Tham vấn điều tra chống bán phá giá đường mía xuất xứ Thái Lan
Thanh Diệu
(KTSG Online) - Mặc dù đã bị áp thuế từ tháng 2-2021, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vẫn tăng mạnh so với thời điểm trước khi có quyết định điều tra chống bán phá giá. Trong thời gian Bộ Công Thương tiến hành điều tra (tháng 10-2020 đến tháng 2-2021), lượng đường nhập khẩu này vẫn tăng 42% so với trước đó.
Ngày 12-5 tới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức phiên tham vấn trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, theo quy định tại Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Điều 13 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.
Thu hoạch mía. Ảnh: TTXVN |
Thời điểm tháng 10-2020 đến tháng 2-2021 (trong thời gian Bộ Công Thương tiến hành điều tra), lượng đường nhập khẩu bình quân mỗi tháng 165.250 tấn, tăng 42% so với trước khi có quyết định điều tra. Trước đó, từ tháng 1 đến tháng 9-2020, lượng đường nhập khẩu bình quân mỗi tháng từ quốc gia này là 116.353 tấn. |
Sau khi chịu những tổn thất nặng nề bởi Thái Lan - quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất vào Việt Nam, tháng 9-2020, Bộ Công Thương quyết định điều tra và chính thức áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với các sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan từ tháng 2-2021.
Để đảm bảo an toàn trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, buổi tham vấn sẽ diễn ra tại Bộ Công Thương theo hình thức trực tuyến. Ngôn ngữ sử dụng trong buổi tham vấn là tiếng Việt.
Phiên tham vấn công khai được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các bên liên quan trình bày thông tin và ý kiến liên quan đến vụ việc điều tra.
Ngoài ra, các bên khác có ý kiến về vụ việc có thể gửi ý kiến bằng văn bản trực tiếp tới cơ quan điều tra trước và sau phiên tham vấn, cơ quan điều tra sẽ phản hồi, tổng hợp trong báo cáo kết luận điều tra cuối cùng của vụ việc.
Các thông tin, tài liệu không phải bằng tiếng Việt do các bên liên quan cung cấp phải được dịch ra tiếng Việt, phải đảm bảo tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được dịch thuật.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), từ đầu niên vụ đến hết tháng 3-2021, toàn ngành đã ép được 5,8 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 600.000 tấn đường.
Lượng mía ép chỉ đạt 76,6% và sản lượng đường đạt 84,6% so với cùng kỳ vụ 2019/2020. VSSA ước tính, sản lượng đường của vụ 2020/2021 sẽ đạt khoảng trên dưới 700.000 tấn, thấp hơn vụ trước 2019/2020, chỉ bằng gần một nửa so với vụ 2013/2014 là vụ có sản lượng cao nhất từ trước tới nay (gần 1,6 triệu tấn).
Xem thêm: lmth.nal-iaht-ux-taux-aim-gnoud-aig-ahp-nab-gnohc-art-ueid-nav-maht/361613/nv.semitnogiaseht.www