Cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp), kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (quận 12)… là những dự án sắp tới được TP.HCM triển khai thực hiện. Theo đó, người dân quận Bình Thạnh, quận 12 đều tỏ ra vui mừng cũng như kỳ vọng các dự án nhanh được khởi công và sớm hoàn thành.
Kỳ vọng các dự án sắp triển khai
Hơn 40 năm sinh sống ven rạch Xuyên Tâm, bà Trần Thị Hạnh (quận Bình Thạnh) đã quá quen thuộc với hình ảnh con rạch đen ngòm và tình trạng nước không kịp rút mỗi khi mưa xuống.
“Khi mưa xuống thì nước không thoát kịp do hệ thống cống nhỏ. Bên cạnh đó, tình trạng rác thải vứt bừa bãi xuống rạch làm ô nhiễm và tắc cống đã gây ra những trở ngại cho cuộc sống của người dân. Khi được tin con rạch này sắp được cải tạo, chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, ngoài việc kỳ vọng có môi trường sống sạch đẹp, người dân chúng tôi cũng quan tâm đến việc tái định cư như thế nào” - bà Hạnh tâm sự.
Những ngôi nhà tạm bợ ven rạch Xuyên Tâm (đoạn qua quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (quận Bình Thạnh) cũng chia sẻ: Chị sống ở đây nhiều năm, trải qua nhiều giai đoạn thay đổi của rạch Xuyên Tâm, có thời điểm con rạch đầy ắp rác. Chính quyền địa phương cũng có ra quân dọn dẹp nhưng muốn giải quyết dứt điểm thì ngành chức năng phải thực hiện dự án cải tạo con rạch này.
“Nghe nói dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm sắp được triển khai, chúng tôi rất mừng và rất mong ngành chức năng quyết liệt thực hiện để người dân có cuộc sống tốt hơn, không còn tình trạng nhà ở tạm bợ như hiện nay nữa” - bà Mai chia sẻ.
Sống trên gần kênh Tham Lương nhiều năm, anh Phan Thế Hưng (quận 12) chia sẻ: Nhiều năm nay, con kênh này luôn trong tình trạng ô nhiễm, có nhiều đoạn kênh đầy lục bình, rác thải gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân.
“Việc cải tạo kênh là điều chúng tôi rất mong muốn và hy vọng dự án nhanh triển khai để cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện. Khi đó, người dân nơi khác đến TP.HCM đều sẽ có ấn tượng tốt về những con kênh xanh, sạch” - anh Hưng chia sẻ.
Cấp bách cải tạo các tuyến kênh huyết mạch
Bảo vệ, cải tạo và phát triển cảnh quan các tuyến kênh, rạch đang là vấn đề được TP.HCM quan tâm nhằm giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện tình hình giao thông, giảm ngập, góp phần chỉnh trang đô thị, mang lại môi trường sống trong lành cho người dân...
Theo đó, vừa qua HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên với tổng mức đầu tư khoảng 8.200 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 4.000 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách TP đối ứng là 4.200 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025.
Đối với tuyến rạch Xuyên Tâm xuất phát từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè quận Bình Thạnh đến sông Vàm Thuật, quận Gò Vấp, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cũng đã có báo cáo tổng quan về dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.352 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 4.859 tỉ đồng, chi phí xây dựng khoảng 3.866 tỉ đồng.
GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện MT&TN (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng: Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm là những tuyến kênh, rạch rất quan trọng của TP.HCM và việc cải tạo các tuyến kênh này là rất cấp thiết.
“Tốc độ đô thị hóa, dân số ngày càng cao, lượng nước thải xả ra hằng ngày gia tăng đáng kể. Do vậy, việc cải tạo kênh, rạch chúng ta cần phải khẩn trương và nhanh chóng thực hiện. Sau khi cải tạo, chúng ta nên có kế hoạch giữ gìn chúng sao cho không tái ô nhiễm” - GS-TS Lê Thanh Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cũng cho rằng: Việc thực hiện cải tạo các tuyến kênh, rạch ở TP.HCM là một vấn đề rất cần thiết. Bởi hiện nay tình trạng ô nhiễm của các kênh, rạch, đặc biệt là kênh, rạch xuyên khu dân cư đã rất trầm trọng. Vì vậy, việc TP tập trung thực hiện các dự án cải tạo kênh, rạch này sẽ làm cho môi trường TP tốt hơn, đời sống của người dân được cải thiện rất nhiều.
Ông Sơn cho rằng sau khi cải tạo kênh, rạch, ngành chức năng cần có kế hoạch thực hiện cụ thể để làm sao các tuyến kênh không tái ô nhiễm. Điều này ngoài cơ quan chức năng vào cuộc thì ý thức người dân cũng cần được nâng cao, phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Các kênh, rạch ở TP.HCM có sự thông thương từ phía sông Sài Gòn vào nên việc vớt rác trên các dòng kênh đã được cải tạo là một vấn đề cần phải làm.
“Đơn cử như tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ước tính mỗi ngày Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vớt khoảng 10 tấn/ngày, trong đó có cả lục bình và rác thải sinh hoạt. Nếu chúng ta không duy trì vớt rác thì chất lượng con kênh này sẽ không được như sự mong muốn của TP cũng như kỳ vọng của người dân. TP duy trì việc vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã cho thấy môi trường ở khu vực này được cải thiện rất tốt” - ông Sơn nhận định.•
Phát huy nguồn lực xã hội để cải tạo rạch Xuyên Tâm Tại buổi khảo sát thực tế rạch Xuyên Tâm ngày 24-4 vừa qua của các lãnh đạo UBND TP.HCM, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: Việc cải tạo kênh, rạch là chương trình mà TP đã làm từ nhiều năm qua. Thời gian vừa qua TP cũng đã nỗ lực rất nhiều nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. TP sẽ tiếp tục thực hiện những nội dung liên quan đến cải tạo kênh, rạch. Theo ông Bình, TP đã được chủ trương cải tạo rạch Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, TP sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ này. TP sẽ có những bài toán để phát huy nguồn lực của xã hội để cùng cải tạo rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh. Để đạt được điều này, TP rất mong được sự ủng hộ của người dân để thực hiện. Cũng trong buổi khảo sát này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng cần khẩn trương triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Về nguồn vốn, lãnh đạo TP cho biết sẽ làm việc lại với trung ương để xin hỗ trợ thực hiện dự án. |