Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, ước giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng đầu năm 2021 đạt 86.010,29 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (18,98%), trong đó vốn trong nước đạt 20,74%, vốn nước ngoài đạt 2,02%.
Cụ thể, có 5 Bộ và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20% kế hoạch, trong đó, một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình (76,74%), Hà Nam (50,57%), Kiểm toán nhà nước (46,89%); Hưng Yên (43,21%), Thanh Hóa (42,39%), Quảng Ninh (39,62%).
Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 41/50 Bộ và 26/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 17 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ ra 5 nguyên nhân chính làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ nhất, công tác giải phóng mặt bằng, có sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận, dẫn đến nhiều trường hợp có đất thuộc diện được Nhà nước thu hồi yêu cầu bồi thường với giá cao hơn quy định và yêu cầu thỏa thuận; Vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, rừng tự nhiên; việc đo đạc, kiểm đếm và áp dụng mức đền bù… Những điều này khiến cho công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, về công tác đấu thầu, báo cáo cho thấy, tồn tại hiện nay trong công tác đấu thầu chủ yếu do các cơ quan thực thi, một số nơi còn chưa minh bạch trong tổ chức đấu thầu, còn trường hợp lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Thứ ba, về công tác thi công, quá trình thực hiện còn vướng mắc do giá vật liệu xây dựng tăng cao so với thời điểm duyệt dự toán; có trường hợp nhà thầu không đủ năng lực thi công theo yêu cầu…
Thứ tư, công tác giám sát, đánh giá hiệu quả chưa quan tâm, thực hiện nghiêm túc, kịp thời mặc dù đã được quy định tại Luật Đầu tư công.
Thứ năm, đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, giải ngân vốn nước ngoài ước 4 tháng đầu năm 2021 rất thấp và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (5,92%).
Ngoài ra, tác động của đại dịch COVID-19 đối với các dự án vốn nước ngoài vẫn còn kéo dài do nhiều hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, Covid-19 dẫn đến việc thời gian nhận được ý kiến không phản đối của các nhà tài trợ kéo dài.
Phương Nga
Theo Nhịp Sống Kinh Tế