Được vinh danh luôn là vinh dự với nhiều người, đặc biệt là nông dân vốn chẳng được mấy khi nhắc đến dù họ làm ra bao sản phẩm nuôi sống con người.
Cuộc thi do Tập đoàn UCC Nhật Bản tổ chức trên toàn cầu, nhằm tìm kiếm và hỗ trợ nông dân sản xuất cà phê đặc sản chất lượng cao. Khi đoạt giải, nông dân Việt Nam được đứng chung với nông dân của nhiều nước hàng đầu về cà phê để tự giới thiệu "tôi đến từ Việt Nam".
Chị Lê Thị Chung, nhận giải nhất của năm nay, nói: "Mình càng tự tin vào cách mình đang làm và đã theo đuổi. Nhiều người muốn mình tập trung cho sản lượng, nhưng mình chỉ muốn làm để có chất lượng tốt nhất mà mình hiểu. Và mình đã có thành quả thật bất ngờ".
Chuyện vinh danh nông dân đã từng được người Nhật thực hiện. Năm 2014, khi những nông dân làng Kawakami (Nagano, Nhật Bản) đến Việt Nam để cùng trồng xà lách Mỹ với nông dân Đà Lạt, ông Sengoku Yoshito (khi đó là phó chủ tịch Đảng Dân chủ, nguyên phó chánh Văn phòng Nội các Chính phủ Nhật Bản) nói "nông dân của chúng tôi phải có danh phận dù ở bất kỳ nơi đâu. Sự nghiệp làm nông trông chờ cả vào họ".
Bao lâu nay, chúng ta nói nhiều về nông nghiệp, đầu ra cho nông sản, những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nghìn tỉ, về liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Gần đây nhất, ngành nông nghiệp hay nói về chuỗi giá trị.
Nhưng ngẫm lại mới thấy người nông dân gần như vô danh trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Họ - không tên tuổi trên những hạt lúa đã ra toàn cầu.
Họ - biệt tăm trên những gói rau củ quả được bày biện đẹp trên những quầy hàng siêu thị. Thậm chí ở giữa chợ nhỏ lao xao, nông dân cũng vô hình. Họ là ai trong khi nông sản là kết tinh mồ hôi công sức, giá trị điền sản của họ?
Không giá trị tưởng thưởng, ai có thể làm tốt phần việc của mình? Ai sẽ phấn đấu vì chè, gạo ngon, rau sạch, cà phê hảo hạng?… Sẽ không ai hết, sự vô danh sẽ đẩy nông dân trôi dạt đến những giá trị khác có khi là phù phiếm.
Điều ấy đã và đang xảy ra, nhất là khi việc bán một lô đất nông nghiệp tiên tổ để lại thu về số tiền bằng lợi nhuận tích cóp từ nhiều đời làm nông. Nghèo, không danh phận sẽ làm cuộc đời nông dân khó khăn, kéo theo những hệ lụy không thể cứu vãn cho ngành nông nghiệp.
Đã đến lúc ngành nông nghiệp phải trao cho nông dân, những người nắm giá trị cốt lõi của nông nghiệp, một danh phận.
Đó không chỉ là tên, hình ảnh... mà phải làm thế nào để sản phẩm của họ không bị rẻ rúng trên thị trường.
Nông dân không trở thành những "công nhân" đang gia công trên những "công xưởng" ruộng đồng. Nông nghiệp Việt Nam phải đạt được những giá trị tương xứng với tài nguyên vàng của quốc gia.
TTO - Cà phê của nông dân Đà Lạt đoạt giải tại Cuộc thi tuyển chọn chất lượng cà phê Việt Nam 2021 được chế biến để bán đi khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, trên bao bì có in quốc kỳ Việt Nam cùng tên nông hộ trồng cà phê đoạt giải.
Xem thêm: mth.20174958090501202-gnon-ahn-hnad-hniv/nv.ertiout