- Tìm phương án lai dắt tàu hàng chở 101,676 khối dầu bị mắc cạn
- Lai dắt tàu cá và 8 ngư dân bị nạn vào bờ an toàn
- Lai dắt tàu bị nạn ở Hoàng Sa về đảo Lý Sơn
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý, kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Quảng Ninh và Nghệ An.
Điều đáng chú ý, mặc dù “nằm lòng” quy định, song Cảng vụ Quảng Ninh, Nghệ An vẫn cứ “vô tư” sai trong việc xây dựng kế hoạch điều động tàu lai hàng ngày, trong đó đáng chú ý là việc điều động tàu hàng ngày không đảm bảo công suất tối thiểu của phương tiện lai dắt…
Nhằm góp phần bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, Cảng vụ Quảng Ninh, Nghệ An được Cục Hàng hải Việt Nam giao trách nhiệm quản lý, phê duyệt kế hoạch điều động tàu, giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm tại địa bàn.
Việc lai dắt tàu ở Quảng Ninh, Nghệ An còn bộc lộ nhiều tồn tại. Ảnh minh họa |
Tại thời điểm thanh tra vào cuộc, có 14 đơn vị kinh doanh lai dắt tàu biển hoạt động trong vùng nước cảng biển, thuộc trách nhiệm quản lý của Cảng vụ Quảng Ninh, Nghệ An. Kết quả thanh tra của đoàn thanh tra Bộ GTVT đã cho thấy nhiều tồn tại.
Trong khi các Cảng vụ phải xây dựng kế hoạch điều động tàu hàng ngày, thì Trưởng đại diện Cảng vụ Nghệ An tại Cửa Lò xây dựng và ký duyệt kế hoạch điều động tàu hàng ngày không dảm bảo công suất tối thiểu của phương tiện lai dắt theo quy định.
Cụ thể, tháng 7/2019 để Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam bố trí tàu lai Ngọc hải 68 (công suất 1240 CV) lai dắt 7 lượt tàu biển có chiều dài trên 140mvà 4 lượt tàu biển có chiều dài trên 180m. Tiếp đến tháng 5 và 6/2020, Công ty cổ phần Xi năm Sông Lam tiếp tục bố trí tàu lai Ngọc Hải 86 (công suất 1320CV) lai dắt 4 lượt tàu biển có chiều dài trên 140m và 1 lượt tàu biển có chiều dài trên 180m…
Tại Cảng vụ Quảng Ninh, tháng 7 và 8/2020, Công ty cổ phần Vận tải biển Nhật Minh bố trí tàu lai Nhật Minh ship 8 (công suất 1800CV) lai dắt 10 lượt tàu có chiều dài trên 180m, trong khi yêu cầu tàu lai công suất tối thiểu phải 2.000HP…
Khi kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu lai, thanh tra giao thông cũng phát hiện còn doanh nghiệp bố trí tàu lai không có trong kế hoạch điều động tàu của Cảng vụ Nghệ An; chưa thực hiện việc khai báo tại Cơ sở dữ liệu thuyền viên của Cục HHVN theo quy định; cung cấp dịch vụ lai dắt không đúng mức giá theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Chưa dừng lại, liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lai dắt, hai cảng vụ Quảng Ninh, Nghệ An cũng bộc lộ nhiều thiếu sót.
Đơn cử như năm 2020, Cảng vụ Nghệ An đã kiểm tra 7 lượt đối với 4 doanh nghiệp về hoạt động lai dắt tàu biển, qua đó phát hiện một số hành vi vi phạm, tuy nhiên Cảng vụ Nghệ An không hiểu vì lý do gì lại chưa xử lý kịp thời.
Với Cảng vụ Quảng Ninh, mặc dù đã được thanh tra, kiểm tra đôn đốc nhưng đến nay 2 tàu kéo là tài sản nhà nước (Cái Lân 06, Cái Lân 08) do Cảng vụ Quảng Ninh đang quản lý, khai thác đưa vào hoạt động lai dắt tàu biển, chưa được xử lý kịp thời về quản lý tài sản theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý hơn, liên quan đến điều kiện pháp lý để hoạt động của các đơn vị kinh doanh lai dắt tàu biển, thanh tra giao thông đã phát hiện ra Cảng vụ Quảng Ninh thực hiện hoạt động lai dắt tàu biển là chưa phù hợp với điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển theo quy định (chủ thể kinh doanh phải là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật).
Ngoài các vi phạm nói trên, thanh tra Bộ GTVT cũng phát hiện một số đơn vị thực hiện dịch vụ lai dắt tàu biển chưa có người chuyên trách thực hiện công tác pháp chế có trình độ cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành luật theo quy định; một số đơn vị bố trí chức danh thuyền viên, xác nhận trong Sở thuyền viên chưa đúng quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT; khai báo vào Cơ sở dữ liệu thuyền viên của Cục HHVN chậm so với quy định; không xác nhận hoặc xác nhận không đầy đủ việc bố trí chức danh thuyền viên trong Sổ thuyền viên.
Thậm chí thuyền viên có Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ không có thời hạn là không đúng quy định; một số hợp đồng lao động với thuyền viên không có chữ ký của người lao động hoặc chữ ký của người lao động giống nhau và không được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định…
Về vấn đề giá dịch vụ, kết quả thanh tra cho thấy có tới 13/13 đơn vị được thanh tra chưa thực hiện kê khai giá dịch vụ với cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Còn 7/13 đơn vị chưa thực hiện thông báo bằng văn bản việc kê khai, niêm yết giá dịch vụ lai dắt đến Cục Hàng hải Việt Nam theo quy định. Đặc biệt có đơn vị như Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh thực hiện thu giá dịch vụ lai dắt hỗ trợ tàu biển với mức giá cao hơn mức giá tối đa của khung giá theo quy định.
Trước các tồn tại, sai sót nói trên, Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương thực hiện quản lý, khai thác 2 tàu lai thuộc tài sản nhà nước theo đúng quy định trước ngày 31/12/2021.
Trong thời gian xử lý tài sản, yêu cầu Cục Hàng hàng Việt Nam tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác 2 tàu này nhằm bảo đảm an toàn theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo Cảng vụ Quảng Ninh, Nghệ An và các đơn vị kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển trong việc xử lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên.
Đối với Cảng vụ Quảng Ninh, Nghệ An cần tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra tồn tại, sai sót trong quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển đã nêu.
Với các đơn vị kinh doanh, lai dắt tàu biển, Thanh tra Bộ GTVT cũng yêu cầu nghiên cứu, rà soát thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển, chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để xảy ra tồn tại, vi phạm. Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GTVT trước ngày 30/5/2021.
Xem thêm: /788046-mahp-ias-nav-am-hnid-yuq-or-man-peihgn-hnaod-uv-gnaC/peihgn-hnaod/nv.moc.dnac