vĐồng tin tức tài chính 365

EU sẽ ứng xử với AI như thế nào?

2021-05-09 12:56

EU sẽ ứng xử với AI như thế nào?

Trương Trọng Hiểu (*)

(KTSG) - Từ giữa trung tuần tháng 4, giới kỹ sư và kinh doanh công nghệ thêm một lần râm ran về số phận của các loại tài sản trí tuệ mới, đặc biệt là các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI), khi Ủy ban châu Âu chính thức công bố bản dự thảo quy chế pháp lý điều chỉnh hoạt động của AI để lấy ý kiến. Dù chưa được chính thức ban hành nhưng bản dự thảo cũng đã có thể “dẫn dắt” cách thức tiếp cận chung về cách ứng xử đối với AI trong tương lai.

AI đang ở đâu quanh ta?

Cuối năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tại các quầy hỗ trợ thông tin cho hành khách ở nhà ga trung tâm Yokohama, Kanagawa (Nhật Bản) người ta không còn có thể tìm thấy các cô hướng dẫn viên thân thiện như mọi ngày. Thay vào đó, để hỏi đường, hành khách trực tiếp “thoại” với một... màn hình, bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Anh. Đáp lại, các hướng dẫn hiện rõ trên màn hình và cuộc trao đổi cứ thế cứ tiếp tục nếu hành khách vẫn mong muốn duy trì.

Điều quan trọng là, sau vài lần thử nghiệm hỏi các cung đường đến một vài nơi như tôi đã từng hỏi trực tiếp với các nhân viên, phần đáp trả tôi nhận được luôn đạt mức trên cả mong đợi: nhanh chóng, chính xác, và đặc biệt là hạn chế được sự nhầm lẫn như một vài lần tôi đã gặp từ các thao tác... thủ công của nhân viên quầy hướng dẫn.

Điều quan trọng là, sau vài lần thử nghiệm hỏi các cung đường đến một vài nơi như tôi đã từng hỏi trực tiếp với các nhân viên, phần đáp trả tôi nhận được luôn đạt mức trên cả mong đợi.

Nhưng chắc cũng không cần mượn câu chuyện ở xứ sở hoa Anh đào xa xôi, chuyện AI cũng có thể được kể ngay trên mảnh đất bé nhỏ hình chữ S này. Với nhiều trang web bán hàng hay cung cấp dịch vụ trong nước, chỉ cần một cú nhấp chuột nhẹ nhàng hay một chữ “Hi” vừa thả vào hộp thoại, bạn đã nhận ngay một câu chào hỏi hay trả lời tự động của một cậu chàng hay cô nàng robot.

Không đẳng cấp như cô Siri trên iPhone mà nhiều người Việt cũng dần quen tìm đến để... tâm sự, cô nàng “Lucky” của một trang web nội địa nào đó cũng có thể duy trì cuộc thoại cơ bản trước khi chuyển máy cho nhân viên trực. Công nghệ AI ở Việt Nam vì vậy cũng đã dần phổ biến, đến nỗi vừa mới đây, chỉ vì lỡ tay bấm vào link của một show ca nhạc tổ chức tại Vũng Tàu trong chiều 30-4 tôi đã nhận ngay một lời chào đặt vé trong hộp tin nhắn.

Tất cả điều này là minh chứng cho những ưu trội của AI mà chính con người “thực” cũng khó theo kịp. Có thể, với văn hóa ưa thích giao tiếp trực tiếp, đặc biệt là việc tạo dựng hình ảnh con người Nhật Bản như một biểu tượng về văn hóa, người Nhật có thể quay trở lại... bỏ quên AI như cách mà họ lần lữa sử dụng công nghệ giao tiếp tự động này cho dù có sẵn công nghệ trong tay. Nhưng rõ ràng, khi các mục tiêu kinh tế được ưu tiên, AI khó có thể trở thành lựa chọn thứ yếu.

EU muốn ứng xử sao với AI?

Thực ra, bản quy chế được đệ trình của Ủy ban châu Âu nhận thức rõ tầm quan trọng lẫn những mối hiểm nguy có thể phát sinh của AI. Chính vì vậy, việc kiểm soát quá trình sử dụng và khai thác AI cũng tương tự những tranh cãi lâu nay trong cách thức kiểm soát của pháp luật về quyền đối với các loại tài sản trí tuệ khác: thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng khó lòng chấp nhận (độc quyền) tối đa của chủ sở hữu đối với tài sản đó.

Chính vì vậy, lần này, bản dự thảo quy chế của Ủy ban châu Âu khẳng định mong muốn tiệm cận một cơ chế quân bình (balanced) trong cách ứng xử với AI. Đặc biệt, quy chế phản ánh nỗ lực tìm kiếm giải pháp tương thích với các quy chế pháp lý hiện hành về công nghệ và quyền kinh doanh tự do. Trái lại, Luật về các mối liên hệ về đạo đức và nhân văn của AI cũng được đề cập cho những tiếp cận ngược lại.

Nhưng dù gì thì điểm nhấn quan trọng của quy chế cũng chính là phần quy định về các hoạt động AI bị ngăn cấm. Thậm chí, dù bảo toàn mục tiêu “kép”, quy chế còn đề cập đến những hệ thống AI hiểm nguy cao.

Nhóm thứ nhất hướng đến các hành vi có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các giá trị và nguyên tắc pháp lý cơ bản của Liên minh châu Âu. Các hệ thống AI dễ tác động xấu đến các nhóm đối tượng nhạy cảm như trẻ em, người khuyết tật cũng đã được liệt kê. Không bỏ qua các tiếp cận truyền thống, những hành vi xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng, quyền riêng tư và tự do lựa chọn của người dùng (trưởng thành) cũng thuộc nhóm này.

Nhóm thứ hai đề cập đến các hệ thống AI có thể gây ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của cá nhân, đặc biệt là có thể tạo ra mối nguy cao (high risk) đối với sức khoẻ lẫn sự an nguy của mỗi người. Vì không phải là nhóm bị ngăn cấm mặc nhiên, nên các chủ thể sở hữu vẫn có thể tiếp tục vận hành hệ thống AI của mình, tuy nhiên cần phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được đặt ra. Một trong những yêu cầu đó chính là cáo bạch và minh bạch hóa thông tin, cơ chế vận hành lẫn khả năng tác động của hệ thống. Thu thập, quản lý và sử dụng thông tin của người dùng cũng chính là một trong những nội dung cần được minh thị.

Để có thể thực thi quy chế pháp lý này, Ủy ban châu Âu dự định sẽ thành lập một Ủy ban về AI trong tương lai. Đương nhiên, vai trò kiểm soát của các quốc gia thành viên vẫn tiếp tục được duy trì, đặc biệt là các nhóm điều kiện tối thiểu áp dụng đối với các hệ thống AI có mối nguy hại cao.

Cơ chế tiền kiểm với nghĩa vụ thông báo về việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện cũng sẽ được đặt ra. Đây chính là nghĩa vụ mà các “big-tech” trên toàn cầu sẽ phải đối phó trong tương lai. Theo các nhà quan sát, không loại trừ một ai, cả Amazaon, Facebook hay Google... sắp tới đều phải vượt qua cửa ải này nếu muốn tiếp tục vận hành hệ thống AI của mình tại thị trường EU một khi quy chế này được thông qua.

AI tuyển dụng và đánh giá lao động: một góc nhìn mới

Nhiều ý kiến phân tích đặc biệt chú ý đến nhóm hệ thống AI được sử dụng cho việc chiêu mộ hoặc tuyển chọn lao động, đặc biệt là cho các trường hợp có thông báo tuyển dụng và việc tuyển dụng dựa trên kết quả phân loại, đánh giá ứng cử viên qua các bước phỏng vấn hoặc kiểm tra. Tương tự, nhóm hệ thống AI sử dụng cho quá trình giám sát, đánh giá chất lượng lao động xét cơ hội thăng tiến cũng được đề cập.

Trong nhiều diễn đàn, chúng ta đã từng lo ngại rằng, AI sẽ dần thay thế cho lao động của con người (tự nhiên/ thực) và trên thực tế điều ấy đang diễn ra ngày càng nhiều. Dự thảo quy chế có vẻ như tạo ra một niềm an ủi khả dĩ khi có thể kéo giảm sự xâm lấn này.

Theo giải pháp được đệ trình, nhóm hệ thống AI nói trên được xếp vào nhóm có mối nguy hại cao. Điều này có nghĩa, việc sử dụng hệ thống AI trong tuyển dụng và đánh giá chất lượng lao động sẽ bị hạn chế do phải đáp ứng những yêu cầu đặt ra.

Nhưng quan trọng là, cách tiếp cận này hàm ý rằng, không phải bao giờ AI cũng có thể dễ dàng thay thế được con người, nhất là trong các mối quan hệ đòi hỏi đến sự nhạy cảm và khả năng truy xét, ứng biến linh hoạt. AI có thể bảo đảm độ chính xác thông qua bộ lọc (filtered) dữ liệu nhưng AI sẽ khó có đủ sự tinh tế để nhìn vào không gian và bối cảnh lao động, công việc để ước lượng.

Vì vậy, rủi ro AI gạt bỏ những ứng cử viên “đặc biệt” hay tước đi cơ hội vinh danh của người lao động do không nhìn thấu không gian và bối cảnh đó là có. Về mặt con người, cơ hội việc làm lẫn quyền lợi đáng được thụ hưởng, AI có nguy hại cao khi đã xâm hại đến điều đó của cá nhân.

Tóm lại, dù không bị ngăn cấm tuyệt đối, đây là nhóm AI được... cảnh báo. Và đương nhiên, cũng tương tự với các vi phạm khác, mức phạt áp dụng khi chúng xảy ra có thể lên đến 20 triệu euro hoặc 4% doanh thu toàn cầu của hãng.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM).

Xem thêm: lmth.oan-eht-uhn-ia-iov-ux-gnu-es-ue/720613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“EU sẽ ứng xử với AI như thế nào?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools