Tài sản Tập đoàn SCG ở Việt Nam vượt mốc 5 tỉ đô la
Lê Hoàng
(KTSG Online) - Giá trị khối tài sản của Tập đoàn SCG (Thái Lan) ở Việt Nam liên tục được công bố tăng cao qua mỗi quí và hiện đã vượt mốc 5 tỉ đô la Mỹ, trong đó có sự đóng góp từ việc mua cổ phần, thâu tóm doanh nghiệp trong nước.
Bên trong nhà máy Duy Tân Long An. Ảnh minh họa: Minh Tâm. |
Dựa trên báo cáo kinh doanh quí 1-2021, SCG cho biết đang sở hữu khối tài sản trị giá 116.878 tỉ đồng (tương đương khoảng 5,062 tỉ đô la Mỹ), tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Và nếu so với con số hơn 4,8 tỉ đô la khi kết thúc vào năm 2020 được SCG công bố trước đó thì chỉ trong vòng 3 tháng vừa qua, giá trị tài sản của tập đoàn này đã tăng thêm hơn 260 triệu đô la.
Theo tập đoàn công nghiệp đến từ xứ chùa vàng, giá trị khối tài sản của họ ở Việt Nam tăng nhanh như nói trên chủ yếu đến từ ngành hoá dầu.
Theo SCG, dự án hóa dầu của họ ở Việt Nam do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) thực hiện đầu tư, đang đạt tiến độ hoàn thành 76% theo kế hoạch và sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào nửa đầu năm 2023.
Điều này cho thấy, dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, SCG vẫn tiếp tục cho triển khai dự án tổ hợp hoá dầu miền Nam ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có vốn đầu tư hàng tỉ đô la.
Dù vậy, giới quan sát cũng nhìn thấy giá trị tài sản của tập đoàn này tăng nhanh ở Việt Nam một phần là từ việc mua cổ phần và thâu tóm doanh nghiệp trong nước trong thời gian qua.
Gần đây nhất là vào giữa tháng 2 vừa qua, Tập đoàn Duy Tân, một trong những doanh nghiệp nhựa hàng đầu Việt Nam, công bố sẽ bán 70% số cổ phần của 5 công ty thành viên cho Tập đoàn SCG, tiếp tục nối dài danh sách doanh nghiệp Việt Nam được SCG tham gia góp vốn hoặc mua lại số cổ phần lớn để nắm quyền chi phối điều hành.
Trong đó, có hai công ty quan trọng trong Tập đoàn Duy Tân, chuyên về nhựa bao bì và nhựa gia dụng là Công ty cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân và Công ty cổ phần Duy Tân Long An.
Trong văn bản gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) ở thời điểm đó (vào ngày 9-2-2021), SCG Packaging (SCGP) cũng thông báo việc ký thỏa thuận mua 70% cổ phần của Công ty Sản xuất Nhựa Duy Tân. Giao dịch được thực hiện thông qua công ty con của SCGP và các chi tiết cụ thể sẽ được công bố giữa năm 2021.
Duy Tân là một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng, với khách hàng chính là các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp FMCG nội địa. 80% sản phẩm của Duy Tân được bán tại Việt Nam, 20% xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.
"Khoản đầu tư vào Duy Tân mở rộng hoạt động kinh doanh bao bì nhựa cứng của SCGP trên toàn ASEAN, đồng thời củng cố năng lực của công ty trong việc phục vụ các nhà sản xuất FMCG và người tiêu dùng tại Việt Nam", bản công bố thông tin của SCGP viết.
Khi đó Bangkok Post cho rằng thương vụ này nằm trong kế hoạch đầu tư 10 tỉ baht (tương đương 334 triệu đô la Mỹ), nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, thị trường đang có nhu cầu lớn và tiếp tục gia tăng về các sản phẩm bao bì nhựa.
Wichan Jitpukdee, Giám đốc điều hành SCGP cho biết, công ty sẽ không ngừng gia tăng đầu tư vào Việt Nam và điều này mang lại mức tăng trưởng doanh thu hơn 10% mỗi năm.
SCG cho biết vào tháng 2 vừa qua, SCGP đã phối hợp với Công ty cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân để cung cấp các sản phẩm phôi PET, chai nhựa, nắp đậy, và các sản phẩm nhựa công nghiệp cho các công ty đa quốc gia và các thương hiệu FMCG trong nước. Cùng với Nhựa Duy Tân, SCG sẽ nâng cấp công nghệ, xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn nhân lực địa phương.
Trước Duy Tân, tập đoàn đến từ Thái Lan này cũng đã đầu tư và mua các doanh nghiệp bao bì khác của Việt Nam gồm Công ty Bao bì Tín Thành (BATICO), Công ty Bao bì Biên Hòa (SOVI) vào năm ngoái.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, SCG ghi nhận doanh thu bán hàng quí 1/2021 đạt 8.206 tỉ đồng (tương đương khoảng 356 triệu đô la), tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ ngành kinh doanh bao bì (VKPC), hóa dầu (TPC) và xuất khẩu Thái Lan. Đây cũng là mức tăng cao so với mức tăng trưởng chung của toàn tập đoàn này trong quí vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái chỉ là 15%.
Bên cạnh rót vốn đầu tư trực tiếp, trong nhiều năm qua, SCG đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam qua hình thức thâu tóm, góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước và đến nay đã có hơn 20 công ty thành viên ở Việt Nam.
Xem thêm: lmth.al-od-it-5-com-touv-man-teiv-o-gcs-naod-pat-nas-iat/271613/nv.semitnogiaseht.www