Nhiều doanh nghiệp Ấn bị chỉ trích ích kỷ với người dân vì lơ là trong giai đoạn khốn khó |
Đại dịch khiến người giàu Ấn Độ càng giàu hơn
Không giống như trong làn sóng đầu tiên khi dịch COVID-19 tấn công, rất nhiều người siêu giàu ở Ấn Độ đã rất hào phóng đóng góp tiền của để hỗ trợ nhà nước chống lại loại virus quái ác. Nhưng ở lần này, ngay đỉnh điểm của dịch bệnh thì vai trò của họ chủ yếu mang tính biểu tượng hoặc lo kiếm đường chạy sang nước ngoài để trốn chạy đại dịch.
Có một nghịch lý rằng giới siêu giàu của Ấn Độ không những không bị "vùi dập" về tài chính bởi đại dịch mà họ ngày càng giàu có hơn khi biến thể SARS-CoV-2 giày xéo quốc gia này. Theo một báo cáo mới nhất của Hurun Rich List, trong khi khoảng 230 triệu người Ấn Độ có thu nhập trượt xuống dưới ngưỡng lương tối thiểu hàng ngày được chính phủ quy định là 375 rupee thì danh sách những người giàu nhất thế giới có thêm 40 tỷ phú Ấn Độ vào năm 2020, nâng tổng số lên 177 người.
Trong cuộc đại khủng hoảng dịch bệnh này, giới giàu có Ấn Độ bị chỉ trích là ích kỷ khi làm lơ những người dân nghèo đang chống chọi trong tuyệt vọng. Nhưng cũng có nhiều giải thích rằng, sở dĩ họ không đóng góp đủ cho quỹ từ thiện bởi phần lớn việc thiện nguyện này đã được họ trả thông qua cái gọi là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) mà chính phủ đã luật pháp hóa.
Theo đó, các công ty có lợi nhuận lớn phải có trách nhiệm chi 2% lợi nhuận ròng trung bình trong ba năm cho các hoạt động vì cộng đồng.
Giáo sư Kavil Ramachandran cho biết: "Những đóng góp thiện nguyện của các doanh nghiệp Ấn Độ để chống lại đại dịch trong năm nay còn kém xa tiềm năng của họ. Những gì họ có thể làm còn hơn thế nhiều".
Bên cạnh đó, Ấn Độ đã ghi nhận hiện tượng rất nhiều người giàu có “bỏ trốn” kịp thời trước khi nhiều quốc gia trên thế giới gia đưa ra lệnh cấm du lịch đối với người Ấn Độ.
Theo tờ The Times of India, rất nhiều người thậm chí đã trả hàng ngàn đến hàng chục ngàn bảng Anh để đến Anh quốc, UAE...
Trích dẫn dữ liệu từ FlightAware, một trang web theo dõi các chuyến bay, cho biết đã có 8 máy bay phản lực tư nhân hạ cánh xuống Anh từ Ấn Độ một ngày trước khi lệnh cấm du lịch có hiệu lực vào ngày 23/4.
Đại dịch khiến hơn 230 triệu người Ấn rơi vào nghèo đói |
Không thiếu những tỷ phú dốc sức và tiền của cho đất nước chống đại dịch
Mặc dù một nhóm tỷ phú bị chỉ trích thiếu trách nhiệm với xã hội nhưng theo các nhà xã hội Ấn Độ, không phải ai cũng vậy. Khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh vì COVID-19 của Ấn Độ ngày càng trầm trọng, một số công ty lớn của quốc gia này đã ra tay giúp đỡ, tập đoàn Tata kinh doanh muối và các phần mềm máy tính đã đóng góp các xi lanh đông lạnh và mở rộng công suất tại các bệnh viện do các công ty của mình điều hành. Các khách sạn của họ cũng đã cung cấp giường cho những người cần theo dõi y tế cơ bản.
Nhóm Mahindra, một tập đoàn sản xuất ô tô đa quốc gia của có trụ sở chính tại Mumbai, Maharashtra, Ấn Độ đã triển khai sáng kiến "Oxy trên bánh xe" để giúp các bệnh nhân COVID-19 đang gặp khó khăn trong việc lấy oxy.
Tập đoàn này tuyên bố rằng họ đã cung cấp hơn 11% tổng sản lượng oxy lỏng dùng trong y tế của Ấn Độ và cung cấp miễn phí cho một số bang ở quốc gia đông dân thứ nhì thế giới. Nhưng một số người đã hy vọng nhiều hơn từ các tỷ phú Ấn Độ và ước rằng giới giàu có nên quyên góp một cách hào phóng như ông Azim Premji, chủ tịch sáng lập Wipro, một tập đoàn đa quốc gia của Ấn Độ chuyên cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin.
Theo danh sách từ thiện của Edelgive Hurun India 2020, ông Premji được cho là một nhà thiện nguyện hào phóng nhất của đất nước khi đã quyên góp nhiều hơn 10 lần so với bất kỳ người Ấn Độ siêu giàu nào khác.
Trong danh sách các tỷ phú toàn cầu quyên góp cứu trợ vào tháng 4 năm ngoái, ông đứng thứ 3 bởi cam kết gói viện trợ nhân đạo và can thiệp y tế trị giá 132 triệu USD để hạn chế sự lây lan của COVID-19.
Trong khi đó, Reliance Industries Limited (RIL), một tập đoàn công nghiệp chuyên sản xuất các tinh chế hóa dầu và kinh doanh viễn thông của doanh nhân Mukesh Ambani - người giàu nhất Ấn Độ đã tặng 5 tỷ rupee cho Quỹ PM Cares để chống dịch COVID-19 vào tháng 3 năm ngoái và lần này, RIL đã tập trung mọi nỗ lực vào việc thiết lập các cơ sở chăm sóc bệnh nhân và tăng cường triệt để các giải pháp nhằm giảm thiểu việc thiếu oxy ở các cơ sở y tế.
Người nghèo Ấn Độ càng khổ hơn khi đại dịch ập đến |
Sankarshan Thakur, một nhà báo kỳ cựu, đã kêu gọi các doanh nghiệp và người giàu nên ra tay giúp đỡ người nghèo khi mà đại dịch khiến người nghèo Ấn Độ rơi vào cảnh đói nghèo.
Nghiên cứu mới của Đại học Azim Premji cho thấy khoảng 230 triệu người Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo khó vì tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 và nhóm người trẻ tuổi, phụ nữ chịu tác động mạnh nhất.
Trọng Trí (theo Straitstimes)