Bản thảo về đường 1C - 10 năm tái hiện lịch sử
Sáng ngày 25/4, chương trình giao lưu tác giả và giới thiệu tác phẩm "Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái" đã được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình có sự góp mặt của nhà văn Trầm Hương, các nhà văn thuộc Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, giảng viên, sinh viên 2 trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học An ninh nhân dân và đặc biệt là hơn 20 cựu thanh niên xung phong từng hoạt động cách mạng tại con đường 1C huyền thoại.
Bìa sách “Đường 1C huyền thoại”. |
"Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái" là tâm huyết 10 năm của nhà văn Trầm Hương. Trong những ngày tháng thực hiện, chị đã tiếp xúc, lắng nghe, theo chân không ít cựu thanh niên xung phong đi về chiến trường xưa, kết nối những người đồng đội bị mất liên lạc, giúp đỡ các trường hợp khó khăn có được một căn nhà khang trang.
"10 năm qua, chính các chị - những người con gái thanh niên xung phong đã truyền cảm hứng khiến tôi thay đổi góc nhìn, thậm chí tự nguyện thay đổi đề tài, sửa chữa những ngô nghê để có được một bản thảo trọn vẹn xuất bản thành tác phẩm "Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái". Tôi thành tâm biết ơn các chị vô cùng!",- nữ nhà văn bày tỏ.
Chính trong buổi giao lưu này, chị cũng chủ động lí giải lý do vì sao bản thân lại tập trung khắc họa câu chuyện của "những bờ vai con gái" thay vì mang đến cái nhìn bao quát về hai giới. Theo chị, lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C lúc bấy giờ đều là những cô gái trẻ tuổi 18, đôi mươi. Thậm chí, có người chỉ mới 15 tuổi. Họ bên ngoài có thể mảnh mai, yếu đuối, nhưng bên trong đều vô cùng can trường, vượt qua gian khổ, kiên cường trụ lại, chiến đấu, chiến thắng trên chiến trường khốc liệt.
"Không những thế, có những cái khổ mà chỉ con gái mới hiểu. Có những cái khổ trở thành ám ảnh mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Chính các anh cũng thấy thương, thấy tội các chị quá! Vậy mới thấy những người con gái thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C đáng nể đến nhường nào" - nhà văn nhận định.
Vì vậy, với nhà văn Trầm Hương, "Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái" là lời tri ân của chính chị dành cho những người con gái thanh niên xung phong hi sinh tuổi xanh để bảo vệ Tổ quốc.
Những người con gái bình thường làm chuyện phi thường
Mở đầu phần giao lưu với các cựu thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C, nhà văn Trầm Hương khẳng định: "Nhiều người đọc sách xong trầm trồ hỏi tôi vì sao các chị làm được những chuyện phi thường đến thế. Nhưng thực ra các chị đều là người bình thường, đều biết tủi, biết khóc".
Từ đó, nhà văn giới thiệu cho khán giả từng nhân vật xuất hiện trên sân khấu, những nhân chứng của tuyến đường 1C ngày nào, mở ra bao câu chuyện buồn vui về một thời cực khổ mà oanh liệt.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, quê ở Cà Mau, kể: "Ngày ấy, lúc đăng kí đi làm thanh niên xung phong, mình mới 15 tuổi. Chuyển hàng là gì, thanh niên xung phong là gì, đồ được vận chuyển có giá trị bao nhiêu, mình đều không biết. Nhưng bản thân vẫn rất cố gắng, chưa bao giờ sợ chết".
Kí ức của chị về tuyến đường 1C là chuỗi 31 ngày đêm không ngủ. Quần áo chỉ được cấp cho 2 bộ, trời mưa không kịp phơi khô, mặc đồ ẩm trên người lại đi sâu trong rừng nên ghẻ lở. Cơm không quen miệng lại chẳng đủ ăn, "có lúc còn mỗi một bát cơm mang lên cho cán bộ, các anh xót xa bảo mang về nấu cháo để còn lót dạ".
Nhắc đến đây, chị Hạnh thừa nhận là mỗi lần kể lại chuyện xưa bản thân đều thấy tủi, "nhưng ngày ấy kiên cường lắm, không biết khổ cực là gì nên cứ băng băng đi hết con đường này đến con đường khác, thậm chí xin qua đội khác khi nhiệm vụ đã hoàn thành".
Thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C. |
Cùng tiểu đội với chị Hạnh, chị Thắm cũng chia sẻ: "Dù nhiệm vụ là đi chuyển hàng nhưng ai cũng có một khẩu súng AK với băng đạn treo trước ngực, chiến đấu chống kẻ địch là một phần nhưng để bảo vệ hàng mới là lí do chính".
Khác với nhiều vùng khác, thanh niên xung phong chuyển hàng ở miền Tây Nam Bộ cực hơn hẳn vì phải đối mặt với thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Mùa khô vác hàng trên vai, đi qua rừng tràm, đất xốp rất dễ bị sụp; mỗi lần sụp xuống phải nhờ hai ba người kéo ngược lên. Đến mùa mưa thì nước dâng ngang ngực, phải dùng xuồng để chuyển hàng đi trong lo sợ.
"Có lần đi ngang chỗ người ta giăng mùng để chăn vịt, nhìn họ say giấc mà mình thèm lắm, ước gì chỉ có 1 tiếng để ngủ yên thôi là sướng lắm rồi. Vậy mà vẫn không được. Nhưng mà đi thì vẫn cứ đi thôi vì còn cả trận chiến đợi mình phía trước".
Cuộc sống chiến đấu gian khổ như vậy nhưng những kỉ niệm vui vẻ giữa đồng đội với nhau cũng không hề ít. Trong câu chuyện được kể lại, chúng ta vẫn thấy được cái nét tươi trẻ, tinh nghịch đúng với lứa tuổi 18, đôi mươi của những người thanh niên xung phong ngày nào. Chị Hồng Hạnh đùa: "Ngày đó mình thích cái giấy khen lắm. Mà giấy khen dành cho những chị thanh niên xung phong xuất sắc là ảnh của anh Nguyễn Văn Trỗi cơ!".
Anh Ca Long Phiêu - người đàn ông duy nhất trong tiểu đội lúc bấy giờ - cũng xuất hiện trong câu chuyện hài hước của những người con gái thanh niên xung phong. Bởi cứ mỗi lần chị em đi tắm, anh đều bị mọi người lấy võng trùm lên đầu rồi dùng dây dù ra quấn cổ để buộc cho chắc, tránh hành vi nhìn trộm. "Được 2 tháng, tôi chủ động xin ra chiến trường vì đi với mấy cô này khổ quá",- anh Phiêu cười lớn.
Nhà văn Trầm Hương bày tỏ, cuộc sống nơi chiến trường khốc liệt và đầy gian truân, nhưng vẫn còn những câu chuyện khiến ta phải bật cười, cảm động hay thấy cả tâm hồn tuổi trẻ sống dậy trong tâm khảm vì đồng cảm với sự ngây ngô, hồn nhiên và sinh động. "Tôi đưa những câu chuyện đó vào sách vì biết rằng nó làm cho đường 1C thêm phần chân thật, sinh động và "con người" hơn rất nhiều".
Những lời hứa hẹn từ "tương lai"
Tại buổi giao lưu, anh Võ Lập Phúc, sinh viên ngành Quốc tế học, khoa lịch sử trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự nhiệt thành và trân quý của mình dành cho tác phẩm "Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái".
Với cậu, tác phẩm này không chỉ được viết bằng ngôn từ nghệ thuật bình thường mà còn là sự kết tinh của biết bao tình cảm, trăn trở, nhiệt huyết, niềm tự hào và giá trị sống của những người đã dành thanh xuân của mình với các chuyến hàng trải dài hàng chục km.
"Khi đọc cụm từ "Trường Sơn giữa đồng bằng" với hình ảnh "đoàn người đêm đêm cứ nối nhau đi", những mảnh kí ức của người chiến sĩ như hóa thành bức phong họa tuyệt vời hiện lên trong tâm trí con. Tác phẩm này thật sự làm khơi dậy cả một bầu trời lịch sử gắn liền với tuổi trẻ của không biết bao nhiêu trai gái, và một bầu trời bình yên trong cuộc sống hiện tại của chúng ta".
Bạn Trần Thị Xuân Mai, sinh viên Trường Đại học An ninh Nhân dân bày tỏ: "Cô Trầm Hương kể rằng, các nữ thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ đều không dám soi gương vì các cô đã để lại thanh xuân nơi chiến trường. Thế nhưng ngày hôm nay, khi mọi người xuất hiện trên sân khấu, con vẫn thấy mọi người toát lên vẻ đẹp kiêu hãnh và oai hùng. Vẻ đẹp đó sáng vô cùng".
Xuân Mai cũng như nhiều bạn trẻ khác đã cất tiếng nói đại diện cho thế hệ, tri ân sự cống hiến của các cô, chú từng là thanh niên xung phong bám trụ, chiến đấu trên tuyến được 1C và hứa rằng sẽ tiếp nối và phát huy những giá trị vô giá mà bản thân may mắn đón nhận được.
Hải VânXem thêm: /550046-hcas-gnart-nert-ni-iaoht-neyuh-naux-ten-gnuhN/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv