Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong hai ngày qua (8-9/5), nắng nóng cục bộ đã ghi nhận tại các tỉnh phía Tây Bắc bộ, vùng núi Bắc và Trung Trung bộ với nhiệt độ cao nhất ở khoảng 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C như Mường La (Sơn La) 36,8 độ C, Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) 37,6 độ C, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 37,2 độ C, Sông Mã (Sơn La) 37,2 độ C, Mường La (Sơn La) 38,8 độ C.
Do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên ngày mai (10/5), ở khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng cục bộ, riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.
Ảnh minh hoạ
Từ ngày 11/5, nắng nóng mở rộng ra toàn bộ khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 39 độ.
Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày trong đợt nắng nóng này phổ biến 45-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-17 giờ.
Khu vực Hà Nội: Ngày mai (10/5) có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-36 độ. Từ ngày 11/5 có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 50-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-17 giờ.
Cảnh báo: Đợt nắng nóng ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 16/5.
Chia sẻ trên báo Tiền phong, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đợt nắng nóng ở các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ có khả năng kéo dài đến hết tuần này (16/5).
Trong tháng 5, khu vực này còn trải qua nhiều ngày nắng nóng. Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình tháng 5 ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm chứ không gay gắt như năm ngoái. Mùa hè năm nay cũng sẽ không quá gay gắt và kéo dài như mùa hè 2020.
PV (T/H)
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ