Trong phiên cuối tuần, giá dầu Brent tăng 19 US cent (0,3%) lên 68,28 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng tương tự lên 64,90 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, cả dầu Brent và WTI đều tăng hơn 1%, là tuần mạnh lên thứ 2 liên tiếp do Mỹ và Châu Âu tiếp tục nới lỏng những quy định về hạn chế đi lại để chống Covid-19, trong bối cảnh hoạt động của các nhà máy dần được khôi phục và chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu hồi phục.
Thị trường dầu mỏ đang trong giai đoạn có nhiều bất ổn, với những thông tin tích cực và tiêu cực đan xen nhau.
Trong tuần qua, giá dầu Brent đã thử vượt ngưỡng 70 USD/thùng vào ngày 5/5 nhưng không thành công.
Các nhà phân tích của Citi cho biết: "Việc triển khai vắc xin tiếp tục diễn ra và nhu cầu trong mùa Hè sẽ bùng nổ sau nhiều tháng bị dồn nén sẽ giữ cho giá dầu tiếp tục tăng".
Tồn kho dầu thô của Mỹ tuần qua giảm nhiều hơn so với dự kiến khi sản lượng lọc dầu và xuất khẩu dầu tăng mạnh. Theo Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ, tồn trữ dầu thô của nước này tuần qua giảm 8 triệu thùng, cao gấp gần 4 lần mức dự báo là giảm 2,3 triệu thùng qua kết quả thăm dò của Reuters.
Dữ liệu tồn trữ dầu thô của Mỹ
Song chiến lược gia trưởng phụ trách mảng thị trường của Blue Line Futures LLC ở Chicago, Phil Streible, thông tin với Bloomberg rằng thị trường dầu "đã có một đợt vận hành tốt, nhưng có vẻ đã tăng hơi quá", và "Giá đã chạm ngưỡng kháng cự nhưng không vượt qua được mà quay đầu giảm trở lại", nhưng khó để có thể thấy xu hướng nhu cầu dầu tăng trong mùa hẹ "bị trật đường ray" (giảm). Và bằng chứng là giá dầu tuần này vẫn tăng.
Tương tự, nhà phân tích cấp cao Edward Moya , của OANDA cho biết: "Giá dầu vẫn có tuần thứ hai liên tiếp đi lên, nhưng không có đủ cơ sở để thuyết phục các nhà kinh doanh năng lượng tin rằng giá dầu sẽ thoát khỏi phạm vi giao dịch hạn hẹp".
Tại Trung Quốc, dữ liệu cho thấy tăng trưởng xuất khẩu tháng 4 tăng đột biến, và kết quả khảo sát ở lĩnh vực tư nhân cho thấy hoạt động của lĩnh vực dịch vụ cũng mở rộng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô vào thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới này tháng 4 đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống 40,36 triệu tấn, tương đương 9,82 triệu thùng/ngày, là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Một bằng chứng nữa cho thấy nhu cầu dầu trên thế giới hồi phục phục không đồng đều khi số ca nhiễm Covid-19 mới ở Ấn Độ tiếp tục gia tăng làm giảm sức tiêu thụ ở nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới này.
Ấn Độ hôm 7/5 thông báo số ca nhiễm Covid-19 trong ngày tăng kỷ lục, thêm 414.188 trường hợp, trong khi số ca tử vong cũng tăng 3.915 người, theo dữ liệu của Bộ Y tế nước này.
Ngân hàng Commerzbank cho biết: "Những con số kỷ lục về các ca nhiễm mới ở Ấn Độ đang gây xôn xao dư luận và làm dấy lên lo ngại rằng nhu cầu có thể phục hồi chậm hơn.
Công ty tư vấn năng lượng FGE trong một thông báo gửi tới khách hàng của mình đã cho biết rằng sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ở những nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Thái Lan đang cản trở nhu cầu xăng dầu hồi phục, mặc dù nhu cầu ở một số quốc gia khác tăng lên, như ở Trung Quốc – nơi vừa có 5 ngày nghỉ lễ Quốc tế lao động với số người đi du lịch vượt xa mức của cùng kỳ năm 2019.
FGE cho biết: "Nhu cầu xăng dầu ở Mỹ và các khu vực của châu Âu đang hồi phục tương đối tốt", và "Nhìn xa hơn nữa, chúng ta có thể thấy nhu cầu sẽ tăng lên khi những chính sách phong tỏa chống Covid-19 được nới lỏng và nhu cầu bị dồn nén được giải phóng trong mùa lái xe - mùa Hè."
Tại Mỹ, số việc làm mới bất ngờ chậm lại vào tháng 4, khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nhân lực lao động, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang cố gắng đáp ứng nhu cầu hồi phục mạnh mẽ khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại.
Trong khi đó, Công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes Co cho biết số lượng giàn khoan dầu khí của nước này, một chỉ báo ban đầu về sản lượng trong tương lai, đã tăng 8 giàn lên 448 giàn trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Kể từ khi chạm mức thấp kỷ lục vào tháng 8, số lượng giàn khoan đã tăng dần nhưng mức tăng không nhiều, cùng với sự phục hồi của giá dầu.
Diễn biến sản lượng dầu của Mỹ
Sản lượng dầu mỏ của Nga cũng tăng dần theo hạn ngạch phân bổ của OPEC+. Theo đó, trong tháng 4 vừa qua, Nga đã sản xuất 42,81 triệu tấn dầu, tương đương 10,46 triệu thùng/ngày, tăng 1,9% so với tháng 3.
Từ tháng 2 đến tháng 4/2021, Nga và nước láng giềng Kazakhstan là những quốc gia duy nhất được phép tăng sản lượng theo thỏa thuận OPEC +, khi mà các thành viên khác giữ nguyên sản lượng, trong khi Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày.
Hạn dành cho Nga trong tháng 4 đã tăng 130.000 thùng/ngày, sau khi đã tăng 65.000 thùng/ngày trong tháng 2 và 3.
Và đặc biệt, một dấu hiệu nữa gây lo ngại giá dầu sắp tới có thể giảm, đó là việc Saudi Arabia mới đây thông báo hạ giá dầu bán cho các khách hàng tại những thị trường chính ở Châu Á cho tháng 6 tới, với mức giảm từ 10 đến 30 US cent mỗi thùng. Các chuyên gia cho rằng giá dầu Saudi Arabia bán cho Châu Á là một trong những chỉ báo dự báo giá dầu mỏ ngắn hạn.
Theo đó, mức cộng giá dầu Arab nhẹ - loại dầu xuất khẩu chủ chốt của Saudi Arabia – bán cho Châu Á kỳ hạn tháng 6 tới giảm xuống còn 1,7 USD/thùng, từ mức +1,8 USD của các hợp đồng kỳ hạn tháng 5 (giá so với hợp đồng tham chiếu quốc tế). Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020 Saudi Arabia giảm giá bán chính thức, báo hiệu sự suy yếu của thị trường dầu châu Á.
Giá bán dầu của Saudi Arabia sang thị trường Châu Á
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa thuyên giảm, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã nhiều lần kêu gọi các thành viên OPEC + thận trọng khi nới lỏng mức cắt giảm nguồn cung.
Tuy nhiên, hãng dầu mỏ quốc gia Saudi Arabia, Aramco mới đây đã điều chỉnh tăng giá bán dầu tới Mỹ lên mức +20 US cent (so với giá tham chiếu) đối với tất cả các loại dầu, trên cơ sở thị trường lao động Mỹ đang khởi sắc. Aramco cũng giảm giá bán dầu cho tất cả các đơn hàng đến Tây Bắc Châu Âu và Địa Trung Hải, nơi những nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế và giảm bớt tình trạng bế tắc đã mang lại kết quả trái chiều.
Tham khảo: Reuters, Bloomberg, Oilprice