có thể tác động đến một nơi nào đó trên Trái đất.
Theo người pháp ngôn Lầu Năm Góc Mike Howard, mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B, với chiều dài hơn 30m và trọng lượng 22 tấn, dự kiến sẽ rơi trở lại bầu khí quyển "vào khoảng ngày 9-5”, đồng thời cho biết thêm rằng Bộ Tư lệnh không gian Mỹ đang theo dõi sát sao quỹ đạo của tên lửa.
Sử dụng dữ liệu từ quân đội Mỹ, hãng Space Track dự đoán các mảnh vỡ của tên lửa này sẽ rơi xuống vào khoảng 1 giờ 4 phút cho đến 3 giờ 4 phút sáng ngày 9-5 (theo giờ quốc tế).
Space Track cũng lưu ý vì không thể xác định được đúng thời điểm rơi nên việc định vị điểm rơi của các mảnh vỡ trên là rất khó khăn, song khẳng định sẽ liên tục cập nhật vị trí xác tên lửa qua trang web của hãng.
Tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc. Ảnh: CNN
"Rủi ro có thể xảy ra, sẽ có một số thiệt hại nhưng khá nhỏ, không phải là không đáng kể, nhưng khả năng ảnh hưởng đến con người là cực kỳ nhỏ" - nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell thuộc trường Đại học Harvard (Mỹ), nhận định.
Cơ quan Giám sát và Theo dõi Không gian châu Âu (EU SST) đã dự đoán "vùng rủi ro" bao gồm "bất kỳ phần nào của bề mặt Trái đất, bao gồm hầu như toàn bộ châu Mỹ, châu Phi và châu Úc, các phần ở phía nam châu Á (Nhật Bản) và châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Hy Lạp".
Sở dĩ phạm vi ảnh hưởng của các mảnh vỡ rộng lớn như vậy là kết quả của tốc độ rơi chóng mặt của mảnh vỡ tên lửa, ngay cả những ảnh hưởng nhỏ trong quá trình rơi cũng có thể thay đổi đáng kể quỹ đạo của nó.
"Chúng tôi dự đoán mảnh vỡ sẽ xuất hiện trở lại vào khoảng giữa ngày 8 và ngày 10-5" - ông McDowell nói.
Tuy nhiên, theo lời giải thích của nhà vật lý thiên văn Đại học Harvard, đại dương vẫn là nơi đặt cược an toàn nhất để các mảnh vỡ hạ cánh, vì các vùng biển chiếm tới 70% diện tích bề mặt Trái đất.
Trung Quốc phóng module lõi của trạm không gian lên vũ trụ thành công bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B, ngày 29-4. Ảnh: REUTERS
Trước đó, vào ngày 7-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định rằng hầu hết các mảnh vỡ từ tên lửa sẽ bốc cháy khi rơi xuống Trái Đất và ít có khả năng gây ra bất kỳ tổn hại nào, CNN cho hay.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh rất chú trọng tới việc đưa tầng trên của tên lửa trở lại bầu khí quyển: "Theo những gì tôi biết, loại tên lửa này sử dụng thiết kế đặc biệt. Phần lớn tên lửa sẽ bị đốt cháy và bị phá hủy trong quá trình trở lại bầu khí quyển".
Chính quyền Bắc Kinh cũng chỉ trích rằng thông tin bộ phận tên lửa rơi mất kiểm soát và có thể gây hại là sự phóng đại của phương Tây. Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định tình hình không có gì đáng lo ngại.
Mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc được dự kiến sẽ rơi xuống Trái đất vào ngày 9-5. Ảnh: CNN
Trước đó, vào ngày 29-4, Trung Quốc đã phóng module lõi có tên gọi Thiên Hòa của trạm không gian lên vũ trụ thành công bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B từ Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam.
Đây là một trong những bước để nước này hoàn thành nhiệm vụ thiết lập trạm vũ trụ riêng, một nỗ lực quan trọng trong kế hoạch làm chủ không gian, thăm dò Mặt Trăng, thậm chí là cả Sao Hỏa của Trung Quốc.
Nhưng thay vì rơi xuống địa điểm đã định trước trên biển như các tên lửa trước đây, tầng trung tâm của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B bắt đầu xoay quanh địa cầu trong tình trạng mất kiểm soát, theo CNN.
Việc các mảnh vỡ từ các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc rơi xuống Trái đất không phải là hiếm ở Trung Quốc. Vào tháng 5-2020, tầng lõi của tên lửa Trường Chinh 5B đầu tiên đã rơi xuống Bờ Biển Ngà, làm hư hại một số tòa nhà, may mắn không gây ra thương tích nào.