Rất nhiều ý kiến cho rằng những gì diễn ra gần đây là cái kết dễ đoán cho việc Tập đoàn Vingroup đang tham gia quá nhiều lĩnh vực một cách dàn trải.
Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều nhìn nhận, đánh giá cao những gì Vsmart đã làm được thời gian qua và cho rằng Vingroup đang tỉnh táo khi sớm "rút chân" khỏi những mảng không có thế mạnh hoặc không cần thiết để tập trung vào những lĩnh vực chính.
Nhiều bạn trẻ nhận xét, họ tuy không ấn tượng với điện thoại của Vingroup nhưng khá tiếc cho Vinsmart và người dùng, bởi hãng làm chưa tới mà đã phải chia tay sớm, Vsmart thực sự có tiềm năng.
Một mẫu điện thoại Vsmart được đăng lên trang web của Tập đoàn Vingroup ngày 9/5/2021.
Anh N. - Một tín đồ thường xuyên dùng hàng Việt cũng cho rằng, dân mình vẫn nặng về thương hiệu, thật ra sản phẩm Vsmart rất tốt và với một hãng mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường thì thế là ổn rồi.
"Nếu bình luận về Vingroup, đa số thống nhất một điều, nếu chỉ chuyên tâm làm địa ốc, ông Vượng sẽ không phải đau đầu về tiền. Việc ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực công nghiệp - công nghệ cho thấy cái tâm của ông đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Tất nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, ông Vượng thực chất chỉ đang bán giấc mơ cho người Việt - một yếu tố quan trọng để ông bán giấy trên sàn.
Nhìn nhận thế nào là chuyện của mỗi người. Suy nghĩ của một tỷ phú đô la thường không thuộc về số đông. Việc ông Vượng đóng mảng điện thoại di động, nói to thì là to, nói chẳng đáng chú ý thì thực sự cũng chẳng đáng chú ý. Với một đế chế như Vingroup, bỏ đi một mảng điện thoại cũng chỉ như nhà giàu đứt tay thôi", anh P.L. (Hà Nội) chia sẻ.
Nhiều tiếc nuối dành cho Vsmart - Một hãng điện thoại từng đạt top 3 thị phần tại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.
Bphone của CEO Nguyễn Tử Quảng là cái tên được "réo gọi" nhiều nhất sau khi Vsmart "rời đường đua" sản xuất smartphone Made in Vietnam. Ảnh chụp màn hình.
Nhiều nhìn nhận cho rằng Vingroup đã đúng đắn quyết định dừng chân ở mảng điện thoại và TV để tập trung vào những lĩnh vực chính thật sự có thế mạnh. Ảnh chụp màn hình
Dư luận cũng nhận định, khi thương vụ thâu tóm LG thất bại dẫn đến lĩnh vực R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) "dậm chân tại chỗ", ở thời điểm này, rút lui là một chiến lược đúng đắn.
Với cộng đồng người dùng Vsmart, đây là một tin buồn, thậm chí là hoang mang, lo lắng. Nhưng sự thật là Vsmart chưa phải đã biến mất hoàn toàn.
Để dồn toàn lực cho hướng đi mới, các nhà máy của VinSmart sẽ tiếp tục sản xuất các điện thoại và TV hiện có cho đến hết vòng đời của sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Sau đó một phần của nhà máy sẽ được sử dụng để gia công cho các đối tác, phần còn lại được mở rộng điều chỉnh để sản xuất các sản phẩm mới.
Về các sản phẩm đã bán ra thị trường, VinSmart cho biết, cam kết giữ nguyên chế độ bảo hành, sửa chữa, chăm sóc như đã cam kết cho đến ngày khách hàng không còn sử dụng sản phẩm nữa. Đặc biệt, một phần bộ phận thiết kế phần mềm điện thoại vẫn tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp, cập nhật cho các điện thoại Vsmart đã bán ra thị trường.
Một trung tâm bảo hành điện thoại Vsmart.
Tất cả các cam kết này được công bố chính thức bởi Tập đoàn Vingroup, công ty mẹ của VinSmart. Đồng nghĩa, người dùng Vsmart có thể hoàn toàn yên tâm tiếp tục sử dụng sản phẩm của mình.
Nếu trước giờ số đông kỳ vọng Vsmart sẽ đứng trong hàng ngũ những thương hiệu đẳng cấp thế giới, thì giờ chính là cơ hội chinh phục ước mơ ấy. Vsmart chính thức bước vào hành trình đẳng cấp hơn là tập trung phát triển công nghệ lõi và các tính năng "xịn xò" nhất cho ô tô điện VinFast.
VinSmart tự hào có một cộng đồng người dùng đông đảo tại Việt Nam. Và trên thực tế, Vsmart đã vươn tới vị trí thứ 3 thị trường với số thị phần chưa từng có hãng điện thoại Việt nào làm được trước đây, chỉ sau chưa đầy 2 năm ra đời.