Bốn tháng đầu năm nay, TPHCM thu ngân sách hơn 140.000 tỉ đồng, đạt hơn 38,4% dự toán bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Thông tin trên được bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TPHCM báo cáo tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội tháng 4 và triển khai nhiệm vụ tháng 5 năm 2021, chiều ngày 11.5.
Theo bà Hà, năm nay Trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách cho TPHCM gần 365.000 tỉ đồng, tức là bình quân một ngày phải thu khoảng 1.500 tỉ.
Trong 4 tháng đầu năm, TPHCM thu ngân sách hơn 140.000 tỉ đồng, đạt hơn 38,4% dự toán. Tính ra mỗi ngày thành phố thu khoảng 1.798 tỉ đồng, bằng 121,29% mức trung bình phải thu trong năm.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong bốn tháng đầu năm nay, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn có mức tăng trưởng khả quan hơn so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trong 4 tháng ước đạt khoảng 366.234 tỉ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 15,47 tỉ USD, tăng 13,9%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 4 tháng đầu năm của thành phố đạt 19,95 tỉ USD, tăng 27,7%. Trong đó các mặt hàng làm tăng kim ngạch xuất khẩu gồm: điện thoại các loại và linh kiện; xăng dầu; phân bón; chất dẻo nguyên liệu; linh kiện phụ tùng ôtô để phục vụ sản xuất.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,6%). Có 5.588 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 95,18% so với cùng kỳ.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư, thời gian tới, TPHCM tiếp tục thực hiện các giải pháp để thực hiện chủ đề năm 2021 là Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư; có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch...
Ngoài ra, TPHCM tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác, kêu gọi đầu tư qua các giao thức trực tuyến giúp kinh tế thành phố không bị gián đoạn.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, bốn tháng đầu năm hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố như hóa nhựa, chế biến lương thực thực phẩm, linh kiện điện tử, cơ khí,… đều tăng trưởng. Trong khi đó những tháng đầu năm ngoái thì ngành chế biến lương thực thực phẩm và cơ khí giảm mạnh.
“Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc đảm bảo tốc độ tăng của ngành công nghiệp chủ lực là điều đáng mừng. Nó càng cho thấy trách nhiệm của chúng ta hiện nay trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là hết sức nặng nề. Bởi nếu không chống dịch tốt sẽ làm gãy đổ những nỗ lực trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế” – ông Nguyễn Thành Phong nói.
Xem thêm: odl.330809-yagn-iom-gnod-it-0081-nag-hcas-nagn-uht-mchpt-hcid-pahc-tab/et-hnik/nv.gnodoal