Những biến đổi mà công nghệ mang lại đang làm đảo lộn ngành tài chính. Từ chỗ chỉ là niềm đam mê của những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, Bitcoin giờ đã trở thành loại tài sản có giá trị vốn hoá lên tới hơn 1.000 tỷ USD mà nhiều nhà quản lý quỹ muốn bổ sung vào danh mục. Các day-trader trên thị trường tiền số trở thành 1 lực lượng trên phố Wall. PayPal có 392 triệu người dùng, dấu hiệu cho thấy Mỹ đang bắt kịp với Trung Quốc trên phương diện thanh toán điện tử.
Tuy nhiên, theo Economist dự báo, điều bùng nổ ít được chú ý nhất đang xảy ra ở biên giới phân cách 2 lĩnh vực công nghệ và tài chính cuối cùng sẽ trở thành cuộc cách mạng lớn nhất. Đó chính là sự ra đời của những đồng tiền số do các chính phủ phát hành, cho phép người dân trực tiếp giao dịch với NHTW, bỏ qua mạng lưới các ngân hàng thương mại truyền thống.
Tạm gọi đây là các "govcoins" – 1 dạng thức mới của tiền tệ. Chúng hứa hẹn không chỉ giúp hệ thống tài chính hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn mà còn chuyển quyền lực từ các cá nhân vào tay chính phủ. Do đó chúng sẽ thay đổi cách nguồn vốn được phân bổ và có những tác động địa chính trị không nhỏ.
Cuộc cách mạng tiếp theo
Hơn 1 thập kỷ trước, trong mớ hỗn độn do sự kiện Lehman Brothers sụp đổ gây ra, Paul Volcker - cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) – đã phàn nàn rằng phát minh hữu dụng gần nhất của ngành tài chính là chiếc máy ATM, một sản phẩm quá cũ kỹ. Kể từ đó đến nay, ngành này đã "nâng cấp". Các ngân hàng liên tục hiện đại hoá hệ thống IT.
Trong khi đó, ở bên ngoài, các doanh nhân trẻ đã xây dựng được cả 1 thế giới thử nghiệm các ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi), mà trong đó Bitcoin là phần nổi tiếng nhất. Thế giới DeFi bao gồm vô số các đồng tiền số, cơ sở dữ liệu và các "ống dẫn". Các yếu tố này tương tác với nhau theo những cách khác hoàn toàn so với tài chính truyền thống.
Bên cạnh đó, hiện các ứng dụng fintech đã có tổng cộng hơn 3 tỷ khách hàng sử dụng các loại ví điện tử và ứng dụng thanh toán. Bên cạnh PayPal là sự nổi lên của những siêu ứng dụng như Ant Group, Grab và Mercado Pago. Ngoài ra còn có những công ty lâu đời như Visa, cả Facebook cũng tham vọng tiến sâu vào lĩnh vực này.
Tiền số do chính phủ hoặc NHTW các nước phát hành là bước tiếp theo. Govcoins sẽ tập trung quyền lực vào tay nhà nước thay vì phân tán quyền lực qua các mạng lưới hoặc trao cho các công ty độc quyền tư nhân.
Ý tưởng đằng sau govcoins rất đơn giản. Thay vì sở hữu tài khoản tại 1 ngân hàng bán lẻ, bạn sẽ mở tài khoản trực tiếp tại NHTW không qua những ứng dụng tương tự như Alipay hay Venmo. Thay vì viết séc hay thanh toán trực tuyến bằng thẻ, bạn có thể sử dụng mạng lưới giá rẻ của NHTW. Và tiền của bạn sẽ được bảo lãnh bởi chính nhà nước chứ không phải 1 ngân hàng có thể sụp đổ.
Bạn muốn mua 1 chiếc pizza hay giúp 1 người họ hàng bị vỡ nợ? Không cần phải gọi đến hotline của Citigroup hay phải trả phí thẻ Mastercard, NHTW Anh và Fed sẽ phục vụ bạn.
Sự biến hoá của các NHTW từ vị thế "quý tộc" sang "nô bộc" trong thế giới tài chính nghe có vẻ xa lạ và mơ hồ, nhưng điều đó đang diễn ra trong thực tế. Hơn 50 NHTW (đại diện cho tỷ trọng không nhỏ trong GDP thế giới) đang nghiên cứu hoặc thử nghiệm govcoins. Bahamas đã phát hành tiền số. Trung Quốc thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trên hơn 500.000 người. EU muốn đến năm 2025 sẽ có 1 đồng euro kỹ thuật số. Anh lập đội đặc nhiệm chuyên nghiên cứu vấn đề này và Mỹ cũng nghiêm túc xem xét ý tưởng đồng USD điện tử.
Một động lực thôi thúc các chính phủ và NHTW phát hành tiền kỹ thuật số là nỗi sợ mất kiểm soát. Ngày nay các NHTW dựa vào hệ thống ngân hàng để khuếch đại tác động của chính sách tiền tệ. Nếu hoạt động thanh toán, cho vay và huy động đều được số hoá, các NHTW sẽ khó có thể quản lý chu kỳ kinh tế và bơm tiền vào hệ thống khi có khủng hoảng. Những mạng lưới tư nhân nằm ngoài tầm kiểm soát trở thành "miền Tây hoang dã" tràn ngập các vụ lừa đảo và xâm phạm quyền riêng tư.
Động lực tiếp theo là viễn cảnh cải thiện hệ thống tài chính. Trong điều kiện lý tưởng, tiền tệ là nơi cất giữ giá trị đáng tin cậy và là 1 phương tiện thanh toán hiệu quả. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy. Những người gửi tiền không được bảo hiểm có nguy cơ mất trắng nếu ngân hàng phá sản. Bitcoin không được chấp nhận rộng rãi và phí thẻ tín dụng khá đắt đỏ. Các đồng tiền kỹ thuật số do chính phủ phát hành sẽ ưu việt hơn, vì chúng được nhà nước bảo lãnh và sử dụng mạng lưới thanh toán giá rẻ.
Kết quả là govcoins có thể giúp giảm chi phí của ngành tài chính toàn cầu, mà theo tính toán là bình quân 350 USD trên mỗi người. Tiền điện tử cũng giúp 1,7 tỷ người hiện không có tài khoản ngân hang có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính. Govcoins cũng giúp mở rộng bộ công cụ của các NHTW bằng cách giúp họ dễ dàng gửi tiền cứu trợ cho người dân cũng như hạ lãi suất xuống dưới 0. Đối với người dung bình thường, sức hấp dẫn của 1 phương tiện thanh toán miễn phí, an toàn, nhanh chóng và đồng bộ là quá rõ ràng.
Các ngân hàng bị gạt ra bên lề
Tuy nhiên không phải không có rủi ro. Govcoin có thể nhanh chóng thống trị hệ thống tài chính, đặc biệt nếu như mạng lưới đủ hấp dẫn để người dùng không thể từ bỏ. Điều này sẽ khiến các ngân hàng thương mại chao đảo, bởi vì nếu như tất cả người dân và doanh nghiệp để tiền trong NHTW, họ sẽ phải rất vất vả đi tìm nguồn vốn khác.
Nếu như các ngân hàng bán lẻ cạn vốn, sẽ phải có ai đó cho doanh nghiệp vay tiền. Điều này dẫn đến nguy cơ quay trở lại hệ thống phân phối tín dụng theo cơ chế quan liêu.
Govcoins cũng có thể trở thành công cụ để nhà nước kiểm soát công dân chặt chẽ hơn. Chúng cũng có thể gây biến động địa chính trị bằng cách cung cấp mạng lưới thanh toán xuyên biên giới và công cụ thay thế đồng USD, đe doạ tầm ảnh hưởng của Mỹ. Một phần sức mạnh của đồng bạc xanh đến từ thị trường vốn của Mỹ rất mở, điều mà Trung Quốc không thể sánh bằng. Tuy nhiên, sức mạnh đó cũng dựa trên 1 hệ thống thanh toán đã khá cũ kỹ. Các nước nhỏ lo ngại rằng thay vì sử dụng nội tệ, người dân sẽ chuyển sang các đồng tiền điện tử nước ngoài và gây ra rắc rối.
Chính phủ các nước và cả các định chế tài chính cần phải chuẩn bị cho 1 sự dịch chuyển lớn trong cách thức hoạt động của hệ thống tiền tệ, tương tự như bước nhảy lên tiền xu kim loại hay thẻ thanh toán. Điều đó đồng nghĩa với củng cố luật bảo vệ quyền riêng tư, cải cách phương thức hoạt động của các NHTW và các ngân hàng bán lẻ cần chuẩn bị cho 1 vai trò mờ nhạt hơn trong tương lai.
Govcoins là thử nghiệm vĩ đại tiếp theo của thế giới tài chính, và chúng sẽ mang đến những thay đổi lớn lao hơn nhiều so với chiếc máy ATM.
Tham khảo The Economist