Khách hàng bị yêu cầu "tự nguyện" mua bảo hiểm
Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm quy định việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện. Thế nhưng, trên thực tế hầu hết các khách hàng có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng đều bị yêu cầu “tự nguyện” mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ.
Chị N.T.T.T (Hà Nội) cho biết, mới đây, vợ chồng chị làm thủ tục thế chấp sổ đỏ để vay hơn 300 triệu đồng tại một ngân hàng trong nước. Ban đầu, nhân viên tư vấn có giải thích rất chi tiết về các chi phí kèm theo. Dù đã “cảnh giác” hỏi rất kỹ về những chi phí khác có thể phát sinh, nhân viên ngân hàng khẳng định là "không".
Thế nhưng, sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, người nhân viên ngân hàng lại gọi điện yêu cầu vợ chồng chị phải mua bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm khoản vay mới được giải ngân khoản vay.
“Trong khi đó, chúng tôi đã hẹn chốt lịch với bên bán nhà sẽ giao dịch thanh toán tiền vào hôm sau. Cuối cùng, chúng tôi đã phải chấp nhận ký hợp đồng mua gói bảo hiểm trị giá 10 triệu đồng/năm và thêm 3 triệu đồng tiền xử lý hồ sơ cho nhanh để giải ngân cho bên bán nhà”, chị N.T.T.T nói.
Cũng giống như trường hợp của chị N.T.T.T., anh N.Q.Đ (Hà Nội) cho hay từng làm hồ sơ vay 4 tỷ đồng ở một ngân hàng, nhưng tiền thì chưa vay được nhưng đã bị yêu cầu phải mua gói bảo hiểm 50 triệu đồng.
“Dĩ nhiên tôi vẫn phải cắn răng mua để được vay, vay xong là bỏ gói bảo hiểm đó luôn chứ tiền đâu mà duy trì đóng theo hạn?” anh N.Q.Đ bức xúc.
Nhà băng thu lợi khủng từ bán bảo hiểm cho khách vay
Dù biết về sự khó chịu của khách hàng khi bị ép mua bảo hiểm, nhưng trước món hời khó cưỡng, các ngân hàng khó có thể bỏ qua cơ hội gia tăng thu nhập từ bán bảo hiểm.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2021 của ngân hàng ACB cũng cho thấy, thu nhập từ bán bảo hiểm tăng trưởng khả quan trong quý 1 vừa qua nhờ mô hình “Direct sales” mảng bảo hiểm và các sản phẩm độc quyền từ Sunlife, đóng góp đáng kể cùng với mảng nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán vào tổng thu nhập hoạt động 5,6 nghìn tỷ.
Trong khi đó, ngân hàng TPBank cho hay, thu nhập phí thuần tăng đến 80% trong quý 1/2021 lên 282 tỷ đồng, trong đó hoa hồng từ bán bảo hiểm là điểm nhấn chính khi đạt mức kỷ lục 191,2 tỷ đồng, tăng 91,6% so với quý 1/2020.
Ước tính, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của TPBank có thể đạt 5,5 nghìn tỷ đồng nhờ tăng trưởng mạnh ở thu nhập lãi ròng và bán bảo hiểm, bất chấp dự phòng tăng và không có khoản thu phí từ bancassurance bất thường.
Còn với ngân hàng Techcombank, thu nhập từ bán bảo hiểm phục hồi mạnh mẽ trong quý 1/2021, đạt 250 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ. Sau một năm dài chuẩn bị, Techcombank đã chính thức áp dụng mô hình bán bảo hiểm mới cho năm 2021, bao gồm giới thiệu bán hàng cho khách hàng cao cấp, bán hàng trực tiếp cho khách hàng trung cấp và đại chúng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình bán hàng trực tiếp, Techcombank đã ra mắt iTCBlife trong quý 1, đây là một công cụ tư vấn kỹ thuật số hỗ trợ nhân viên bán bảo hiểm xác định nhu cầu của khách hàng.
Được biết, ngân hàng này hiện có hơn 3.700 nhân viên giao dịch có giấy phép bán bảo hiểm.
Mô hình bán bảo hiểm mới và cơ sở khách hàng cao cấp đưa kì vọng về thu nhập từ phí bán bảo hiểm đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30% cho Techcombank trong năm 2021.
Trong số các ngân hàng ký hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm, Vietcombank và FWD được xem là một sự kết hợp hoàn hảo cho cả hai, một bản hợp đồng có thời hạn đến năm 2035.
Khác với năm ngoái, Vietcombank ghi nhận 1,7 nghìn tỷ đồng phí trả trước liên quan đến hợp đồng bảo hiểm độc quyền được phân bổ cho năm 2021 ngay trong quý 1/2021, thay vì ghi nhận vào quý 4 như năm 2020.
Tuy không có được thỏa thuận dài hơi như của Vietcombank, hợp đồng bancassurance độc quyền giữa LienVietPostBank với Dai-ichi Life được ký kết từ tháng 2/2017 và sẽ đáo hạn vào năm tháng 2/2022. Được biết ngân hàng này đang ráo riết tìm kiếm cho mình một đối tác khác nhằm tối đa hóa lợi thế của mình.
Trong những năm qua, LienVietPostBank đã mở rộng mạng lưới và đào tạo nhân viên bán bảo hiểm. Ngân hàng đã áp dụng mô hình bán hàng trực tiếp thay vì bán hàng gián tiếp. Hoa hồng bán bảo hiểm năm 2021 ước tính đạt 700 tỷ đồng, cao hơn gấp ba lần so với năm trước, doanh thu bán bảo hiểm tăng mạnh 40% trong năm 2020.
Khác với mô hình chung phổ biến ở các ngân hàng hiện nay, Ngân hàng MB thực hiện theo kiểu “làm tất ăn cả” khi cung cấp dịch vụ bảo hiểm từ công ty con MBAgeas Life.
Mặc dù ngân hàng không công bố mức thu nhập từ bán bảo hiểm nhưng báo cáo tài chính quý 1/2021 của MB cho thấy, lợi nhuận trước thuế từ bảo hiểm nhân thọ giảm 32% so với cùng kỳ, đạt 68 tỷ đồng.
Kết quả này đã được dự kiến trước khi MBAgeas bắt đầu tập trung phát triển kênh đại lý của mình trong năm 2021, đi kèm với việc có thể phải hy sinh tỷ suất sinh lời ở giai đoạn đầu.
Siết chặt quản lý việc "bán lạc kèm bia"
Trước việc các công ty bảo hiểm ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền qua kênh ngân hàng (bancassurance), phí hoa hồng từ các hợp đồng bán bảo hiểm bỗng chốc trở thành nguồn thu đáng kể cho các ngân hàng. Điều này dẫn đến việc hoạt động tín dụng giữa ngân hàng và người vay trở nên biến tướng, khách hàng bị bủa vây bởi những lời dụ dỗ tham gia bảo hiểm của nhân viên ngân hàng, thậm chí có tình trạng ép khách hàng phải mua các gói bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân vốn vay.
Một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, bộ đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao tỉ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng. Ngoài ra việc chào bán, giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng mua bảo hiểm của ngân hàng cũng phải tuân thủ quy định pháp luật, nhằm giúp khách hàng hiểu đúng và đủ quyền và lợi ích của mình cũng như các điều kiện, điều khoản thanh toán của bảo hiểm.
Ngân Giang
Infonet