Ngày 11-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã nêu các định hướng chiến lược để ngành tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc. Ảnh: VGP
Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đa số các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ liên quan tới hạ tầng, là nền tảng nên phải đi trước. Bộ đặt mục tiêu đưa các lĩnh vực này vào top khoảng từ 30 đến 50 của thế giới vào năm 2025.
Với từng lĩnh vực quản lý, Bộ trưởng báo cáo chi tiết về quy mô thị trường, định hướng phát triển, mục tiêu, những việc cần làm và các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng. Tổng doanh thu toàn ngành năm 2020 khoảng 130 tỷ USD, tổng nộp ngân sách khoảng 5 tỷ USD.
Định hướng cho các lĩnh vực, Bộ trưởng nêu nhiều mục tiêu như Việt Nam phải làm chủ các thiết bị hạ tầng số, nhất là 5G, phủ sóng toàn quốc 5G năm 2022. Việt Nam phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, anh ninh mạng (hiện đã làm chủ 90%).
Về lĩnh vực công nghiệp điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin - công nghệ số (gọi chung là công nghiệp ICT), cần chuyển từ lắp ráp, gia công sang “Make in Vietnam”, sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế và làm ra tại Việt Nam. Tỷ trọng “Make in Vietnam” vào năm 2025 đạt hơn 45% (hiện tại đang là 22%). Phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vào năm 2025 từ 58.000 doanh nghiệp hiện nay.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, kết quả đạt được của ngành chưa như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng lớn, nhất là tiềm năng, nguồn lực con người.
“Chúng ta chưa hài lòng với kết quả công việc, tổ chức bộ máy, công tác quản trị và hiệu quả cụ thể; tinh thần tiên phong, gương mẫu tuy mạnh mẽ nhưng vẫn có lúc trầm xuống, chưa đồng bộ, liên tục”- Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh các nguyên tắc một người có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ có một đơn vị, một cá nhân chịu trách nhiệm chính; việc nào người dân, doanh nghiệp, xã hội có thể làm tốt hơn thì xã hội hóa (trừ các nội dung liên quan tới an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị-xã hội, đối ngoại).
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi tại cuộc làm việc. - Ảnh: VGP
Thủ tướng yêu cầu quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ - cái gốc của công việc, nhất là người đứng đầu gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp, trung thực, trung thành; vận dụng sáng tạo các cơ chế đánh giá cán bộ như đánh giá cán bộ theo sản phẩm, tiến độ và chất lượng công việc, so sánh với các đơn vị tương đương, dưới đánh giá lên, trên đánh giá xuống, đánh giá liên tục, toàn diện… Xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với phòng chống tham nhũng tiêu cực trong mua sắm, quản lý tài sản công.
“Khát vọng lớn nhưng đội ngũ cán bộ không xứng tầm thì không làm được việc”- Thủ tướng bày tỏ.
Trong công tác quản lý nhà nước, Bộ cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực; đi kèm cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và nguồn lực thực hiện, “không để chiến lược trên giấy”.
Thiết kế công cụ quản lý hệ thống, tránh tình trạng từng đơn vị làm tốt nhưng tổng thể lại có vấn đề. Bộ cũng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực quản lý.
Thủ tướng lưu ý, công tác truyền thông là nhiệm vụ hết sức quan trọng. “Việc tốt mà không biết truyền thông thì người ta không biết, sơ hở nhỏ nhưng để thành khủng hoảng thì gây hậu quả lớn. Phải tăng cường nhận thức, phải xây dựng cơ chế, thể chế chính sách phù hợp để truyền thông là một nguồn lực, là sức mạnh”.
Theo Thủ tướng, thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu để truyền thông là nguồn cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp, xã hội cùng chung tay, góp sức cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.