TTO - 'Quan niệm sai lầm phổ biến rằng chơi golf là đắm mình vào thiên nhiên. Sai quá sai. Sân golf không hề thuần tự nhiên - chúng là những công viên giải trí theo chủ đề thiên nhiên' - Abbie Richards, một nhà truyền thông khoa học bình luận trên trang Euronews.
75 sân golf đang hoạt động, hàng chục sân golf khác đang được đầu tư xây dựng. Với tốc độ tăng sân golf hiện nay (trung bình 2 tuần cấp phép 1 sân golf mới), Việt Nam được dự báo sớm trở thành một trung tâm du lịch golf của khu vực. Nhưng những tiếng nói xác đáng và có luận cứ khoa học cũng đang nhấn mạnh tới những tổn thất và hệ lụy nhãn tiền từ cuộc đua sân golf sốt sắng này.
Hồi năm 2014, theo Quy hoạch sân golf Việt Nam điều chỉnh, đến năm 2020 cả nước có 96 sân golf. Số sân golf này được cấp phép xây dựng tại 37 địa phương trên cả nước. Ngay cả các địa phương không có thế mạnh về du lịch như Tiền Giang, Kon Tum, Bắc Giang… cũng nhảy vào cuộc đua sân golf này.
Cuộc đua đó gần đây càng sôi động hơn khi nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư kinh doanh sân golf được Chính phủ ban hành. Luật quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019) cũng mở cửa thông thoáng hơn cho việc đầu tư kinh doanh dự án sân golf. Theo đó, quy hoạch sân golf sẽ được các địa phương lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố.
Cũng theo luật này, sẽ không có quy hoạch sân golf quốc gia giai đoạn sau năm 2020, đồng nghĩa với việc địa phương được cấp phép đầu tư sân golf theo nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh.
Cho đến giờ, chưa cơ quan nào thống kê chính xác được số lượng sân golf cả nước, khi có hàng loạt sân golf mới được các địa phương cấp phép ồ ạt theo đề xuất của các nhà đầu tư.
Ông Phạm Thành Trí - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam - cho biết sẽ có hàng trăm sân golf được đầu tư trong thời gian tới, và hiệp hội này đang cùng các địa phương tổng hợp nhu cầu đầu tư sân golf trên cả nước vốn "đang rất lớn". Ví dụ, Quảng Nam theo quy hoạch trước đây chỉ có 1 sân golf, nay dự kiến cấp phép thêm 10 sân. Bắc Giang theo quy hoạch chỉ có 1 sân golf nhưng đang đề xuất cấp phép thêm 7 sân. Vĩnh Phúc theo quy hoạch có 3 sân golf đang đề xuất cấp phép thêm 10 sân…
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhiều năm qua khiến tầng lớp giàu có của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Nhu cầu chơi golf cũng tăng theo. Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam ghi nhận cả nước hiện có 100.000 người chơi golf, tần suất trung bình khoảng 20 trận/năm. Nhu cầu chơi golf trong nước khoảng 2 triệu lượt chơi/năm.
Trước đại dịch COVID-19, mỗi năm có khoảng 1 triệu lượt khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam chơi golf. Số lượng khách Úc, Malaysia… đến Việt Nam du lịch kết hợp chơi golf tăng lên nhanh chóng: trung bình khoảng 20%/năm. Mức tăng này được giải thích là do chi phí du lịch, ăn uống kết hợp chơi golf tại Việt Nam khá rẻ.
Từ góc độ ấy, có thể hiểu vì sao ông Trần Quốc Phương - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng bỏ quy hoạch sân golf quốc gia phù hợp với định hướng của Luật quy hoạch. Rằng đầu tư kinh doanh sân golf là đầu tư tư nhân, khi đủ điều kiện, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì không có lý do gì để địa phương không cấp phép đầu tư sân golf.
Tất nhiên, ông Trần Quốc Phương cũng lưu ý các địa phương khi cấp phép đầu tư sân golf cần có tầm nhìn, tính toán hiệu quả trong dài hạn. "Golf không phải cái gì đó xấu xa, nó chỉ xấu khi người ta lợi dụng cấp phép sân golf vì mục đích khác" - ông nói.
Vậy hãy nhìn vào chuyện lợi dụng cấp phép sân golf.
Tại các tờ trình xin phê duyệt dự án sân golf mới, nhiều lý do hay ho được nhắc đến như chuyển đổi mục đích của khu đất đất nghèo dinh dưỡng, hiệu quả nông nghiệp thấp, tăng hiệu quả sử dụng đất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đa dạng nguồn thu, cải thiện kinh tế của địa phương…
Trên thực tế, rất nhiều địa phương đã thực hiện sai quy định, sai chủ trương khi thực hiện dự án sân golf.
Nghị định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf được ban hành đã xóa đi nỗi lo sử dụng đất lúa làm sân golf. Chủ đầu tư dự án sân golf chỉ được sử dụng tối đa không quá 5ha đất trồng lúa một vụ, phân tán... để làm sân golf. Nhưng câu chuyện chuyển đổi đất rừng sản xuất làm sân golf gây lo ngại cho nhiều người. Đặc biệt khi giờ đây việc cấp phép sân golf được giao cho các địa phương.
Gần đây nhất là dự án sân golf Đắk Đoa (Gia Lai) có diện tích 174ha đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Để thực hiện dự án này, phải chuyển đổi gần 156ha rừng thông cổ thụ.
Một sân golf thuộc hệ thống du lịch ven biển Phú Yên cũng được xây dựng trên diện tích rừng phòng hộ ven biển của tỉnh này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chặt phá hơn 100ha rừng thông có tuổi đời trên dưới 40.
Bỏ qua những thủ tục cần thiết chưa được chấp hành ở một số dự án sân golf, việc phá rừng trồng cây lâu năm, rừng phòng hộ làm sân golf là trái với quyết định 1946 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt quy hoạch sân golf. Tinh thần của quyết định này là không được sử dụng đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) để xây dựng sân golf.
Nói tới việc trao quyền cho địa phương cấp phép sân golf, ông Trịnh Lê Nguyên - giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên - băn khoăn về năng lực quản lý, trách nhiệm giải trình của mỗi địa phương. Ông cho rằng vấn đề cần quan tâm là hiện tượng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng lòng vòng. Do chuyển đổi rừng sản xuất sang làm sân golf dễ dàng nên nhiều địa phương sẽ chuyển đổi các loại hình rừng khác thành rừng sản xuất, sau đó mới chuyển đổi diện tích rừng này thành bất động sản sân golf. Ngay trong diện tích rừng sản xuất hiện nay, vẫn có một phần là rừng tự nhiên.
"Chẳng hạn trước đây có một phần diện tích rừng khu vực Đắk Đoa là rừng phòng hộ, giờ đã thành rừng sản xuất rồi. Vì vậy, cần xem lại thời điểm chuyển đổi rừng phòng hộ khu vực Đắk Đoa thành rừng sản xuất là khi nào" - ông Trịnh Lê Nguyên nói."
Hơn nữa, đồi cỏ hồng, khu vực Đắk Đoa là khu vực đất công, tài sản công, mọi người dân đều có thể đến tham quan, nếu chuyển thành đất tư, phục vụ cho mục đích của một doanh nghiệp thì mọi người không thể tiếp cận được nữa. Chỉ một nhóm nhỏ là dân chơi golf được thưởng ngoạn thắng cảnh này. Đây là một bất cập, chẳng khác gì chuyện nhiều bãi biển đẹp đã được giao cho một nhóm người. Bên cạnh lợi ích kinh tế sân golf cần tính toán tới quyền tiếp cận tài nguyên của mọi người dân".
Danh nghĩa là làm sân golf, thực chất nhiều nhà đầu tư đang tận dụng diện tích bất động sản trong dự án chung để thu lợi.
Hầu hết các dự án sân golf đều tận dụng tối đa quy định "diện tích đất dành để xây dựng nhà ở thấp tầng cho thuê tối đa không quá 10% diện tích đất sân golf". Do vậy, dự án sân golf luôn kèm theo những khu thương mại dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, thậm chí chung cư.
Điển hình là sân golf Phượng Hoàng ở Hòa Bình có nhà câu lạc bộ gần 10.000m2, nhà hàng 200 chỗ, phòng tiệc lớn, phòng tiệc nhỏ, khách sạn 5 sao, chung cư. Sân golf Việt Yên (Bắc Giang) có diện tích khoảng 152ha cũng dành hơn 3ha cho những công trình như nhà điều hành, resort cho thuê, khách sạn.
Toàn bộ diện tích của cồn Ấu, quận Cái Răng, TP Cần Thơ với diện tích 102ha, trong đó sân golf được quy 78ha và 24ha làm khu biệt thự. Phần đất xây dựng biệt thự được bố trí xung quanh sân golf, tận dụng không gian sông nước và khoảng không thông thoáng của sân golf. Dự án này đang trong giai đoạn bồi thường.
Sân golf Tân Sơn Nhất (TP.HCM) thuộc khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong khu vực tĩnh không của sân bay và được giao đất năm 2006. Toàn bộ dự án sân golf và khu dịch vụ có diện tích 157ha, trong đó có 46ha đất quy hoạch làm biệt thự, chung cư, khu dịch vụ và từng được các đại biểu Quốc hội chất vấn, đề xuất thu hồi sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vốn đang quá tải.
Năm 2018, Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đã quyết định thu hồi sân golf này để làm sân đỗ máy bay và ga hàng hóa, một phần làm cây xanh và hồ điều tiết. UBND TP cũng đưa sân golf này ra khỏi quy hoạch sân golf của TP.HCM.
Tuy nhiên, đến nay sau gần 3 năm quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất được phê duyệt, sân golf vẫn tồn tại. Hiện tại, ngoài 111ha đất sân golf, theo trang web tansonnhatgolf.vn, khu vực này còn có nhà hàng theo phong cách phương Tây, trung tâm hội nghị tiệc cưới có sức chứa đến 2.000 người, khu mua sắm hàng hiệu dành cho những người chơi golf…
Đến nay Việt Nam chưa có mô hình thiết kế chuẩn cho một sân golf, nhưng theo một nhà đầu tư sân golf phía Bắc - cho biết suất đầu tư làm 1 đường golf khoảng 1 triệu USD. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải bỏ vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình phụ trợ, nhà tập golf, thiết bị phục vụ sân golf.
Nhà đầu tư này cho biết đã bỏ vốn khoảng 3.500 tỉ đồng để xây dựng một sân golf 27 lỗ tại Hà Nội, và khoảng 4.500 tỉ đồng để xây dựng một sân golf 36 lỗ tại TP.HCM. Nếu tính đầy đủ, chi phí để một đường golf đưa vào kinh doanh lên từ 125-129 tỉ đồng, tương đương 5,5-5,6 triệu USD/đường golf. Nhìn chung, đầu tư một sân golf rất tốn kém.
Theo nhà đầu tư này, để thu hồi vốn một sân golf có lượng khách chơi đông cũng cần khoảng 15-20 năm, vì vậy hầu hết các chủ đầu tư sân golf hiện nay đều trông vào việc phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đi kèm sân golf, tận dụng cảnh quan sân golf để thu hồi vốn đầu tư sân golf.
Đầu tư sân golf luôn gắn với quỹ đất lớn, trung bình một lỗ golf cần 5ha đất. Một sân golf nhỏ nhất, quy mô 18 lỗ cũng cần tới 90ha đất.
Theo quyết định 1946 năm 2009 của Thủ tướng về đầu tư xây dựng sân golf, nhà đầu tư sân golf được sử dụng 10% diện tích sân golf để xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf.
Nhưng theo TS Vũ Đình Ánh, quy định cho phép sử dụng 10% diện tích đất dịch vụ trong sân golf để xây các công trình phụ trợ là vô lý. Đây là kẽ hở trong cấp phép sân golf. Nên quy định rõ diện tích đất xây dựng sân golf chỉ để làm sân golf, còn khu vực đất dịch vụ phục vụ trong khu vực sân golf phải thực hiện nghĩa vụ tài chính như đất dịch vụ.
Nếu nhập từ khóa "sân golf" vào công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google, vô vàn ảnh chụp những thảm cỏ xanh mướt, cảnh quan mát mẻ hiện ngay trước mắt. Chúng có thể khiến người chơi thư thả thoải mái, nhưng đối với sức khỏe của thiên nhiên… đó là câu chuyện hoàn toàn khác.
"Quan niệm sai lầm phổ biến rằng chơi golf là đắm mình vào thiên nhiên. Sai quá sai. Sân golf không hề thuần tự nhiên - chúng là những công viên giải trí theo chủ đề thiên nhiên" - Abbie Richards, một nhà truyền thông khoa học bình luận trên trang Euronews.
Theo Quỹ Golf Hoa Kỳ (NGF), môn golf ra đời trên nền đất cát dọc theo bờ biển Vương quốc Anh, nơi có khí hậu ôn hòa, thoát nước tự nhiên - điều kiện lý tưởng cho trò chơi này phát triển.
Khi môn thể thao này ngày một phổ biến, sân golf bắt đầu "mọc lên" trên những vùng đất ít lý tưởng hơn, như đồng cỏ, đất nông nghiệp và những công viên rợp bóng cây. Kết quả là người ta phải tốn công sức xây dựng các sân chơi, sinh ra nghề kiến trúc sân golf, cùng nền công nghiệp quản lý sân golf.
Ngày nay, một sân golf đúng chuẩn có 18 lỗ. Mỗi lỗ golf bao gồm nhiều khu vực khác nhau: green (vùng cỏ ngắn và mịn bao quanh lỗ golf), tee (khu phát bóng), fairway (khoảng sân cỏ êm ái ở giữa tee và green), rough (khu vực biên, cỏ thô nhám) và bunker (bẫy cát).
Ngoài ra, sân golf còn có các khu luyện tập và cây cối, hồ nước nhằm tạo cảnh quan. Do các thảm cỏ phải có độ cao khác nhau, những khu vực kể trên phải được chăm nom với cách thức, cường độ và thiết bị khác nhau.
Nhìn chung, bên cạnh tưới nước, bón phân và xịt thuốc, chuyện làm cỏ ở các sân golf còn bao gồm mấy việc lắm công phu sau: nào là tạo các lỗ nhỏ trong lớp đất bề mặt giúp tăng oxy trong lòng đất, nào là cắt cỏ theo chiều dọc để cỏ mọc thẳng, bề mặt sân mịn, êm. Và còn cả việc phủ cát (topdressing) đều khắp sân cỏ để tạo bề mặt phẳng và chắc chắn.
Tính đến cuối năm 2018, trên cả 5 châu lục có tổng cộng gần 39.000 sân golf, với 51% trong số đó nằm tại Mỹ, theo nghiên cứu "Golf vòng quanh thế giới 2019" do NGF thực hiện.
Trong khi đó, Hiệp hội Kiến trúc sư sân golf của Mỹ cho biết: một sân 18 lỗ tiêu chuẩn (72 gậy) cần khu đất rộng tối thiểu 49ha, hay nói theo ngôn ngữ của bà con Nam Bộ xứ mình là 490 công - rộng hơn cả quốc gia nhỏ nhất thế giới là Vatican.
Đất sử dụng cho việc phát triển các sân golf đôi khi tọa lạc trong những khu vực có giá trị đối với cả cộng đồng địa phương, như gần biển, rừng, hoặc hồ nước. Thêm đất cho golf có thể đồng nghĩa với bớt đất cho nông nghiệp, nhà ở giá rẻ, công viên và khu bảo tồn thiên nhiên.
Ấy thế mà, golf chưa bao giờ là môn thể thao của toàn dân. Năm 2019, tờ The Sun-Herald (Úc) tiết lộ rằng các sân golf chiếm gần 10% diện tích đất đai ở Sydney, mặc dù chưa đến 3% dân số ở đó thường xuyên chơi môn này.
Các sân golf sử dụng rất nhiều nước cho việc tưới tiêu và các mục đích khác, ví dụ như ao hồ, tạo chướng ngại vật. Nếu sân golf nằm trong một quần thể nghỉ dưỡng, giải trí thì ta còn phải kể đến nước sinh hoạt của những vị khách rủng rỉnh tiền.
Hầu như không có số liệu thống kê gần đây về tổng lượng nước được dùng để nuôi sống ngành golf mỗi năm. Bởi vì chỉ xét riêng việc tưới tiêu, lượng nước cần thiết ở mỗi vùng không giống nhau, phụ thuộc vào khí hậu, thổ nhưỡng của nơi đó và giống cỏ được trồng. Nguồn nước sử dụng cũng tùy nơi.
Nhưng giữa cuộc khủng hoảng nước sạch đang diễn ra trên toàn cầu, có vẻ lực lượng nông dân và những người "không chơi golf" hẳn khó mà ngồi yên, khi hàng vạn khu đất của người giàu, trồng toàn cỏ độc cây và cây cối không ăn được, vẫn tưới tắm đều đặn mỗi ngày!
Mâu thuẫn đó thể hiện rõ nét trong đợt hạn hán "lịch sử" ở bang California (Mỹ) trong năm 2014 - 2015. Tình hình nghiêm trọng đến mức chính quyền yêu cầu tất cả người dân phải tiết kiệm nước: ngừng rửa đường, rửa nhà, rửa xe... kèm với mức phạt cảnh cáo 500 đôla.
"Nếu California nghiêm túc trong việc bảo tồn nước, họ đáng lý không cần bắt bẻ chuyện người dân rửa những chiếc xe ngu ngốc - họ đáng lý cần đóng cửa những thứ như sân golf, với số lượng gần một ngàn sân" - cây bút Charles Davis bức xúc trên trang Vice media vào năm 2014, và so sánh rằng mỗi sân golf sử dụng lượng nước bằng 780 gia đình bốn người ở Mỹ trong một ngày.
Ngày nay, có những sân golf lựa chọn tái chế nước thải để phục vụ tưới tiêu. Theo khảo sát năm 2018 của Hiệp hội Golf Hoa Kỳ (USGA), 25% các sân golf ở quốc gia này tưới bằng nước tái chế. Tuy nhiên, sáng kiến này đi kèm với nhiều thách thức, đòi hỏi thêm các giải pháp kỹ thuật và nguồn đầu tư. Nước thải có thể bị nhiễm mặn, hoặc chứa các chất gây ô nhiễm. Nếu nhà máy xử lý nước và sân golf cách xa nhau, việc xây dựng và bảo trì đường ống nước sẽ gây tốn kém tiền bạc và năng lượng.
Đây là toàn bộ thực đơn những món từ cát, phục vụ riêng cho các sân golf: cát trộn cho bunker, cát trộn kiểu khác nữa cho topdressing, và cát nhuộm màu xanh lá cây dành để sửa chữa các mảng cỏ bị văng khỏi mặt đất sau những cú đánh.
USGA cho biết nhiều sân golf xịn thực hiện topdressing đều đặn mỗi tuần, hoặc cách 2 tuần, nhờ đó mà cỏ mọc tốt tươi. Đồng thời, lượng cát khô cần dùng sẽ vào khoảng 48kg trên 100m2 (tức 480 tấn trên 1ha).
Cũng như đất, nước và đa số tài nguyên trên Trái đất, cát ngày nay cũng đã vào hàng khan hiếm. Ngay cả với một sân golf mọc trên nền sa mạc ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), xây dựng các khu vực cát cũng khó như trồng thảm cỏ xanh.
Trong bài viết "Thế giới đang cạn kiệt cát", đăng trên The New Yorker năm 2017, David Owen giải thích: "Các hạt cát [từ sa mạc nội địa] bị phong hóa quá tròn trịa nên "nuốt chửng" các quả bóng golf, do đó cát trong các bunker của nhiều sân golf ở Dubai phải được nhập khẩu".
Trên tất cả, mọi chuyện tạo dựng, chăm sóc và duy trì mảng xanh đều có thể gây hại cho môi trường. Bên dưới những thảm cỏ xanh mướt được cắt tỉa cẩn thận, không có cỏ dại kia rất có thể là những "nhà kho" chứa đầy chất độc hại từ phân bón tổng hợp, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm và thuốc trừ sâu. Không những gây hại cho sức khỏe của những ai trực tiếp hoạt động trên sân golf, những chất này có thể ngấm vào nguồn nước và ảnh hưởng đến những vùng lân cận.
"Ngày mai là Ngày thế giới không golf. Không có hoạt động nào được lên kế hoạch ở Anh trong lần kỷ niệm thứ 3 này; nó chỉ đơn giản là một cái đánh dấu trên lịch, một cách để thông tin cho công chúng vô tư với túi gậy golf trên lưng biết rằng đằng sau mỗi câu lạc bộ mới xây (…) là cơn ác mộng của các nhà môi trường về sự phát triển quá mức, sự mất chỗ ở của người bản địa, sự xói mòn và khan hiếm nước".
Đây là mở đầu của bài báo ngày 28-4-1995 của tờ Independent (Anh), hiện vẫn còn đọc được trên web. Ngày thế giới không golf (World No Golf Day) ở đây là sáng kiến của phong trào chống golf Global Anti-Golf Movement khởi sự năm 1993, và đến ngày nay vẫn còn được nhắc đến.
Theo Independent, phong trào do nông dân người Nhật Gen Morita phát động, sau khi phát hiện nước tưới ruộng của ông bị ô nhiễm và biến thành màu đỏ vì nhiễm thuốc trừ sâu dùng để chăm sóc các sân golf gần đó, trong vùng Kamogawa, phía nam thủ đô Tokyo. Ý tưởng về một ngày để thế giới nói không với golf, hay nói đúng hơn là quan tâm đến những vấn đề ẩn sau bãi cỏ xanh mướt của Morita được nhiều nhà môi trường hưởng ứng, và như bài báo năm 1995 cho biết "nó đã là một phong trào toàn cầu".
Independent trích lời Tricia Barnett, đồng điều phối tổ chức vận động Tourism Concern, cho biết sân golf đang phát triển với tốc độ đáng báo động. "Xây sân golf không chỉ là chặt cây. Nó còn tiêu tốn các tài nguyên thiết yếu là đất và nước (...). Ở các nước như Malaysia và Philippines, xây sân golf khiến người ta phải rời đất của mình".
Tourism Concern dẫn chứng người dân ở đảo Oahu trong quần đảo Hawaii hồi năm 1986 buộc phải rời nơi họ đã sống suốt 3 thập kỷ, sau khi doanh nhân người Nhật Yasuo Yasodo mua lại gần 500ha đất để làm sân golf.
"Ý tưởng về phát triển sân golf của Mỹ được ưa chuộng: san phẳng môi trường, dọn sạch đồi và trong trường hợp như mới đây ở Malaysia, là san cả đỉnh núi" - Barnett nói. Ngày nay nhìn lại, có thể bổ sung ý của Barnett: sau khi dọn sạch những gì thiên nhiên sẵn có là đổ tài nguyên dựng nào địa hình đồi dốc, tạo hồ, bãi cát, trồng cây và cấy cỏ.
Chuyện chuyển đổi các quỹ đất quý giá thành các sân golf hái ra tiền không chỉ gói gọn trong các nước đang phát triển. Chỉ một tuần trước lần kỷ niệm thứ ba của Ngày thế giới không golf năm 1995 ấy, những người thuộc phong trào Land is Ours (Đất đai là của chúng tôi) đã xâm nhập vào sân golf St George's Hill, nằm trong một khu dân cư sang chảnh ở Surrey (đông nam nước Anh), trồng một cái cây ngay rìa sân, thể hiện ý muốn giành lại chỗ đất bị tư hữu hóa.
Tác giả bài viết, Genevieve Fox, cho rằng các sân golf cũng là một phần của văn hóa công viên giải trí: tạo các không gian mô phỏng và đổ tiền bạc, công sức vào duy trì những cảnh quan giả hiệu đó. Chỉ có điều, giữ cho thảm cỏ xanh mượt trong các tháng hè, nhất là ở các vùng hạn hán như miền nam Tây Ban Nha, nơi du lịch phụ thuộc vào golf, là một quá trình tốn sức lao động và đắt đỏ.
"Vậy là bình minh của Ngày thế giới không golf đã bắt đầu. Các vòi tưới chắc chắn sẽ phun khắp các sân golf ở vùng hạn hán nam Tây Ban Nha (…). Màu xanh mướt của các thảm cỏ trên sân golf thật lừa dối" - Fox kết bài. Đọc một bài báo từ 1/4 thế kỷ trước mà sao thấy chẳng xa lạ chút nào.
Xem thêm: mth.71082112142401202-flog-nas-on-gnub/nv.ertiout