Cánh đồng lúa chín chờ mùa gặt - Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG ĐỆ
Mùi khói, mùi lúa chín kéo tôi về với đồng đất quê ngoại, với những mùa gặt và nỗi háo hức chờ cúng cơm mới sau mỗi vụ mùa.
Nhà ngoại tôi ở làng Thanh Chiêm (huyện Điện Bàn, Quảng Nam), sống bằng nghề nông. Các cậu, các dì tôi, mẹ tôi sinh ra lớn lên trên đồng đất quê ngoại cũng sống bằng nghề bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Mẹ tôi tuy lấy chồng về phố, nhưng chỉ quen với cấy, hái, làm cỏ lúa nên cứ dăm bữa nửa tháng lại về quê ngoại chăm bón cho mấy sào ruộng ngoại để lại.
Học hết tiểu học ở trường làng, tôi theo mẹ về quê ngoại sống với cậu mợ để đi học. Cũng như cậu mợ, mẹ tôi và những bà con trong làng, tôi quen dần với việc thức khuya dậy sớm, quen với bếp rơm nấu cám cho bầy heo, quen với việc ngâm mạ, gieo mạ, rồi cấy lúa, làm cỏ đến khi gặt lúa về nhà.
Những nhọc nhằn sau mỗi vụ mùa như được đáp đền khi lúa đã vào bồ, rơm khô đã lên cây và bữa cúng cơm mới với những món ăn mà dẫu đi đến cùng trời cuối đất tôi cũng không thể quên được.
Nhà ngoại tôi đông con cháu, nên mỗi lần cúng cơm mới, cậu tôi đều dặn mợ tôi tráng nhiều mì. Và trước ngày cúng cơm mới, mợ tôi đổ lúa mới gặt ra xay để đem đi tráng mì lá về nấu mì Quảng và làm bánh cuốn nhân tôm. Đó là món chủ lực trong mâm cúng cơm mới ở nhà ngoại.
Mấy thúng nếp hạt vừa gặt sạch, phơi khô ở khoảnh ruộng mà cậu tôi dành riêng để trồng nếp cũng được mẹ tôi xay, giã và sàng sảy sạch sẽ. Mớ nếp mới ấy được đem đi nấu xôi ngọt và chè. Những món ấy trước cúng tạ đất đai, sau đem kỉnh cho bà con làng xóm - những người đã giúp cậu mợ tôi suốt cả vụ mùa.
Còn lại mới tới lượt con cháu trong nhà. Mâm lễ tạ ơn đất đai ngoài xôi chè, mì Quảng, cơm gạo mới, còn có con gà trống thiến được nuôi béo mẫm để dành cho cúng cơm mới như bao nhà khác, nhà cậu tôi còn có món bánh cuốn nhân tôm thịt do mẹ tôi làm.
Món bánh cuốn ấy, sau bữa cúng cơm mới mẹ tôi cũng làm một thúng đầy, rồi tất tả đội về nhà ở Hội An cho các anh chị và các cháu tôi đang chờ. Mẹ tôi nói đó là lộc của đất đai, phải chia đều cho cả nhà cùng hưởng.
Mâm cúng cơm mới sau khi chuẩn bị đầy đủ các món, được cậu tôi thận trọng bưng xếp gọn trên chiếc bàn gỗ đặt ngoài hiên nhà trên. Chiếc áo dài đen và khăn đóng cất kỹ trong tủ được cậu mặc vào người và đội khăn trên đầu. Nhìn cái cách cậu tôi mặc áo và đội khăn thấy rõ là cậu làm việc ấy với tất cả sự chăm chút.
Xong đâu đấy, cậu mới trải chiếc chiếu mới trước bàn cúng và châm đèn, thắp hương quỳ lạy. Tôi không biết cậu khấn những gì trong miệng, nhưng cậu cúng rất lâu, rất thành tâm.
Có lẽ những người một đời gắn bó với đất đai, đồng ruộng như cậu tôi luôn khắc ghi trong tâm khảm mình lòng biết ơn đất đai đã cho gia đình mình và xóm làng những vụ mùa bội thu, những ngày no ấm.
Chờ tàn hương, cậu thay áo dài, khăn đóng, mặc vào người bộ đồ bà ba quen thuộc rồi sai dọn mâm xuống và kêu đám cháu đang háo hức chờ cúng xong để được ăn cúng cơm mới.
Mâm dọn cho người lớn ở nhà trên, còn đám con nít chúng tôi được dọn riêng trên bộ phản gỗ ở nhà dưới. Chúng tôi đứa nào đứa nấy mắt sáng rỡ vì được ăn toàn món ngon.
Những bát mì gà chan nước nhưn nóng hổi được chuyền tay nhau. Sợi mì tráng bằng gạo lúa mới vừa dẻo, vừa thơm quyện với vị béo của thịt gà, vị ngọt của mớ rau thơm, bắp chuối hái trong vườn nhà.
Món bánh cuốn mẹ tôi làm là thứ được chờ đợi nhất. Mì lá mẹ trải trên cái trẹt có lót lớp lá chuối, rồi mẹ múc một vá nhưn tôm thịt xào lẫn với bột gạo, tiêu hạt thành một hỗn hợp màu lòng tôm dẻo quánh, thơm nức rải lên trên.
Xong mẹ cuộn tròn lại rồi cho vào đĩa, dọn lên mâm. Bánh cuốn chấm với nước mắm ớt tỏi. Món ăn nhìn thì đơn giản, dễ làm, nhưng tôi đã thử nhiều lần vẫn không ngon, không dẻo và thơm như mẹ đã làm vào những mùa cúng cơm mới. Có lẽ tôi làm bằng bột gạo mua ở chợ, còn mẹ làm bằng gạo mới gặt nên có hương vị hơn chăng?
Rồi cậu mợ tôi lần lượt qua đời, tôi cũng lớn lên và quên dần những mùa gặt, những lần cúng cơm mới. Mỗi lần về ngoại, ngồi bên bậu cửa nhìn ra sân, tôi như thấy bóng dáng cậu tôi với áo dài, khăn đóng đang lúi húi bên mâm cơm cúng và lầm rầm khấn vái tạ ơn đất đai.
Không biết bây giờ có còn ai cúng cơm mới như cậu tôi ngày xưa!
TTO - Em họ tôi đi giã (cách ở quê gọi những người đi biển). Mùa này nó khoe: Lệch nhiều trứng lắm. Chỉ thế thôi, trong tiết đổi mùa hiu hiu nhớ biển, nhớ nhà, đã như in trong tâm trí món ăn quen của một vùng ven biển Bắc Trung Bộ: chả lệch.
Xem thêm: mth.67651310190501202-iad-tad-uv-aum-no-teib-iom-moc-gnuc/nv.ertiout