Linh hoạt khẩu vị rủi ro
Ông Ngô Quang Trung, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho biết ngân hàng đạt được kết quả trên trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt nhờ linh hoạt xây dựng khẩu vị rủi ro để tiếp tục đồng hành cùng khách hàng và giữ vững sự tăng trưởng quy mô tín dụng.
Theo ông Trung, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến dòng tiền, thu nhập của khách hàng. Từ đó đòi hỏi cách đánh giá rủi ro của ngân hàng cũng phải thay đổi theo.
"Ví dụ dòng tiền của nhà thầu xây dựng trước đây khoảng 9 tháng nhưng bây giờ có thể là 11 tháng. Do vậy chu kỳ cho vay sẽ phải kéo dài hơn. Dịch COVID-19 cũng khiến một số ngành nghề phải thu hẹp quy mô hoạt động nhưng ngược lại một số ngành nghề lại có cơ hội phát triển. Do vậy ngân hàng không thể đem các điều kiện trước đây để áp dụng vì sẽ dẫn đến hai khả năng: bước vào lĩnh vực rủi ro hơn hoặc thận trọng quá mức với một số nhóm khách hàng", ông Trung chia sẻ.
Với chiến lược này, ngân hàng sẽ hướng dòng vốn vào những lĩnh vực đã có sự phục hồi như tiêu dùng thiết yếu, bán lẻ… và thiết kế thêm các chương trình cho vay cho nhóm đối tượng này. Lãi suất cho vay cũng theo hướng ưu tiên. Song song đó ngân hàng cũng đánh giá lại các thông số rủi ro, nhất là dòng tiền dựa trên xem xét thực tế thị trường cũng như báo cáo kết quả kinh doanh 2020 của doanh nghiệp.
Trong quý 1 vừa qua, Ngân hàng Bản Việt đã ghi nhận mức lợi nhuận 152 tỉ, gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng trưởng tín dụng hợp lý và sự tăng trưởng mạnh mẽ từ các hoạt động dịch vụ với thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng gấp ba so với cùng kỳ.
Hoạt động bán lẻ của Ngân hàng Bản Việt tăng trưởng khá tích cực, đóng góp gần 50% tổng thu nhập quý 1-2021.
Những năm gần đây doanh thu từ hoạt động bán lẻ của ngân hàng này cũng đóng góp ngày càng lớn vào nguồn thu của ngân hàng. Như năm 2020 doanh thu ngoài lãi của Ngân hàng Bản Việt chiếm 22% tổng doanh thu, tăng hơn 59% so với 2019, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng hơn 57%. Tổng số lượng khách hàng cũng tăng hơn 50% nhờ vào việc phát triển lĩnh vực ngân hàng số và các tiện ích.
Dư địa còn lớn
Việc các ngân hàng đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi, trong đó có nguồn thu từ dịch vụ cũng là hướng đi được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích.
Những năm gần đây tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng được kiểm soát dưới mức 14%. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành năm 2021, thống đốc Ngân hàng Nhà Nước cũng nhấn mạnh yêu cầu mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh và đảm bảo tốc độ tăng trưởng theo đúng chỉ tiêu Ngân hàng Nhà Nước giao.
Ngân hàng Nhà Nước cũng yêu cầu các ngân hàng tập trung tín dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Năm nay cũng là năm đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tín dụng theo năm nhưng kiểm soát theo quý để hạn chế vốn vào những lĩnh vực rủi ro.
Theo ông Ngô Quang Trung, đi theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng hướng dòng vốn vào lĩnh vực ngân hàng bán lẻ chọn lọc ngành nghề khách hàng kỹ lưỡng hơn vì "room" tín dụng hữu hạn nên không thể nào đi quá nhiều vào lĩnh vực ngân hàng bán buôn. Ngân hàng cũng hạn chế vốn vào những lĩnh vực mà Ngân hàng Nhà nước đã có cảnh báo như bất động sản, BOT…
Song song đó ngân hàng dành nhiều nguồn lực hơn cho kênh dịch vụ và bảo hiểm. Kết quả là trong quý 1-2020, thu nhập lãi từ hoạt động bancassurance và thẻ tăng lần lượt gấp hai lần và 2,5 lần so với cùng kỳ 2020. Điều này thể hiện sự chuyển biến linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động bán lẻ của ngân hàng. Dù là ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, và cơ sở khách hàng ít hơn nhưng ngân hàng vẫn nằm trong nhóm bán bảo hiểm khá trên thị trường.
Hiện Ngân hàng Bản Việt cũng chưa ký hợp đồng độc quyền bảo hiểm với đối tác nào nên còn dư địa lớn để tìm kiếm nguồn thu từ lĩnh vực này cũng như có điều kiện thuận lợi để cân nhắc, lựa chọn đối tác ở thời điểm thích hợp nhất để có lợi cho cổ đông.
CASA chỉ là chỉ số phản ánh kết quả cuối cùng
Một điểm đáng chú ý là trong quý 1 vừa qua, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của phân khúc khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Bản Việt tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là mức tăng tương đối tốt không chỉ trong các ngân hàng cùng phân khúc.
Hoạt động ngân hàng số cũng tiếp tục ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong quý 1-2021. Số lượng và giá trị giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử tăng gấp ba lần so với cùng kỳ 2020 và tăng 50% so với đầu năm 2021.
Theo ông Ngô Quang Trung, CASA chỉ là chỉ số phản ánh kết quả cuối cùng. Còn trước đó, ngân hàng phải có nhiều chính sách để thu hút khách hàng như chính sách về phí, giá cùng với đó là thay đổi trong các nền tảng dịch vụ làm sao cho khách hàng giao dịch một cách thuận tiện.
"Quan trọng nhất là phải giữ được khách hàng. Muốn vậy thì các hoạt động phía sau như thay đổi trải nghiệm khách hàng, làm sao cho các ứng dụng phải đơn giản dễ hiểu, từng cú chạm không có gì thừa… rất quan trọng vì đó là yếu tố quyết định để khách hàng lựa chọn giao dịch.
Do mức độ phổ cập dịch vụ ngân hàng của thị trường cũng khá lớn nên nhiều trường hợp, ngân hàng Bản Việt không dám kỳ vọng là ngân hàng giao dịch chính của khách hàng nhưng cũng hướng tới chiếm tỷ lệ nhất định trong ví của khách hàng, ví dụ 20% - 30%", ông Trung kỳ vọng.
Số lượng khách hàng đăng ký mới tăng 3 lần
Về hoạt động ngân hàng số, Ngân hàng Bản Việt cũng được đánh giá là một trong các ngân hàng chuyển đổi số hiệu quả với những tiện ích tiên phong được đưa đến khách hàng.
Năm 2020 số lượng khách hàng đăng ký mới qua kênh ngân hàng điện tử của Ngân hàng Bản Việt tăng gấp 3 lần, giá trị giao dịch và số lượng giao dịch tăng lần lượt gấp 4 và 8 lần, tổng thu nhập hoạt động qua kênh ngân hàng điện tử tăng gấp 10 lần. Ngân hàng cũng được tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG và Hiệp hội ngân hàng Việt Nam bình chọn là "Ngân hàng có sản phẩm, dịch vụ sáng tạo tiêu biểu 2020".
Xem thêm: mth.13794206170501202-iom-gnouht-hnib-hnac-iob-gnort-iv-uahk-iod-yaht-gnah-nagn/nv.ertiout