Hà Nội đảm bảo dự trữ hàng hóa đầy đủ, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân Thủ đô khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 10.5, tại các chợ truyền thống, các mặt hàng thực phẩm, rau xanh, nhu yếu phẩm vẫn được bày bán rất nhiều.
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm bày bán khá nhiều, đủ loại, không có cảnh người dân đổ xô đi mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ.
Theo các tiểu thương trong những ngày này việc buôn bán có vẻ hơi chậm, hàng hóa nhiều và giá cả đang có xu hướng giảm.
Nói với phóng viên, bà Đào Thị Lê (46 tuổi, tiểu thương chợ Nghĩa Tân) cho biết hàng hóa thực phẩm trong đợt này vẫn đầy đủ, không có tình trạng khan hiếm. Thậm chí, hiện nay lương thực thực phẩm còn khá dư thừa bởi do nhiều nhà hàng phải tạm đóng cửa phòng dịch.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 được ban quản lý hệ thống chợ truyền thống triển khai dưới nhiều hình thức như: Dán pano áp phích, thông qua các loa phát thanh.
Tại chợ Mỹ Đình (Hà Nội), nguồn hàng hóa, nhu yếu phẩm cũng rất đầy đủ, các ki-ốt kinh doanh đầy ắp hàng hóa, thịt, rau, củ quả và các loại hàng hóa cũng rất dồi dào, giá các mặt hàng vẫn ổn định so với các ngày trước đó.
Tại đây, rau muống có giá phổ biến 5.000-12.000 đồng/mớ tùy loại, rau ngót 6.000-7.000 đồng/mớ, cải ngọt 7.000 đồng/kg, cải xanh 5.000 đồng/kg, bắp cải 5.000-6.000 đồng/kg, bí đao 10.000 đồng/kg, khoai sọ loại ngon 30.000 đồng/kg, khoai tây 12.000 đồng/kg...
Theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay thành phố đã đảm bảo dự trữ hàng hóa đầy đủ, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân Thủ đô khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Với lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng với 17 mặt hàng thiết yếu với giá trị 194.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã dự trữ lượng hàng hóa với giá trị gần 30.000 tỉ đồng để sẵn sàng hỗ trợ cho các tỉnh thành phố ở khu vực lân cận nếu tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp.
“Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: Cấp độ 1 (từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên): 313,78 tỉ đồng; Cấp độ 2 (từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc): 1048,71 tỉ đồng; Cấp độ 3 (từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc): 5359,05 tỉ đồng”, bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ.
Xem thêm: odl.396709-91-divoc-hcid-gnohc-yagn-gnuhn-gnort-aoh-gnah-ueiht-ol-gnohk-ion-ah/gnourt-iht/nv.gnodoal